Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp, bởi sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân, ngành Nông nghiệp các địa phương đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sản lượng và chất lượng cây trồng.
Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều - Quảng Ninh) chăm sóc khoai tây Atlantic.
Quảng Ninh: Đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông
Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp, bởi sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất lợi cùng với ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 đã khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng, làm chậm tiến độ gieo trồng. Ngành Nông nghiệp đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sản lượng và chất lượng cây trồng.
Vụ đông năm nay, ngành Nông nghiệp tập trung sản xuất các cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất chất lượng nông sản; tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, tổng diện tích cây trồng vụ đông đạt trên 8.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 4.400 tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thời tiết vụ đông năm nay có nhiều bất lợi. Đầu vụ đông xảy ra ngập úng do mưa bão và áp thấp nhiệt đới. Không những thế, vụ đông còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 đã làm hơn 7.600ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như tiến độ gieo trồng. Bên cạnh đó, việc sản xuất của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác đã được hình thành nhưng một số vẫn còn mang tính hình thức, khả năng tập hợp, tham gia liên kết, hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, nhân lực lao động trong nông nghiệp ngày một thiếu nên việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung gặp nhiều khó khăn. Giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng cây trồng vụ đông, ngay sau bão số 3, ngành Nông nghiệp tập trung xử lý hiệu quả diện tích cây hằng năm bị ngập úng do bão. Đồng thời, tổ chức thu hoạch nhanh lúa mùa sớm để có quỹ đất sản xuất cây vụ đông ưa ấm, như: Ngô, đậu tương, khoai lang.... Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), hai tuần sau bão, hơn 90% diện tích canh tác bị ảnh hưởng đã dần phục hồi.
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các hình thức người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất thành vùng tập trung với quy mô lớn có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm công lao động, kiểm soát tốt sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với đó, mở rộng diện tích và phát triển một số cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về thị trường để tăng thu nhập cho người sản xuất; tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ; tăng cường đẩy mạnh mở rộng diện tích cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, như: Cây ngô lấy hạt, ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi, cây rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, bố trí các vùng sản xuất trồng trọt an toàn gắn liền với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập.
Ngành Nông nghiệp cũng đưa ra một số khuyến cáo các giống cây trồng. Đối với cây ngô, các địa phương lựa chọn cơ cấu từ 4 đến 6 loại giống, ưu tiên sử dụng các giống ngô năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Các loại rau đậu cần bố trí mở rộng diện tích, sản xuất rải vụ để tránh hiện tượng cung vượt cầu khi vào chính vụ. Thời vụ gieo trồng từ 5/10-31/12. Với cây khoai tây, thời vụ trồng tập trung từ 15/10-5/11, nhiều loại cây cho năng suất cao như: Atlantic, marabel, solara… được lựa chọn từ những ruộng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và được bảo quản trong kho lạnh. Riêng với hoa, cây cảnh, chú trọng mở rộng diện tích trồng các loại hoa phục vụ Tết Nguyên đán tại một số vùng trọng điểm của TP Hạ Long, TX Đông Triều, TX Quảng Yên; sử dụng đa dạng những giống hoa chất lượng cao, như: Ly, cúc, đồng tiền, lan, hồng…
Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục chỉ đạo tổ chức đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ đông chính vụ và vụ đông muộn như: Khoai tây, cà chua, su hào, bắp cải, hoa các loại... ưu tiên các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, chế biến và sản xuất phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cụ thể: Tại TX Đông Triều, vụ đông năm nay, thị xã gieo trồng trên 1.600ha, trong đó rau các loại chiếm đến 745ha, khoai tây 200ha, ngô 160ha… Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Bắt đầu vụ đông, đơn vị đã cử cán bộ đi nắm bắt điều kiện sản xuất, thời tiết; điều tra, giám sát các đối tượng dịch hại để thông báo cho người dân chủ động các biện pháp ngay từ đầu vụ trước khi đổ ải làm ruộng. Thị xã cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều tận dụng hiệu quả nguồn nước từ sông Cầm và các hồ chứa, dẫn nước qua các kênh tưới đến đồng ruộng, khu vực sản xuất để người dân phục vụ tưới tiêu. Các hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp quản lý tốt và khai thác tiết kiệm nguồn nước. Trước đó, để khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, TX Đông Triều đã huy động nhân lực, thiết bị máy bơm để kịp thời bơm tiêu úng cho cây; vệ sinh đồng ruộng và kiểm tra, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại.
