Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).
Mạnh dạn chuyển đổi
Được ông Nguyễn Văn Trung, cán bộ Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Nông Cống giới thiệu, chúng tôi về xã Công Liêm tìm gặp ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã thì được biết ông đang rất bận, song khi đặt vấn đề về tìm hiểu sản xuất cây riềng, thì ông rất hồ hởi chuyển ngay cho một bản báo cáo và trao đổi nhanh để còn kịp đi họp.
Cán bộ khuyến nông thăm đồi riềng.
Ông Hưng cho biết, Công Liêm thuộc vùng 3 của huyện Nông Cống, là xã thuần nông, có lợi thế đất đai vùng đồi. Toàn xã có hơn 1.200 ha đất nông nghiệp trên tổng gần 1.600 ha đất tự nhiên. Những năm trước kia, sản xuất nơi đây chủ yếu với đối tượng các loại cây trồng như lúa - mía - sắn…, nhưng năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích thấp, nên lãnh đạo địa phương và bà con nông dân vẫn cứ loay hoay với bài toán thu nhập mà chưa có lối ra.
Sơ chế riềng của hộ ông Nguyễn Văn Luật (xã Công Liêm).
Thế rồi cách nay khoảng 8 năm, từ việc tìm hiểu thực tế ở các nơi, một số hộ trong xã đã trồng thử nghiệm cây riềng đỏ trên đất bazan. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, nên xã đã xúc tiến, vận động các hộ dân có đất đồi trồng mía, sắn và một số cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp, chuyển đổi sang trồng riềng đỏ. Từ đó đến nay, xã Công Liêm đã hình thành được vùng trồng riềng chuyên canh, có tổng diện tích gần 100 ha, với hơn 80 hộ gia đình gắn bó tham gia. Cũng từ trồng riềng, nhiều hộ dân nơi đây đã có nguồn thu nhập ổn định và trở nên khá - giàu, đời sống ngày càng phát triển. Hiện nay, riềng đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đặc biệt, các thôn Cự Phú, Hậu Sơn và Đoài Đạo là những nơi có nhiều nhất số hộ trồng riềng.
Hiệu quả kinh tế trên mong đợi
Gia đình ông Nguyễn Văn Luật (thôn Cự Phú) là một trong những hộ có kinh nghiệm và diện tích trồng riềng nhiều nhất của xã Công Liêm với trên 3,5 ha. Theo ông Luật, trồng riềng không khó, bởi đây là loại cây thích nghi rộng, rất phù hợp với loại đất đỏ Ba Zan và cũng phù hợp với nhiều loại đất khác, có thể chịu được hạn và ngập úng.
Bảng kế xuất bán riềng trong ngày của hộ ông Nguyễn Văn Luật.
So với các cây trồng khác thì riềng là cây dễ chăm sóc, có thời gian sinh trưởng nhanh, năng suất cao. Đặc biệt, đây là loại có thể cho khai thác quanh năm và lưu gốc. Từ trồng riềng, mỗi năm, gia đình ông Luật thu về 2,5 - 2,7 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với thù lao 400 ngàn đồng/ngày/lao động. Trao đổi với phóng viên, ông phấn chấn nói: “7-8 năm nay gia đình tôi chỉ toàn tâm, toàn ý với cây riềng mà không làm bất cứ việc gì khác”.
Anh Nguyễn Đình Lực (xóm 4, thôn Phú Sơn) chia sẻ: "Gia đìn trồng hơn 2 ha. Năm nay, riềng bán được giá, khách miền Nam ra mua nhiều, nhiều nhà do chưa đến ngày thu hoạch, nên không có riềng để bán. Được giá người dân chúng tôi phấn khởi lắm".
Đồi riềng trên đất Công Liêm.
Đem câu chuyện trồng riềng trao đổi với ông Mạch Văn Sơn, Giám đốc HTX dịch Nông nghiệp Công Liêm, được ông cho biết, riềng là cây trồng gắn bó với địa bàn xã Công Liêm gần chục năm nay, so với những cây mía, cây sắn trồng trước đây, thì trồng riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội hơn nhiều.
Giống riềng được trồng là giống riềng đỏ, thời gian trồng vào vụ xuân, từ tháng Giêng đến tháng tư hằng năm. Riềng được thu hoạch lấy củ quanh năm. Tính từ khi trồng đến khi thu hoạch là từ 16 tháng trở lên là tốt nhất.
Chi phí đầu tư của 1ha riềng là khoảng 160 triệu đồng, bao gồm: Công làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê người trồng, thuê người gọt sạch riềng khi bán... năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Với tổng sản lượng hằng năm của cả xã đạt trên 5.000 tấn. Giá bán hiện nay khoảng 12 - 13 ngàn đồng/kg. Tổng doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng.
Sơ chế riềng tại hộ anh Nguyễn Đình Lực, xã Công Liêm.
Riềng thu hoạch xong được thương lái đến tận nhà thu mua, tiêu thụ chủ yếu vào các tỉnh phía Nam. Củ riềng dùng làm gia vị, tạo mùi thơm cho các món ăn. Trong đông y củ riềng còn là dược liệu dùng để chữa nhiều loại bệnh.
Ông Sơn chia sẻ, điều trăn trở nhất hiện nay của địa phương là chưa có doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là hệ thống giao thông nội vùng sản xuất chưa được đầu tư nâng cấp, nên việc sản xuất, vận chuyển thu hoạch và bán sản phẩm của bà con cũng còn gặp khó khăn. Đáng chú ý, mới đây, trên một số đồi riềng có xuất hiện bệnh thối củ, địa phương đã báo cáo và đang được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện về kiểm tra, xử lý, song chưa có kết quả.
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn phải khắc phục, song đến thăm xã Công Liêm, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí làm việc hăng say của người dân trên những đồi riềng. Nhà thì tập trung thu hoạch củ, nhà thì chăm bón những luống riềng mới...Và những ngôi nhà khang trang ngày càng nhiều hơn, đó chính là minh chứng giá trị của “quả ngọt” từ cây riềng đỏ mang lại. Đồng thời, đó cũng chính là nèn tảng và luồng gió mới giúp Công Liêm hướng tới đạt chuẩn xã “nông thôn mới nâng cao” trong một ngày không xa.