Đắk Lắk nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số lượng nhà yến và sản lượng yến cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong khi chưa hình thành được chuỗi liên kết nên ngành yến của tỉnh này gặp không ít khó khăn.
Sản lượng tổ yến khai thác khoảng 8 - 10 tấn/năm
Tại Đắk Lắk, việc xây dựng nhà nuôi chim yến bắt đầu vào những năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2016 đến nay. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.725 nhà yến. Sản lượng tổ yến khai thác hàng năm ước đạt trung bình khoảng 8 - 10 tấn/năm (đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số lượng nhà yến và sản lượng yến cao nhất cả nước), chiếm khoảng 5% sản lượng tổ yến trên tổng sản lượng tổ yến trên cả nước.
Thu hoạch tổ yến thô từ tổ
Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các nhà yến chủ yếu bán tổ yến thô hoặc tự sơ chế để bán, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chế biến sâu sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 15 sản phẩm chế biến từ tổ yến được đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 8 sản phẩm được đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao của 10 công ty và hộ kinh doanh.
Năm 2022, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết; đây là cơ sở pháp lý, nền tảng quan trọng để Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sản phẩm yến sang thị trường Trung Quốc. Đắk Lắk có 1 đơn vị được cấp phép là Công ty cổ phần Xuất - nhập khẩu Yến sào Thành Dung tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Ngày 20/1/2024, công ty này đã xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc.
Vùng nhà yến tại Đắk Lắk
Bên cạnh đó, một số nhà yến trên địa bàn tỉnh có liên kết sản xuất với một số đơn vị xuất khẩu chính ngạch khác để chế biến, cung cấp sản phẩm tổ yến phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản... qua đường tiểu ngạch. Việc xuất khẩu được sản phẩm tổ yến của tỉnh là cơ hội để ngành hàng yến sào Đắk Lắk phát triển trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn của ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát, trong 3 năm gần đây, giá tổ yến liên tục giảm. Giá tổ yến thô trên thị trường tỉnh Đắk Lắk dao động từ 13 - 15 triệu đồng/kg, giảm gần 10 triệu đồng/kg so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Giá tổ yến sạch (đã qua chế biến) khoảng 22 - 25 triệu đồng/kg, giảm gần 30% so với trước đây. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là trong nước, tỷ trọng xuất khẩu chưa cao; một số sản phẩm yến chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường quốc tế; khâu quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng quan tâm, đầu tư.
Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk chỉ ra rằng, giá yến giảm đáng kể so với mọi năm là do kinh tế suy thoái, bị ép giá xuất khẩu, yến nhập nước ngoài về nhiều, chất lượng yến tổ vẫn chưa được cải thiện do khâu vận hành nhà yến của bà con vẫn chưa hiệu quả và đảm bảo kỹ thuật…
Giải pháp phát triển bền vững ngành yến
Theo ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk, cần có quy hoạch cụ thể, phù hợp về vùng nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh để bà con yên tâm đầu tư và có quy trình hướng dẫn cụ thể trong việc cấp phép xây dựng nhà yến tại mỗi địa phương. Hạn chế cho nhà yến xây dựng trên đất thổ cư, đồng thời cần cho phép một quy định riêng cho việc cấp phép xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp đa chức năng, hay đất nông nghiệp khác, để giúp phát triển kinh tế, tăng hiệu quả khai thác trên đất nông nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý bảo vệ sản phẩm, thương hiệu yến Đắk Lắk, không cho phép các loại yến nhập khẩu phá giá và trá hình đổ đồng với chất lượng yến địa phương. Hỗ trợ gian hàng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa khác kết nối thương mại trong các hội chợ triển lãm, bán hàng trong, ngoài tỉnh và quốc tế để tăng cường đầu ra cho sản phẩm tổ yến và cần được công nhận, cấp mã định danh để xuất khẩu…
Yến làm tổ
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, Trung ương chưa ban hành quy chuẩn nhà yến, do đó, gây khó khăn cho địa phương và cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục liên quan đến xây dựng nhà yến. Hiện nay đã có các quy định liên quan đến lấy mẫu giám sát định kỳ (cúm gia cầm và Niu-cát-xơ) đối với các cơ sở nuôi yến phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể hơn để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn đối với sản phẩm tổ yến. Ngoài ra, hoạt động sản xuất mang tính chất tự phát, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất với các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tổ yến. Vì vậy chưa nâng cao được giá trị sản phẩm tổ yến, chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh…
Để có giải pháp nâng cao hiệu quả ngành yến ở địa phương, theo ông Dương, Trung ương cần sớm ban hành các quy định về cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn; môi trường, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ công tác xuất khẩu. Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk thì cần cho chủ trương xây dựng đề án để có các cơ chế, chính sách và giải pháp toàn diện xây dựng, phát triển ngành hàng yến bền vững. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.