Tại TX Quảng Yên, theo thống kê, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương. Riêng lĩnh vực trồng trọt, thị xã có hơn 1.418ha lúa mùa bị ngập đổ (chiếm 50% diện tích); 218,6ha hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn (chiếm 60% diện tích rau màu). Đến thời điểm này, bà con đã khôi phục sản xuất, các địa phương đang tập trung mọi điều kiện để gieo trồng vụ đông theo đúng khung thời vụ. Vụ đông năm nay, TX Quảng Yên phấn đấu gieo trồng trên 1.600ha cây rau màu, trong đó riêng rau các loại đã chiếm gần 1.400ha - lớn nhất toàn tỉnh. Phòng Kinh tế thị xã đã chỉ đạo các địa phương và người dân nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn bằng các hình thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn về giống cây trồng, phân bón mới, kỹ thuật canh tác hiệu quả, đảm bảo nguồn cung rau màu ổn định từ nay đến cuối năm.
Nam Định: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng hiệu quả sản xuất vụ đông ở Ý Yên
Vụ đông năm 2024, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Mô hình sản xuất dưa chuột vụ đông sớm tại xã Yên Cường.
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, xã Yên Cường gieo trồng 150ha với các cây trồng chủ lực là khoai tây, ngô và rau màu các loại. Bên cạnh việc duy trì sản xuất 5ha rau an toàn để cung cấp cho một số cửa hàng tiện ích và các bếp ăn tập thể, trong vụ đông này, xã đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm các giống ngô nếp TBM18, LVN10 và Ngân Điện 98 với quy mô 3ha; phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đưa vào khảo nghiệm 1,8ha cây chia. Ngoài các mô hình liên kết trên, xã Yên Cường còn tiếp tục đưa vào trồng khảo nghiệm 5 sào khoai lang Nhật và 5 sào khoai tây Đức.
Đây là bước đi nhằm lựa chọn các loại cây trồng mới, bộ giống mới phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho nông dân trong xã. Đặc biệt, được Dự án “Sử dụng phân bón đúng” do Cục Nông nghiệp Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) chủ trì và tài trợ, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã đưa máy đảo trộn phân hữu cơ tự hành để chế rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng. Hiện HTX đã xây dựng được 5 công thức sản xuất phân hữu cơ (có 3 công thức sử dụng men vi sinh, 2 công thức sử dụng cám gạo) dùng làm phân bón cho cây trồng trong vụ đông này. Qua thực tiễn sản xuất để đánh giá, lựa chọn công thức sản xuất phân hữu cơ phù hợp, hiệu quả nhất cho cây trồng của địa phương. Việc tái chế rơm rạ thành phân bón sẽ giúp người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Tiếp nối thành công từ vụ xuân, trong vụ đông 2024, Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Thuận Hòa Phát tiếp tục thực hiện mô hình trồng các giống ớt xuất khẩu Phú Điền 686, Best sheet 9999 tại thị trấn Lâm và xã Trung Nghĩa với quy mô 40ha. Sau khi thuê lại ruộng sản xuất của các hộ dân, công ty đã tiến hành cải tạo đất, quy hoạch, kiến thiết lại đồng ruộng, đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm, lắp đặt hệ thống tưới nước, phân bón nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel tới từng gốc cây. Với phương pháp tưới này, toàn bộ cây trồng đều được tưới trực tiếp vào gốc với lượng nước, lượng phân đảm bảo “3 đúng” (đúng thời gian, đúng định lượng, đúng địa chỉ), theo yêu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây trồng. Các loại phân hữu cơ và vô cơ được công ty nhập hoàn toàn từ các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… nhằm cải tạo dinh dưỡng, tạo độ phì nhiêu cho đất giúp ớt sinh trưởng và phát triển tốt. Theo hạch toán, mô hình trồng ớt cho lãi gấp 4-5 lần so với các loại cây trồng truyền thống khác. Đây được xem là tín hiệu khả quan để huyện tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình tại các xã, thị trấn nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân được tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác, trồng trọt, hướng đến quy trình sản xuất khép kín.
