Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024 | 7:40

Quảng Ngãi phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Trong Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và cộng đồng dân cư.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024; Quyết định của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Quảng Ngãi năm 2024, từ ngày 07 - 09/11, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương trong tỉnh tổ chức thả giống nuôi thủy sản lồng bè đợt II năm 2024 tại các điểm: Hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn); hồ chứa nước Sình Kiến (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng); sông Trà Khúc, đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa).

Thả 5.000 con cá thát lát giống nuôi lồng bè trên lòng hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn)

Thả 5.000 con cá thát lát giống nuôi lồng bè trên lòng hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn)

Theo Kế hoạch được phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024, tỉnh hỗ trợ đầu tư 17 lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE trên các lòng hồ chứa thủy lợi và trên sông; hỗ trợ chi phí vật tư đầu vào bao gồm: con giống, thức ăn, hóa chất cho các lồng nuôi.

Theo đó, hỗ trợ đầu tư lồng nuôi mới bằng vật liệu HDPE với tổng thể tích khoảng 1.300m3; trong đó, lồng nuôi trên các lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện 1.200m3 (12 lồng, 100m3/lồng) và lồng nuôi trên sông 100m3 (05 lồng, 20m3/lồng).

Hỗ trợ chi phí vật tư đầu vào bao gồm: Chi phí làm lồng nuôi bằng vật liệu HDPE (hỗ trợ 100%), chi phí con giống (hỗ trợ 100%), chi phí thức ăn (hỗ trợ 50%); chi phí thuốc, hóa chất (hỗ trợ 50%) cho 01 vụ nuôi.

Vốn đối ứng của dân, người dân tự đầu tư công lao động, tiền, vật tư để thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật và hưởng lợi từ sản phẩm làm ra.

Địa điểm hỗ trợ đầu tư là trên các sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương đã được phê duyệt (hoặc được cho chủ trương nuôi thủy sản) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời căn cứ đăng ký nhu cầu hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè của các địa phương để làm cơ sở xét duyệt, lựa chọn địa điểm hỗ trợ đầu tư cho phù hợp.

Theo đó, địa điểm xây dựng mô hình trong năm 2024: Hỗ trợ nuôi lồng bè trên sông Trà Khúc đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa (05 lồng); trên lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Hỗ trợ nuôi nuôi lồng bè tại các hồ chứa thuộc địa bàn các huyện: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Bình Sơn (12 lồng). Đối tượng nuôi trên sông là cá chình, cá trắm cỏ; nuôi trên hồ chứa là cá thát lát, cá Nheo Mỹ (lăng đen).

Thả 1.000 con cá cá Nheo Mỹ (lăng đen) giống nuôi lồng bè trên lòng hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn)

Thả 1.000 con cá cá Nheo Mỹ (lăng đen) giống nuôi lồng bè trên lòng hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn)

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những năm gần đây, ngành thủy sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng dần qua các năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng trong năm 2023, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt hơn 7.255 tỷ đồng, chiếm 38,5% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 239.551,3 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thủy sản khai thác đạt 233.695,5 tấn, tăng 1,9%; sản lượng nuôi trồng đạt 5.855,8 tấn, giảm 9,3%.

Trong Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài việc định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các hoạt động tái tạo giống thủy sản có giá trị kinh tế, thủy sản bản địa, đặc hữu... còn nhấn mạnh việc tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sống của các loại thủy sản, các rạn san hô ở khu vực Gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn); Châu Me, xã Phổ Châu (TX. Đức Phổ)... Qua đó, gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và cộng đồng dân cư.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top