Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024 | 7:35

Tìm cách bảo tồn “thần dược” xáo tam phân

Hơn 10 năm về trước, Viện Dược liệu - Bộ Y tế công bố dược tính của cây xáo tam phân có tác dụng ức chế 5 dòng tế bào ung thư. Kể từ đó, người dân địa phương và các tỉnh lân cận ùn ùn kéo nhau về khu vực núi Hòn Hèo (TX. Ninh Hòa, Khánh Hoà), khai thác xáo tam phân theo kiểu tận diệt. Ngành chức năng và một số tổ chức, cá nhân tâm huyết đã tìm giải pháp để bảo tồn, phát triển, phát huy hiệu quả của loại cây “thần dược” này.

Cơ duyên đến với “thần dược”

Đến Hòn Hèo thuộc thôn Tiên Du 1 (xã Ninh Phú, TX. Ninh Hoà) một ngày gần đây, người viết thấy rõ không khí bình yên, khác biệt hẳn so với trước. Cách đây 12 năm, nhiều người ùn ùn kéo đến nơi này khai thác cây xáo tam phân theo kiểu tận diệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồi núi xác xơ, tan hoang. Bây giờ, những hình ảnh ấy chỉ còn trong kí ức. Thay vào đó là những vườn ươm cây xáo tam phân xanh mướt trên các triền đồi.

Những khu rẫy trồng cây xáo tam phân xanh mướt trên các triền đồi.

Ghé một quán nước trên đường vào khu vực Hòn Hèo, khi nghe hỏi về “thần dược” xáo tam phân, nhiều người hào hứng chia sẻ về những ngày tháng người người, nhà nhà lên cơn sốt về loại cây này. Ông Nguyễn Văn Nhàn, một người dân ngồi uống nước, nhớ lại: Hồi đó, người dân nơi đây ai ai cũng gác công việc gia đình để lên núi lùng sục, đào bới cây xáo tam phân. Ban đầu, xáo tam phân rất rẻ, chỉ có giá 30.000 đồng/kg, nhưng khi có thông tin loại cây này là “thần dược”, trị được bệnh ung thư thì giá đã tăng cao gấp trăm lần. Mỗi ngày lên núi đào kiếm được vài kg về bán, kiếm vài triệu đồng là chuyện bình thường.

“Thế nhưng, sau một thời gian bị khai thác theo kiểu tận diệt, xáo tam phân trong tự nhiên hiếm dần. Một thời gian sau, địa phương và một số tổ chức, cá nhân tìm cách bảo tồn loại dược liệu quý này. Ở đây cũng có vài công ty đã nhân giống xáo tam phân thành công và bán các loại sản phẩm từ xáo tam phân ra thị trường”, ông Nhàn cho biết.


Anh Trần Bá Ninh bên vườn ươm cây xáo tam phân

Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm đến khu vực vườn ươm cây giống của Công ty TNHH Bá Ninh (xã Ninh Phú, TX. Ninh Hoà). Anh Trần Bá Ninh - Giám đốc Công ty TNHH Bá Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Cây dược liệu tỉnh Khánh Hoà là một trong những người có công giữ cây dược liệu xáo tam phân ở lại vùng đất này, bảo tồn và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng. Hiện anh Ninh đang sở hữu hơn 40ha đất trồng “thần dược” xáo tam phân.

Chia sẻ với phóng viên về cơ duyên đến với cây xáo tam phân, anh Trần Bá Ninh cho biết: Tôi là dân mua bán, hồi đó thấy cơn sốt về cây xáo tam phân nên tôi bàn với gia đình mua đi bán lại kiếm lời. Không riêng tôi, thời điểm đó, rất nhiều người vào các khu rừng, đồi núi săn tìm xáo tam phân để bán cho các cơ sở bào chế thảo dược hoặc xuất sang thị trường nước ngoài.


Anh Trần Bá Ninh chia sẻ với phóng viên về kỹ thuật nhân giống bằng hạt

Tuy nhiên, qua thời gian, thấy loại dược liệu quý này bị khai thác theo kiểu tận diệt, có nguy cơ không còn trong tự nhiên, anh Ninh thấy không đành lòng và luôn trăn trở nghĩ đến việc bảo tồn, giữ gìn, phát triển cây xáo tam phân. Anh Ninh hy vọng, nếu thành công, ít nhất cũng bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu quý.

“Nghĩ là làm, tôi quyết định giâm cành thử nghiệm. Ban đầu, công việc không thuận lợi, số cành sống rất ít, cây bị úa lá, héo thân nhiều, bởi mình là dân buôn bán không có kiến thức về nông nghiệp. Nhưng không vì vậy mà tôi từ bỏ ý định. Lần đầu không được, tôi tiếp tục làm lần hai, lần ba. Tôi giâm từng loại cành, cành già, cành non và cành vừa già vừa non, rồi đánh số, gắn thẻ từng cành và ghi sổ để theo dõi. Kết quả cho thấy cành vừa già vừa non có xác suất sống cao nhất. Tôi tiếp tục thử nghiệm gieo hạt thì cho cây con phát triển tốt, mạnh hơn cây giâm cành và rễ nhiều hơn cách trồng từ giâm cành. Tuy nhiên, giâm cành sẽ giữ nguyên được đặc tính di truyền từ cây mẹ, thời gian nhân giống nhanh hơn”, anh Ninh cho hay.

