Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 9 năm 2024 | 14:35

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý Đồng Tháp tạo thương hiệu lúa gạo mùa nước nổi

Tại hội nghị sơ kết Dự án “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp”, diễn ra tại xã Tam Nông, do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan gợi ý huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp có thể tạo thương hiệu lúa gạo mùa nước nổi, cùng nhau sản xuất ra nông sản an toàn, vừa gia tăng giá trị.

Hiệu quả cao

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp, từ 8 hộ ở xã Phú Thành A canh tác 20ha vụ đông xuân vừa qua, đến nay đã có 23 hộ canh tác trên 80ha. Nổi bật, mô hình còn thực hiện kết hợp trữ cá mùa lũ năm 2023, với 72 hộ thực hiện trên diện tích 170ha, thu lợi nhuận từ bán thủy sản là 217,2 triệu đồng/ha.

Khách du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình áp dụng các biện pháp sạ cụm, sạ thưa giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 40 - 60% so với sản xuất bình thường (giảm khoảng 50 - 70 kg/ha); sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm khoảng 30 - 40% lượng phân vô cơ so với ngoài mô hình. Sau khi thu hoạch, lượng rơm được thu gom đưa khỏi ruộng khoảng 87,5%, phần còn lại nông dân trong mô hình phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ tạo thêm dinh dưỡng cho đất. Mô hình sử dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu xuống giống đến phun thuốc, rải phân, thu hoạch...

Đặc biệt, huyện đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững trong tương lai, đã xây dựng kế hoạch sử dụng ứng dụng ghi chép sổ nhật ký điện tử, theo dõi đồng ruộng trên thiết bị thông minh. Đăng ký nhãn hiệu gạo do Hợp tác xã Quyết Tiến sản xuất, đồng thời đầu tư trang thiết bị cho việc chế biến sau gạo như bột gạo, mỹ phẩm, dược phẩm.

Bên cạnh đó, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa trong mô hình cho nông dân. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, nông dân sử dụng nguồn rơm tại chỗ tái sử dụng để sản xuất nấm rơm và giá thể hữu cơ, ủ phân hữu cơ truyền thống, làm thức ăn gia súc, góp phần tăng thêm thu nhập. Phát triển sản xuất lúa gắn với công nghệ sinh thái, tạo cảnh quan, dẫn dụ thiên địch… gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, ông Nam cho biết.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quyết Tiến, người trực tiếp thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp ở xã Phú Thành A (huyện Tam Nông) cho biết, sau 2 năm thực hiện mô hình được nhiều nông dân hưởng ứng tham gia. Năm 2023, diện tích ban đầu chỉ 20ha của 8 hộ, đến năm nay diện tích được mở rộng lên 80ha với 23 hộ trong HTX tham gia. Sang năm nay, huyện Tam Nông tăng diện tích lúa theo mô hình mới lên trên 170ha. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường điện, thiết bị bơm nước, kết nối tiêu thụ nông sản, nạo vét thủy lợi nội đồng...

Ông Tuấn cho biết, mô hình trồng lúa mới áp dụng sạ cụm, sạ thưa giúp giảm lượng giống từ 40-60% so với sản xuất bình thường (giảm khoảng 50-70 kg giống/ha). Sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân bón hóa học và giảm 30-40% lượng phân hóa học so với canh tác truyền thống (giảm khoảng 100-150 kg phân bón/ha). Giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần so với ngoài mô hình. Sau thu hoạch, rơm được thu gom khỏi ruộng khoảng 87%, phần còn phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ tạo thêm dinh dưỡng cho đất.

Qua nhiều vụ canh tác, tôi thấy nông dân tham gia mô hình đã thay đổi tư duy trong sản xuất lúa, họ mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, như máy sạ, phun thuốc bằng thiết bị bay (drone), bón phân hữu cơ để cải tạo đất… Từ đó giúp nông dân tham gia mô hình giảm được chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Khi bước vào mùa lũ, HTX đẩy mạnh du lịch trải nghiệm mùa nước nổi, tận dụng kênh du lịch này để quảng bá gạo sạch, ông Tuấn nói.

Tạo thương hiệu lúa gạo mùa nước nổi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả các mô hình tại Tam Nông, nhất là từ một nhóm nông dân có tâm huyết, nhiệt tình, mạnh dạn tham gia mô hình, đã thành lập tổ hợp tác và phát triển thành hợp tác xã... Đồng thời, ghi nhận sự chăm chỉ và tâm huyết của người nông dân đã cùng nhau thực hiện và mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp hiện đại, phát thải thấp và mong muốn cộng đồng, cùng chính quyền có những chiến lược phù hợp cùng với nông dân tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng mùa nước nổi, tăng lợi nhuận, góp phần quảng bá thương hiệu nông nghiệp hữu cơ.

Một mô hình sản xuất lúa theo hướng phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng Tháp.

Đặc biệt, chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng dự án để phát triển, nâng cao nhận thức của cán bộ và nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hình ảnh đặc trưng của địa phương…

Bộ trưởng cho rằng, muốn sản xuất được nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp thì trước nhất phải nâng cao nhận thức cho người sản xuất và tiêu dùng về sản xuất nông nghiệp an toàn, tuần hoàn, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường và hệ sinh thái. Phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, số hóa dữ liệu canh tác, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.

Theo ông Hoan, sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu đạt được tín chỉ giảm phát thải carbon cho toàn bộ vùng dự án. Cùng với đó, xây dựng mô hình điểm về tích hợp công nghệ cao, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Ông Hoan dẫn câu chuyện làm nông nghiệp tuần hoàn “lúa - cá” tại Thái Lan, khi họ sản xuất ra sản phẩm lúa hữu cơ luôn bán giá cao hơn thị trường nhiều lần và còn thích nghi với biến đổi khí hậu. Người đứng đầu ngành nông nghiệp gợi ý huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp có thể tạo thương hiệu lúa gạo mùa nước nổi, cùng nhau sản xuất ra nông sản an toàn, vừa gia tăng giá trị. Mô hình kết hợp môi trường sinh thái, con người, cảnh quan mùa nước nổi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Với mỗi mô hình, hướng đến giải quyết bền vững ở 03 yếu tố: Kinh tế - môi trường - xã hội; mỗi cách làm của nông dân đều là những câu chuyện cần được khai thác để đưa vào sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mùa nước nổi, đặc trưng riêng có của địa phương - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và gợi ý với chính quyền tỉnh về xây dựng thương hiệu nông sản mùa nước nổi của những người nông dân Đồng Tháp, trên cơ sở đó, hình thành tư duy cộng đồng, gắn kết với nhau.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cho biết tỉnh sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Về Đề án 01 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh, đề nghị các huyện, thành phố và nông dân tích cực tham gia, với mục tiêu trước tiên là phải giảm giá thành sản xuất, giảm phân bón và thuốc hóa học để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững hơn.

Tổng hợp từ nguồn Tienphong.vn; Baodongthap.vn; Baothanhtra; Dongthap.gov.vn.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top