Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024 | 13:17

HLV -TT Thanh Hoá: Phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) Thanh Hoá tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, giúp hội viên, người nông dân trên địa bàn tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên và xây dựng nông thôn mới.

Củng cố tổ chức, phát triển hội viên

Là Hội đặc thù được hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh theo Quyết định số 2574/QĐ - UBND, ngày 8/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, đến nay, HLV-TT Thanh Hoá  có tổ chức ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố; 495/559  xã, phường, thị trấn với trên 28.000 hội viên.

Cán bộ HLV-TT thường xuyên đi thực tế, nắm bắt tình hình phát triển của hội viên ở các địa bàn trong tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, HLV-TT Thanh Hoá đã kết nạp mới 842 hội viên; Câu lạc bộ Chủ Trang trại - Doanh nghiệp tỉnh có  85 hội viên; cấp huyện, thị xã, thành phố có 34 câu lạc bộ với 517 hội viên.

Hội ở cấp huyện, thị xã, thành phố có 24.000 vườn, gia trại, trang trại đang sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 1.505 trang trại thuộc 5 loại hình (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản và tổng hợp) đạt chuẩn theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Lãnh đạo HLV-TT Thanh Hóa cho biết, với trên 28.000 hội viên và gần 500 Chủ tịch Hội xã, phường, thị trấn, Hội luôn quan tâm nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên, thông qua các lớp tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất...

Thông qua các lớp tập huấn, HLV-TT tổ chức chuyến tham quan thực tế để hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với đó là lồng ghép các chuyên đề về xây dựng, củng cố tổ chức Hội cho cán bộ nhằm nâng cao năng lực cũng như phương pháp hoạt động hiệu quả.

Sáu tháng đầu năm 2024, HLV-TT Thanh Hóa tổ chức 2 lớp tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn có hơn 200 cán bộ, hội viên tham gia; Hội huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 125 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 3.925 hội viên và 38 cuộc tham quan trao đổi, học tập kinh nghiệp các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, HLV-TT Thanh Hóa còn thực hiện các mô hình khuyến nông như: Mô hình “Liên kết các hộ nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGAP” quy mô 2ha tại huyện Quảng Xương, đã nghiệm thu, bước đầu cho hiệu quả kinh tế và được chính quyền địa phương chỉ đạo nhân rộng; mô hình “Trồng thâm canh cây dược liệu dưới tán rừng gắn với thị trường tiêu thụ”, quy mô 7ha tại huyện Ngọc Lặc, sẽ tổng kết  vào cuối năm 2024.

Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức cho hội viên về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

HLV-TT Thanh Hóa vừa phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức thành công lớp tập huấn Khuyến nông và diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực VAC ở miền Bắc”.

Chung tay xây dựng NTM

Những năm qua, HLV-TT Thanh Hóa tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, vận động hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế VAC, giúp hội viên, người nông dân trên địa bàn tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm…

Bà Nguyễn Thị Sanh, hội viên HLV-TT thị xã Bỉm Sơn, chủ trang trại sinh thái hữu cơ kết hợp với trồng cây và chăn nuôi, chia sẻ: Với 15ha đất đồi căn cỗi tại thôn Thung Cớn (phường Bắc Sơn), gia đình đã cải tạo và trồng các loại cây như: dứa, cam Canh, nhãn, bưởi Diễn, bưởi da xanh...  Ngoài ra, gia đình còn dành một phần diện tích để mở rộng đường giao thông phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi. Tận dụng diện tích mặt đất với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”,  tăng gia nuôi lợn, gà..., theo hướng sinh học để cung cấp thực phẩm cho gia đình và người dân xung quanh, đồng thời chủ động nguồn phân bón cho cây trồng. Trừ chi phí, trang trại cho thu khoảng 800 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, trang trại của bà Sanh còn tạo việc làm ổn định cho 5-8 lao động địa phương với mức thu nhập 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Theo HLV-TT Thanh Hóa, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Hội đã hỗ trợ, giúp hội viên tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí đầu vào. Nhiều mô hình VAC đã thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bình quân mỗi trang trại sử dụng 4-5 lao động thường xuyên, 15-20 lao động thời vụ. Nhờ đó, thu nhập của hội viên, người nông dân được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững...

Trong những tháng cuối năm 2024, HLV-TT Thanh Hóa phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đều có tổ chức Hội; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng kinh phí để thực hiện các lớp tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn, chương trình khuyến nông nhằm nâng cao kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên. Tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ các mô hình của hội viên.

Bên cạnh đó, tiếp tục cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” để vinh danh các mô hình vườn, trang trại đẹp, cổ động hội viên, nông dân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng, cải tại vườn tạp, đất hoang, đồi trọc thành  trang trại, vườn đẹp mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng miền quê “xanh, sạch, đẹp, đáng sống…”.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết,  phát triển vườn hộ, vườn mẫu là chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng tiêu chí sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân ở các địa phương xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, các xã xây dựng NTM, đặc biệt là các xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều vườn hộ, vườn mẫu thành những mô hình kinh tế hiệu quả gắn với cải tạo cảnh quan sinh thái làng quê. Thời gian qua, với những hoạt động tích cực, hiệu quả, HLV-TT Thanh Hóa đã đóng góp rất lớn đối với phòng trào xây dựng NTM, luôn là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả của người dân, biến vườn tạp thành mô hình vườn, trang trại mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt,  mô hình vườn mẫu mà HLV-TT triển khai đã tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho khu vực nông thôn.

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top