Công nhân đang phân loại sản phẩm

Sau lần đó, anh bắt đầu xây dựng quy trình khép kín, trồng cây xáo tam phân theo chuẩn hữu cơ. Phương pháp nhân giống bằng giâm cành vô tính bằng hạt hữu tính cũng được thay thế. Có cây giống, anh đem trồng trên các rẫy của gia đình thuộc khu vực núi Hòn Hèo. Chỉ sau 5-7 năm, xáo tam phân đã phát triển thành những bụi lớn, sản lượng mỗi cây thu hoạch trên dưới 200 kg cành, lá và 25 kg rễ.


Anh Ninh đang kiểm tra nhiệt độ sấy

Sau khi có nguồn nguyên liệu dồi dào, để có tính pháp nhân giao dịch thương mại, buôn bán cây giống, tháng 5/2013, anh Ninh đã đăng ký, thành lập Công ty TNHH Bá Ninh và tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm từ cây xáo tam phân. Không dừng lại ở đó, anh còn tự thiết kế, chế tạo ra nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ cho việc chế biến sản phẩm từ xáo tam phân, như chế tạo máy sấy, cắt lát thân, cành, lá, máy phân loại dược liệu loại lớn nhỏ… Sản phẩm trà xáo tam phân được anh đưa đi chào hàng ở nhiều nơi và được thị trường đón nhận khá tốt.


Xáo tam phân đóng gói thành phẩm

Anh Ninh cho biết thêm: “Thành công từ phương pháp giâm cành, gieo hạt vô tình giúp chúng tôi làm chủ được công nghệ, bảo tồn được nguồn gen gốc cây xáo tam phân với các hợp chất quý. Đến nay, tôi đã đầu tư mở rộng diện tích trồng xáo tam phân hơn 40 ha, tạo công ăn việc làm cho hành chục lao động địa phương. Thấy người dân có đất bỏ hoang ở chân núi Hòn Hèo, tôi cũng đã cấp miễn phí cho cây giống cho các hộ dân địa phương với diện tích 30ha”.

Anh Ninh còn tự thiết kế, chế tạo máy sấy rễ, thân, cành, lá cây xáo tam phân, máy thông minh phục vụ trong chế biến

Theo anh Ninh, nếu chăm sóc tốt, sau khoảng 2 - 3 năm có thể thu hoạch cành, lá; khoảng 5 - 6 năm thì thu hoạch được thân, rễ. Cây trồng càng lâu năm càng có giá trị vì tích hợp đủ các dược chất. Hiện công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà, rượu, viên nang, bột, cao hoặc cắt lát nấu nước nóng uống. Ngoài ra, mỗi năm anh cung cấp ra thị trường trên 200.000 cây giống; đồng thời hỗ trợ thu mua hơn chục tấn sản phẩm của người dân khi thu hoạch.

Bảo tồn nguồn dược liệu quý

Để bảo tồn, phát huy giá trị dược liệu của cây xáo tam phân, năm 2023, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Trường đại học Nha Trang đã tìm hiểu thực tế vườn cây giống, vùng trồng xáo tam phân của Công ty TNHH Bá Ninh; từ đó xây dựng một số nội dung hợp tác, nghiên cứu nhân giống theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển và mở rộng vùng trồng tại Khánh Hoà để sản xuất, chế biến nhiều loại sản phẩm từ loại cây dược liệu này.

Bảo tồn nguồn giống cây qu‎ý này tại địa phương

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hoà cũng đã thực hiện điều tra nhưng do số lượng xáo tam phân trong tự nhiên quá ít nên ngành kiến nghị bảo tồn bằng phương pháp chuyển vị, có nghĩa là không bảo tồn tại chỗ mà chuyển cây đến nơi có điều kiện thích hợp để bảo vệ, phát triển và tăng cường chuyển giao cây con giống cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Theo ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND TX. Ninh Hoà, xáo tam phân là cây bản địa có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn, phát triển. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có hàng chục ha xáo tam phân được trồng tập trung ở các xã Ninh Tân, Ninh Phú, Ninh Tây. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, tránh trồng ồ ạt ở những vùng đất không phù hợp.

“Việc nghiên cứu, tìm hiểu và tự thực hiện kỹ thuật nhân giống xáo tam phân tự nhiên của anh Nguyễn Bá Ninh không chỉ đem lại kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần bảo tồn nguồn giống cây qu‎ý này tại địa phương”, ông Lê Minh Tâm cho biết thêm.

Cây xáo tam phân còn gọi là thuốc mọi, thần xạ (Paramignya trimera), họ cam (Rutaceae), mọc phổ biến ở rừng núi một số tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận... Cây có thân màu nâu, có gai, lá đơn mọc cách; thân cây có thể chất cứng, dạng cây leo, rễ cứng màu vàng đậm có vị đắng nhẹ, hơi chát, hơi ngọt, ngửi có mùi thơm của tinh dầu, có tác dụng ức chế viêm gan cấp ở thí nghiệm trên chuột nhắt trắng. Đặc biệt, loài cây này ức chế 5 dòng tế bào ung thư gồm: ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư gan và ung thư cổ tử cung.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top