Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024 | 18:16

Hà Nam tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Văn bản số 2351/UBND-NNTNMT về việc thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo như sau:

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Các sở, ngành: Tài chính, Nội vụ, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện theo thẩm quyền đối với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT- TTg ngày 06/11/2024, của UBND tỉnh tại Văn bản số 1394/UBND-NNTNMT ngày 22/7/2024; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là tại những nơi đã có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; phối hợp, hướng dẫn xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện theo quy định.

Các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn là biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất hiện nay, trong đó người chăn nuôi lợn cần thực hiện:

Đối với chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi lợn

- Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi,…).

- Tạo lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi.

- Nên có ô chuồng nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập hoặc lợn bị bệnh.

- Có khu vực thu gom và xử lý chất thải. Chất thải chăn nuôi phải được thu gom về khu vực cuối chuồng nuôi để xử lý hoặc để xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoá chất hoặc bằng phương pháp sinh học. Chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng; Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp sinh học phù hợp.

- Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống khoảng 1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.

Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng.

Đối với lợn giống

Lợn được nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.

Quy trình chăn nuôi

Áp dụng phương thức quản lý đàn lợn "cùng vào - cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng.

Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng và thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới.

Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn.

Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.

Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Vệ sinh, tiêu độc và kiểm soát người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi

Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.

Bổ sung hoặc thay hàng ngày thuốc sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi.

Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.
Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.

Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới vào nuôi. Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi: Các phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; Không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến khu vực nuôi lợn. Chỉ sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển; Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.

Phòng chống dịch bệnh

Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại chuồng trại, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ lợn.

 Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho lợn theo quy định của cơ quan thú y, đặc biệt tiêm phòng bổ sung các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao trên lợn như: Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Tai xanh… (Hiện nay đã có 2 loại vắc xin DTLCP (NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Ngày 24/7/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 4870/BNN-TY về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP, theo đó cơ quan chuyên môn thú y phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam xem xét, triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP).

 Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân.

Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.

Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn phải thực hiện lợn đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ lợn khi nghi ngờ lợn có biểu hiện bị bệnh phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cán bộ thôn, cán bộ thú xã biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Không giấu dịch, thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lập. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng.

Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp người chăn nuôi nghi ngờ lợn mắc bệnh, cần báo cáo kịp thời đến cơ quan Thú y gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

 

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top