Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024 | 13:14

Độc đáo sản phẩm OCOP Châu Thành - Sóc Trăng

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành (Sóc Trăng) Võ Minh Luân cho biết, Châu Thành hiện có 42 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao.

Các sản phảm đạt sao OCOP của Châu Thành khá đa dạng: Bánh pía nhân đậu xanh, thịt heo khô, bánh phồng tôm, nấm rơm đóng hộp, bắp non đóng hộp, hạt sen đường phèn, dưa mắm Bố Thảo, bánh pía chà bông trứng muối, bánh pía dừa sầu riêng, nhãn lồng nước đường, bột củ sen Châu Thành, bánh xin nhân đậu xanh sầu riêng, mắm cá lóc Thiện Mỹ, gạo ST25 thương hiệu Gạo ông Du…

Sản phẩm OCOP được ưa chuộng

Trong số những sản phẩm đạt sao OCOP, có một số sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như bột củ sen, sản phẩm từ trái hồng nhung, càm tôm (ngàm tôm), bánh pía...

Theo ông Võ Minh Luân, sen là loại cây có tính bình, hầu hết các bộ phận đều có thể dùng làm thuốc giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Không như những bộ phận khác có vị đắng thanh: củ sen ở dưới bùn đất nhưng lại là nguyên liệu giòn ngọt. Củ sen tươi có thể làm các món gỏi, chưng, canh, hầm. Củ sen khô có thể làm trà, thuốc hoặc cũng có thể chế biến thành bột sen,..Sen được trồng rất nhiều ở Châu Thành.

Sản phẩm OCOP Châu Thành.

“Khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu rộng lớn, dồi dào này, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành đã thực hiện dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu sen lấy củ, nghiên cứu quy trình trồng và chế biến bột củ sen tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng”; qua đó nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm bột củ sen Châu Thành bằng phương pháp sấy với ưu điểm không làm biến chất sản phẩm, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, hạn chế thất thoát dinh dưỡng vốn có và đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng thông qua, sản phẩm đang từng bước hoàn thiện để đưa ra thị trường. Hứa hẹn sẽ mang đến một sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc, bao bì chỉn chu tạo dấu ấn riêng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng - điều mà phần lớn các sản phẩm khác hiện trên thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ”, ông Võ Minh Luân giới thiệu thêm.

Với sự đầu tư nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khai thác các giá trị bản địa của vùng nguyên liệu, sản phẩm bột củ sen Châu Thành kỳ vọng góp phần làm đa dạng hệ sinh thái sản phẩm giá trị gia tăng từ cây sen, đồng thời cũng giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Đến Châu Thành, người tiêu dùng cũng rất ấn tượng với sản phẩm Snack càm tôm (có tên gọi là ngàm tôm) là sản phẩm được chế biến từ một bộ phận của đầu con tôm. Trước đây, đầu tôm thường bị bỏ đi hoặc dùng chế biến thức ăn gia súc, làm phân bón... nhưng sau này, sản phẩm này được sử dụng chế biến thành món snack được nhiều người ưa thích. Hiện, ở địa phương có 3 sản phẩm từ càm tôm là Snack càm tôm vị phô mai, Snack càm tôm vị ớt cay, Snack càm tôm vị hành tỏi đã xuất khẩu sang các nước Hồi giáo.

Ngoài ăn trái tươi, sản phẩm chế biến từ trái hồng nhung Châu Thành cũng được nhiều người biết đến như: chè hồng nhung, mứt hồng nhung, gỏi hồng nhung,... rất độc đáo, không nơi nào có được.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng của huyện Châu Thành là bánh pía, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Các loại bánh pía đạt sao OCOP như: bánh pía sầu riêng, bánh pía sầu riêng môn, bánh pía kim sa…

Sản phẩm bánh pía can xại trứng muối của cơ sở bánh pía Mỹ Hiệp Thành (xã Phú Tâm) được đánh giá là bánh ngon và có hương vị lạ hơn so với các loại bánh pía truyền thống, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đặc biệt là sau khi sản phẩm đạt sao OCOP thì thị trường tiêu thụ đã được mở rộng thêm hơn 50% so với trước.

Cơ sở sản xuất bánh pía này có cách đây hơn 70 năm nay, đây là nghề truyền thống được truyền qua 3 thế hệ. Trước đây, cơ sở làm bánh thủ công, chủ yếu bán nhỏ lẻ. Bánh ngon, số lượng khách hàng mua ngày càng nhiều nên cơ sở tăng dần sản lượng. Bánh pía truyền thống với các loại nhân chính như: bánh pía đậu mỡ; bánh pía đậu, mỡ, trứng; bánh pía can xại và sau này sản xuất thêm bánh pía đậu, mỡ, sầu riêng; pía đậu mỡ khoai môn, đặc biệt là bánh pía can xại trứng muối (nhân bánh có thêm xá pấu muối), khi sản xuất bán ra thị trường, người tiêu dùng rất ưa chuộng và đặt hàng liên tục.

Cũng là đơn vị sản xuất bánh có tiếng tại tỉnh Sóc Trăng, Công ty TNHH bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn (xã Hồ Đắc Kiện) có đến 8 sản phẩm bánh pía các loại đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm bánh pía đạt 3 sao OCOP, còn lại 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP.

Theo lãnh đạo công ty, để giữ hương vị truyền thống của bánh pía, ngoài việc sử dụng nguyên liệu làm bánh an toàn vệ sinh thực phẩm thì sử dụng các trang thiết bị sản xuất bánh rất cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, sau khi sản phẩm đạt sao OCOP, công ty đã đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất bánh thay thế việc làm thủ công, vì lượng bánh pía cung ứng ra thị trường trong nước nhiều hơn trước 5 - 10%.

Ngoài ra, công ty còn tham gia các hội chợ, các buổi xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm bánh pía;  thu hút được các cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đặt bánh pía của công ty về bán. Hiện tại, hầu hết các trang thiết bị sản xuất bánh pía đã được công ty đầu tư hoàn thiện. Sắp tới, công ty sẽ nâng cấp 2 trong số 7 sản phẩm bánh pía đạt 4 sao lên 5 sao.

Gia tăng giá trị sản phẩm đặc trưng

Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Chương trình OCOP góp phần làm gia tăng giá trị  các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân. Giá trị sản phẩm làm ra được gia tăng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong khu vực nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Các sản phẩm OCOP với chuẩn chất lượng quy định sẽ có được giá bán cao hơn, số lượng bán ra nhiều hơn (trong tỉnh và ngoài tỉnh), từ đó đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ thể OCOP, góp phần cải thiện sinh kế của cộng đồng, gia tăng phát triển kinh tế địa phương.

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top