Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 17:40

Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên. (Ảnh: Thanh Tâm)

Sáng nay, ngày 22/11, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC) phối hợp với Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường” và Lễ ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam.

Kết nối chuỗi cung ứng nông sản

Phát biểu tại Chương trình hội thảo và Lễ ký kết sáng nay, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn  cho biết, sự kiện tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới và vai trò của hoạt động khuyến nông trong hợp tác kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, các hợp tác xã bàn về những giải pháp cung ứng nông sản Việt Nam cho chuỗi siêu thị AEON Mall. Dịp này là cơ hội kết nối để các hợp tác xã, các đơn vị kinh doanh nông nghiệp tìm hiểu nhu cầu thị trường, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhu cầu của Nhật Bản, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản giữa hai nước.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cho hay, Việt Nam và Nhật Bản đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, kể từ năm 2014 đến nay, quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã có những chuyển biến mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn thể hiện thông qua các cuộc đối thoại cấp cao. Tiêu biểu là Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ nhất (2014) xác nhận thành lập tầm nhìn trung và dài hạn về thành lập chuỗi giá trị lương thực tại Việt Nam; Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai (2015) tổ chức tại Tokyo đã chấp thuận và ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn 1 (2015-2019)”... Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 (2020) tiếp tục ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2 (2020-2024) và hiện tại đang rà việc triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp trong thời gian qua và lên Kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo 2025-2028

Bên cạnh thành tựu, hợp tác nông nghiệp hai nước cũng gặp một số hạn chế. Mặc dù việc ký kết tầm nhìn đã đưa quan hệ hợp tác nông nghiệp hai nước lên một tầm cao mới và đặt được nhiều thành tựu nhưng nhìn chung, tỷ lệ đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp còn thấp so với các ngành khác. Nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ dừng lại ở 6 nhóm chính trong khi một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu và tiến sâu vào thị trường Nhật Bản.

Tính chung giá trị xuất khẩu nông sản chỉ chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản. Nguyên nhân do Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu nông sản từ các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nhìn chung, nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam và trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản có hiệu lực, nước ta sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các thị trường lớn. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản tương đối lớn.

"Do đó, việc tổ chức hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” ngày hôm nay là vô cùng ý nghĩa, hội thảo sẽ là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường Nhật Bản nói chung và hệ thống siêu thị AEON MALL nói riêng", Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Đại diện phía Nhật Bản, ông Ito Naoki - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Nông nghiệp là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để Nhật Bản và Việt Nam hợp tác cùng nhau. Với các công nghệ hiện đại của Nhật Bản, chúng tôi hy vọng có thể giúp nông nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, trở thành cường quốc về nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng tầm nhìn mới hướng tới tương lai".

Đại diện phía Nhật Bản, ông Ito Naoki - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Thanh Tâm).

Trong đó, ông Ito Naoki nhấn mạnh sẽ tăng cường các vấn đề hợp tác kỹ thuật, xúc tiến bán hàng và ông đánh giá cao việc Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH AEON TOPVALU ký kết tiêu thụ để đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng thời đại mới.

"Quy mô thị trường Nhật Bản gấp 10 lần Việt Nam, trong khi số người làm nông nghiệp tại Nhật Bản ngày càng ít đi, do đó cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Nhật Bản là rất lớn. Với sự hỗ trợ từ phíaAEON TOPVALU, hệ thống khuyến nông cộng đồng, Hội Nông dân Việt Nam..., nông sản Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu phía Nhật Bản", ông Ito Naoki khẳng định.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan bắt đầu bằng một câu chuyện: “Hãy tin tôi đi, đó là câu nói mà tôi vẫn hay nói với bà con nông dân, tin tưởng vào sản phẩm của mình".

Bộ trưởng còn cho hay: Một cuốn sách gây ấn tượng và theo tôi có một câu mang hàm ý triết lý của đất nước Nhật Bản đó là “Hãy nghĩ cho người khác”, chúng ta sản xuất hãy nghĩ cho người tiêu dùng, chúng ta không chỉ nghĩ tới bán được rau, hoa quả của mình vào siêu thị và làm bất cứ gì chúng ta cần nghĩ mình đang đi cùng một thương hiệu lớn như TOPVALU, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu thông qua chất lượng và sự đảm bảo thông qua các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, như thế mới đi theo đường dài được”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn rất mong muốn AEON TOPVALU có thể đưa các sản phẩm OCOP của Việt Nam vào kênh phân phối rộng lớn của mình. (Ảnh: Thanh Tâm).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hằng năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 năm qua đạt trung bình 6,35%/năm.

“Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản cho thấy cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Hiện tại Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh các mặt hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm chế biến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Hoan cũng bày tỏ sự cảm ơn Tổ chức JICA đã liên tục có nhiều năm hợp tác, kết nối và giúp đỡ nông dân Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn và tự tin đưa sản phẩm nông sản của mình vào thị trường Nhật Bản nói riêng cũng như ra thị trường thế giới thông qua kênh phân phối của AEON TOPVALU. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho biết, rất mong muốn AEON TOPVALU có thể đưa các sản phẩm OCOP của Việt Nam vào kênh phân phối rộng lớn của mình. 

Xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Tiếp thu những ý kiến định hướng, chỉ đạo từ Bộ trưởng và Ngài Đại sứ để hiện thực hoá những nội dung trong chương trình ký kết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, ngoài triển khai thành công, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nơi các nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hợp tác chặt chẽ để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. (Ảnh: Thanh Tâm).

Với mục tiêu đó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh đề xuất các đơn vị tập trung chia sẻ kinh nghiệm về:

Xây dựng mạng lưới kết nối: Tạo dựng một hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả giữa nông dân, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Các nền tảng trực tuyến có thể giúp các bên nhanh chóng trao đổi thông tin về sản phẩm, giá cả và nhu cầu thị trường.

Ứng dụng công nghệ: Khuyến khích việc áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nông sản. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, hay các ứng dụng di động để kết nối nông dân với thị trường.

Đào tạo và nâng cao nhận thức: Tổ chức các khóa đào tạo cho nông dân về quy trình sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cách thức tiêu thụ hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các sản phẩm nông sản chất lượng cao tới người tiêu dùng.

Hợp tác giữa các bên liên quan: Khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, hiệp hội nông nghiệp, tổ chức nghiên cứu và Bộ NN&PTNT để xây dựng các chương trình hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm ra thị trường.

Phát triển thương hiệu: Tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm chất lượng cao cần được quảng bá đúng cách để thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị trường.

“Thông qua các giải pháp này, chúng ta có thể tăng cường sự kết nối trong chuỗi cung ứng nông sản, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết 5 biên bản ghi nhớ giữa các bên, bao gồm:

- Biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho người nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty AEON TOPVALU Việt Nam;

- Biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Sinh hóa Maruwa (MBC) và Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu;

- Biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Công ty TNHH Next Farm và Công ty CP Ameii Việt Nam;

- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam;

- Biên bản ghi nhớ giữa Dự án Xúc tiến Đầu tư Nông nghiệp Nhật Bản (ABJD) và Diễn đàn nông nghiệp công nghệ cao Việt Nan (VJAT).

Trước khi diễn ra hội thảo và lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu đã tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên. Dưới đây là một số hình ảnh đoàn tham quan tại các gian hàng và hình ảnh chương trình Lễ ký kết 5 biên bản ghi nhớ giữa các bên:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên. (Ảnh: Thanh Tâm).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu tham quan các gian hàng của các đơn vị trưng bày tại Hội thảo và Lễ ký kết. (Ảnh: Thanh Tâm).

 

Đại diện Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh. (Ảnh: Thanh Tâm).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tặng quà lưu niệm và bày tỏ niềm vui, sự kỳ vọng về chương trình hợp tác lần này mới chỉ là sự khởi đầu cho sự phát triển bền vững giữa các bên. (Ảnh: Thanh Tâm).

Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho người nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty AEON TOPVALU Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tâm).

Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tâm).

Đại diện các đơn vị Biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Sinh hóa Maruwa (MBC) và Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu. (Ảnh: Thanh Tâm).

Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Công ty TNHH Next Farm và Công ty CP Ameii Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tâm).

Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ giữa Dự án Xúc tiến Đầu tư Nông nghiệp Nhật Bản (ABJD) và Diễn đàn nông nghiệp công nghệ cao Việt Nan (VJAT). (Ảnh: Thanh Tâm)

Đại diện các đơn vị tham gia ký kết biên bản ghi nhớ nâng cao năng lực và kết nối thị trường xuất khẩu nông sản chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh: Thanh Tâm)./.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top