Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024 | 10:9

Nhà khoa học của nhà nông: Tạo sự đột phá trong ngành Nông nghiệp

Những năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.

Từ nhà khoa học...

Việt Nam hiện đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn, cao su và sản phẩm gỗ. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 thế giới (sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ).

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD. Dự báo năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD. Thành công này có sự đóng góp của những nhà khoa học, nhà sáng chế trong công cuộc phát triển nông nghiệp của nước ta.

Tiêu biểu có thể kể đến như PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam. Nhiều năm lăn lộn với ngành Nông nghiệp, nắm bắt những khó khăn trong sản xuất của nông dân, ông đã nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến để chọn tạo giống lạc đáp ứng yêu cầu sản xuất tại Việt Nam, được nông dân lựa chọn canh tác.

Cụ thể, ông Hồng đã chuyển giao cho nông dân các giống lạc MD7, MD9, L14 có năng suất, chất lượng, có khả năng kháng bệnh héo xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là giống lạc MD7, không chỉ cho năng suất cao, chất lượng tốt, còn kháng bệnh héo xanh, là một trong 5 giống lạc được trồng với diện tích lớn nhất tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam  hơn 15 năm qua, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

PGS.TS, Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình VAC tiêu biểu tại Hải Phòng, là 1/56 người vừa được vinh danh tại Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5 (ngày 3/10/2024).

Tương tự, TS. Đào Xuân Thảng  (Viện Cây lương thực và Cây Thực phẩm), chủ nhiệm nhiều đề tài, đề án khoa học có giá trị. Từ đó, hàng chục giống rau quả mới đã ra đời, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như: Dưa chuột lai PC4, dưa bở vàng thơm số 1, bí xanh thiên thanh 5, cà chua VT10, VT5, đậu đũa VC2..

Bên cạnh đó, giống bí xanh số 1, giống bí xanh số 2 từ công trình nghiên cứu của ông Thảng và đồng nghiệp đã được đưa vào trồng rộng rãi tại các huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương. 

Giống bí xanh số 1 được bà con nông dân đánh giá phát triển tốt, hầu như không xuất hiện sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, trung bình 500-700 quả/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Một sào bí xanh số 1 có thể cho thu hoạch trung bình 1,5-2 tấn (47-50 tấn/ha). Còn giống bí xanh số 2 có năng suất tới 45- 55 tấn/ha/vụ, phù hợp với  một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định.

ThS. Trần Thị Vũ Phương, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, đã chỉ đạo thực hiện nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công tác giống, lai tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng giống và sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất.

Riêng bà  Phương đã trực tiếp tham gia làm cộng tác viên, đồng tác giả trong công tác nghiên cứu lai tạo và chọn giống lúa từ năm 2000 đến nay và có nhiều giống lúa được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, như: Lúa ML54, ML232, ML215… Năm 2021, bà chọn tạo ra giống lúa ĐL221 tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X năm (2023 - 2024), là thành viên của nhóm tác giả đoạt giải Nhì. Tất cả các giống lúa mà bà nghiên cứu đều được chuyển giao trực tiếp cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

... Đến người nông dân

Với thế mạnh xuất khẩu nhiều loại nông sản, nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường. Từ đây, nhiều nhà khoa học có xuất phát điểm từ “lão nông” đã trở thành chuyên gia.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đức Hòa (Long An), ông Võ Văn Út (sinh năm 1961, trú tại ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ) cảm nhận rõ nỗi vất vả của người dân khi trồng ngô, lạc, vừng với chi phí cao trong khâu thu hoạch.

Chính những băn khoăn, trăn trở đó thôi thúc ông tìm tòi và sáng chế thành công các loại dụng cụ phục vụ nông nghiệp.

Năm 1982, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, ông về dạy tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Đức Hòa. Khoảng 7 năm sau, ông nghỉ dạy về nhà vừa phụng dưỡng cha, mẹ già, vừa lo chăm sóc hơn 10ha đất trồng lạc của gia đình.

Từ việc gieo hạt còn sử dụng phương pháp thủ công, ông nhận thấy nhiều nông dân trồng ngô, lạc phải bỏ ruộng hoang do thiếu công lao động.  Sau nhiều lần tự mày mò, nghiên cứu, ông sáng chế thành công máy gieo sạ hạt ngô.

Máy gieo hạt ngô có chiều ngang 1,2m, sử dụng động cơ kéo 22 mã lực. Máy  gồm 2 hộc chứa hạt giống; 2 lưỡi cày chảo nhỏ rạch hàng cho hạt ngô rơi xuống; 2 lưỡi cày chảo lớn cắt rãnh tưới tiêu nước; một ống nhựa tròn làm trang để lấp hạt lại.

Kết quả vận hành trong 2 giờ, máy có thể gieo được 1ha ngô thành phẩm, tiết kiệm khoảng 20 công lao động so với cách gieo hạt truyền thống. Từ đó rút ngắn thời gian và giảm bớt phần lớn thời gian lao động cho nông dân. Qua áp dụng máy gieo hạt trên 200ha đất trồng ngô, tỷ lệ nảy mầm đạt hơn 90% và đạt độ đồng đều, năng suất ổn định.

Tiếp nối thành công, năm 2022, ông Út chế tạo dụng cụ gieo vừng. Dụng cụ giúp nông dân có thể gieo hạt 3 ha/ngày, so với 0,5 ha/ngày nếu gieo bằng tay; mật độ cây đồng đều, vừng kết trái nhiều hơn so với cách sạ bằng tay - năng suất cao hơn 100 kg/ha. Bên cạnh đó, gieo bằng máy giảm 50% lượng giống (giảm 2,5 kg/ha) và việc chăm sóc, tưới và thoát nước dễ dàng hơn.

Năm 2023, ngoài thị trường có nhiều loại máy nhổ lạc nhưng kích thước nhỏ, năng suất chưa cao, không phù hợp với luống lạc vùng Đức Hòa. Ông Út đã nghiên cứu, chế tạo máy khắc phục nhược điểm đó, có kích thước lớn, hoạt động nhanh hơn. Trong 3 giờ, máy nhổ được 1 ha lạc - tương đương 30 công lao động thủ công. 

Cần khơi dậy đam mê sáng tạo

Từ thực tế trên có thể thấy, nhiều sản phẩm do nông dân tìm tòi, sáng tạo ra là những cải tiến quy trình sản xuất, các công cụ, thiết bị hữu dụng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, cho thấy sức sáng tạo của các nhà khoa học và của nông dân Việt Nam rất phong phú, đa dạng.

“Nhà khoa học của nhà nông” không chỉ là những nhà khoa học có học hàm học vị, có công trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả mà còn là những chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân người nông dân có phát minh, sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển giao và nhân rộng giá trị ra cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.

Để phong trào Nhà khoa học của nhà nông trở nên mạnh mẽ hơn, thời gian tới, các cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh hơn các chương trình thi đua khen thưởng nhằm khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam và khơi dậy đam mê sáng tạo trong các tầng lớp nông dân, của các nhà khoa học, từ đây đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá trên từng bờ xôi ruộng mật.

Từ đó, kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Thanh xuân
Ý kiến bạn đọc
Top