Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 11 năm 2024 | 11:9

Nam Định tập huấn tổ chức sản xuất về phát triển sản phẩm OCOP

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Thường trực Hội Làm vườn tỉnh Nam Định đã chủ trì tập huấn: Tổ chức sản xuất về phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh Nam Định.

Tham gia tập huấn là các hội viên, nông dân, chủ trang trại… đến từ các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên do giảng viên đến từ Trường Cán bộ quản lý NNPTNT.

Sau 1 ngày được nghe các vấn đề cơ bản sản xuất về sản phẩm OCOP, các học viên được thăm 2 mô hình tiêu biểu về sản xuất sản phẩm OCOP tại huyện Hoa Lư và Nho Quan (Ninh Bình).

Mô hình đầu tiên các học viên đến thăm quan là mô hình sản xuất trà hữu cơ Hoa cúc chi (đạt OCOP 4 sao). Nhận thấy dòng trà thảo dược ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, anh Hoàng Minh Thành, tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải nhưng lại mang trong mình tình yêu mãnh liệt với nông nghiệp. Với đam mê ấy, anh Thành đã đưa ra một quyết định khiến ai cũng bất ngờ là bỏ phố về quê làm nông nghiệp. Thành ấp ủ dự định tạo cho riêng mình một thương hiệu. Năm 2020, sau một thời gian chuẩn bị, thử nghiệm, HTX Riti do anh Thành làm Giám đốc chuyên sản xuất hoa cúc chi hữu cơ được thành lập.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo đúng các yêu cầu của các tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ, HTX đã di chuyển vùng trồng tại xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) về thôn Bái, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, Ninh Bình) để tránh những tác động tiêu cực từ vùng phi hữu cơ xung quanh.

Đặt chân lên vùng đất mới, HTX siết chặt quản lý tất cả các khâu, xây dựng hàng rào tiêu chuẩn, đào hệ thống kênh bao để cách ly với xung quanh. Diện tích canh tác cũng được mở rộng lên gần 2,5ha.  

Anh Thành chia sẻ, chuyển ngang sang làm nông nghiệp, lại bắt tay ngay vào sản xuất hữu cơ - một loại hình khá mới, yêu cầu kiến thức, sự chuẩn chỉ, kiên nhẫn rất cao nên thách thức không hề nhỏ. Bên cạnh đó, hình thức sản xuất này tốn nhiều chi phí nên đẩy giá bán sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường, trong khi thương hiệu của HTX còn khá xa lạ với nhiều người.

Không chùn bước, các thành viên HTX kiên trì giới thiệu quy trình canh tác, sẵn sàng đón khách hàng đến thăm khu vực sản xuất nếu có nhu cầu. Nhờ đó, sản phẩm hoa cúc chi thô và chế biến của HTX ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, tìm đến đặt hàng.

Theo anh Thành, để đạt được các chứng nhận hữu cơ đã khó nhưng việc giữ, duy trì được chứng nhận lại càng khó hơn. Do đó, nếu không có sự quyết tâm, kiên trì sẽ khó có thể làm được. Hiện tại, mặc dù đã được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam nhưng HTX vẫn liên tục lấy mẫu phân tích theo các tiêu chuẩn USDA, JAS… với hơn 1.000 hoạt chất để tiến tới đạt được những chứng nhận này để đủ tiêu chuẩn để đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính.

Mô hình thứ 2 học viên đến tham qua là mô hình Ruốc cá rô Tổng Trường (đạt OCOP 4 sao) đã để lại nhiều tiếp thu ấn tượng cho các học viên. Anh Ngô Đức Tâm, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) lại bắt đầu khởi nghiệp với một lĩnh vực mới - chế biến ruốc cá rô Tổng Trường. Anh được coi là người Ninh Bình đầu tiên chế biến thành công và đưa món ruốc cá tiến vua vươn xa trên thị trường Việt Nam.

Học viên thăm mô hình làm sản phẩm ruốc cá rô. 

Anh Tâm nhớ lại: "Thời điểm đó là khi dịch Ccovid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh căng thẳng, việc buôn bán kinh doanh nhà hàng hoàn toàn đóng băng. Nhận được tin mẹ bị ốm ở quê nhà nên tôi đã quyết định về quê lập nghiệp để có điều kiện chăm sóc mẹ già. Về quê là mong muốn từ lâu của tôi, song cứ khất lần chưa thể sắp xếp được…".

Nói về cơ duyên khởi nghiệp với món ruốc cá rô Tổng Trường ở quê hương, anh Tâm chia sẻ: Có một lần tôi mang cá rô Tổng Trường biếu người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn tôi khen ngon nức nở và nói một câu làm tôi trăn trở mãi. Bạn bảo "Cá quê Trường Yên ngon thế này mà không thể gửi đi xa làm quà được. Tiếc quá!". 

Theo anh Tâm, ruốc cá làm không khó, nhưng để có được món ruốc cá rô ngon, giữ được hương vị và dinh dưỡng cần phải có quy trình chế biến nghiêm ngặt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khâu đầu tiên và quan trọng nhất là phải chọn đúng cá rô Tổng Trường vùng đất Trường Yên. Cá có màu xanh, thân hình thon, đều, trọng lượng phải từ 2-3 lạng/con. Không nên chọn cá bé vì làm ruốc cá sẽ bị nát, tanh.

Nhờ sự tâm huyết, chịu khó tìm tòi, học học, sản phẩm ruốc cá rô Tổng Trường của anh Tâm đã vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… và được người tiêu dùng yêu thích. Trung bình mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 3-4 tấn cá nguyên liệu, tương đương với 300-400 kg ruốc cá thành phẩm. 

Tháng 11/2022, sản phẩm ruốc cá rô Tổng Trường và ruốc cá trắm cỏ của Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng sông xanh do anh Ngô Đức Tâm làm Giám đốc được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top