ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng một phần ba tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, vùng đang đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Ðộng lực mới cho phát triển
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp ÐBSCL (Mekong Startup) lần II - năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Ðộng lực mới cho phát triển” diễn ra mới đây, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.0000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hàng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp. Đồng thời, đây còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của ĐBSCL, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều lợi thế để phát triển theo hướng “thuận thiên”, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, năm 2023, khảo sát của VCCI cho thấy, có tới 72,4% doanh nghiệp (DN) ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước. Thực trạng hiện tại, BĐKH gây bất lợi tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó phải kể đến việc gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, nhân lực... Do đó, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và BĐKH, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu cấp thiết
Ông Quang cho rằng, diễn đàn nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.
Đồng Tháp tin tưởng và kỳ vọng, thông qua diễn đàn lần này sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại diễn đàn.
Đồng thời, duy trì và phát triển diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL. Thông qua các hoạt động của diễn đàn để kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL và tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, diễn đàn lần này sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư. Những nội dung, hoạt động của diễn đàn lần II nhằm giúp các Startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới.
Chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà còn là một vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL; đồng thời góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, điểm mới của điễn đàn lần này là Đồng Tháp đã khởi xướng tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất năm 2024, tiếp nhận sáng kiến từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước và vùng ĐBSCL, để chọn được các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội - đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới góp phần phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tại diễn đàn lần này dựa trên các cam kết của UBND các tỉnh ĐBSCL tại Diễn đàn lần I về thúc đẩy các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, chúng tôi cũng khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong, gồm các Nhóm công tác nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên Mekong xanh với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, ông Nghĩa cho biết.
Hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận nhận diện bối cảnh - thách thức - cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình sáng kiến, mô hình kinh doanh cụ thể thúc đẩy kinh tế xanh ở ĐBSCL cùng đề xuất, kiến nghị chi tiết với các cơ quan các bên hữu quan.
Theo các chuyên gia, những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư mới về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin… là cơ hội lớn để thúc đẩy khởi nghiệp. Các lĩnh vực về nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái đều là những lĩnh vực rất tiềm năng cho khởi nghiệp ÐBSCL trong giai đoạn tới.
Đồng Tháp triển khai mô hình Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0.
Ông Guenther Meyer, Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, những cơ hội thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh ĐBSCL cần có biện pháp thích ứng nhưng hiện tại mới tập trung vào các giải pháp công trình. Các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên và thích ứng dựa trên hệ sinh thái. Do vậy, cần có kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới các thị trường chất lượng cao hơn, cải thiện quy trình sản xuất, sản xuất sạch, an toàn và bền vững; tăng cường liên kết chuỗi giá trị, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mylan Group, trong nông nghiệp, chuyển đổi kép là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ chuỗi giá trị nông sản. Đối với Dự án phát triển 1 triệu hecta trồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL đến năm 2030 sẽ góp phần thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nông dân canh tác lúa phải theo quy trình 1P5G gồm sử dụng giống có xác nhận; giảm lượng giống xuống 70 đến 100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm 20% nước, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ cũng như thất thoát sau thu hoạch dưới 8%...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, nhiều ý kiến cho rằng trong nông nghiệp cần có giải pháp mới, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, qua đó giải quyết toàn bộ vấn đề thị trường. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mô hình sản xuất hiệu quả là phải có cơ sở logic; công cụ, dụng cụ; nguồn nhân lực và chất thải còn lại là phân bón; việc xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra.
Bên cạnh đó, sản xuất phân hữu cơ từ ca tra ở dạng nước, dạng viên và dạng lỏng góp phần nguồn phân hữu cơ tốt phục vụ nông nghiệp… Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng đưa ra những ý tưởng, mô hình để xác định hướng đi nông nghiệp xanh và xác định đề xuất chính sách, qua đó chính là môi trường cho hoạt động nông nghiệp xanh.
Mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua.
Một trong những điểm nhấn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là hoạt động giới thiệu các mô hình, công nghệ mới theo hướng hiện đại, bền vững, phát thải thấp. Nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được các đơn vị, tổ chức giới thiệu, biểu diễn sinh động. Ví dụ: Công ty Shoes Agtech giới thiệu công nghệ Airboots - Robot siêu nhẹ chăm sóc lúa với 3 tính năng bón phân, phun thuốc, gieo hạt; Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam giới thiệu nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số và các dữ liệu về phát thải khí nhà kính; Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo giới thiệu mô hình Sản xuất thịt thực vật từ mít - hướng đi bền vững cho nông nghiệp địa phương…
Đồng Tháp kêu gọi đầu tư hướng đến tiêu chí xanh Đồng Tháp nằm ở khu vực đầu nguồn vùng ĐBSCL, là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái… Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong quy hoạch, tỉnh định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Đối với những ngành nghề kêu gọi đầu tư, tỉnh tập trung ưu tiên ngành nghề kỹ thuật cao và giảm phát thải, hướng tới gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm sạch và xanh. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phải đạt được tiêu chí xanh, lấy chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững là chủ đạo. Kiên Giang kêu gọi đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh “xanh” Tỉnh Kiên Giang thời gian qua đã tập trung triển khai quy hoạch xây dựng 5 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, Khu kinh tế Phú Quốc và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch; thương mại - dịch vụ; kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh thực chất, hiệu quả… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. |
Tổng hợp từ nguồn: baoxaydung.com.vn; baotintuc.vn; baodongthap.vn