Ngay từ đầu vụ đông 2024, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ đông như: Yên Dương, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Lương, Yên Lộc, Yên Phúc, Yên Thắng, Yên Đồng… chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và mở rộng tối đa diện tích; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung; duy trì ổn định các nhóm cây truyền thống như: ngô, khoai tây, rau ngắn ngày. Huyện cũng xây dựng được các vùng trồng rau tập trung theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Cường để cung cấp cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng đại lý bán sản phẩm nông sản sạch trong tỉnh; vùng sản xuất khoai tây VietGAP tại xã Yên Nhân liên kết với các doanh nghiệp, thương lái trực tiếp thu mua nông sản ngay tại ruộng và mô hình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường… Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao nhận thức người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất rau chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định để sản xuất, kinh doanh bền vững; đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau, thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ là xu thế tất yếu, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng được những sản phẩm an toàn.
Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung không chỉ giúp Ý Yên đẩy mạnh chuỗi liên kết, mà còn giúp các cơ quan chuyên môn và các địa phương trong huyện có điều kiện triển khai các trương trình, dự án giúp người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong thâm canh cây trồng theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các hộ nông dân trong huyện cũng “chuyên nghiệp hơn” khi chủ động trang bị các loại máy bơm công suất nhỏ để đảm bảo chủ động tưới, tiêu, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh trưởng, phát triển và phòng chống úng cho cây trồng. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân còn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến như: hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, tưới phun mưa, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, ứng dụng nhà lưới và nhà màng trong canh tác… giúp kiểm soát lượng phân bón, nước tưới thích hợp theo đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất; tránh được các điều kiện bất lợi của thời tiết tới cây trồng, đem lại những sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Ý Yên đã gieo trồng được gần 650ha cây vụ đông, đạt 35% kế hoạch, tập trung chủ yếu là các cây ngô, su hào, bắp cải, cà chua, bí xanh và các loại rau ngắn ngày. Hiện huyện chỉ đạo các đơn vị phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, đồng thời có những dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây vụ đông cho các địa phương và nông dân phòng trừ hiệu quả. Đôn đốc bà con nông dân tiếp tục gieo trồng những cây còn thời vụ, ưu tiên quay vòng các loại cây rau ngắn ngày để tận dụng triệt để quỹ đất tăng vụ, tăng thu nhập. Thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học từ giống đến phương thức canh tác, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó của người nông dân huyện Ý Yên đang là những yếu tố quyết định để dẫn đến một vụ đông thắng lợi, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thanh Hóa: Kỳ vọng bứt phá từ sản xuất vụ đông
Những năm qua, sản xuất vụ đông được các địa phương trong tỉnh xác định là một vụ sản xuất chính trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, vụ đông 2024-2025, do ảnh hưởng của thời tiết nên các loại cây trồng vụ đông ưa ấm bị hư hỏng và cơ bản đã hết khung thời vụ gieo trồng tốt nhất. Do đó, cùng với việc chăm sóc, bảo vệ diện tích cây trồng đã sản xuất, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương chủ động đa dạng cây trồng, nhất là những loại cây trồng giá trị kinh tế cao, có liên kết sản xuất để tạo ra những bứt phá mới về năng suất, chất lượng và giá trị từ vụ sản xuất cuối cùng của năm.
Nông dân xã Trường Xuân (Thọ Xuân) chăm sóc cây trồng vụ đông.
Là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp, vụ đông 2024-2025, huyện Thọ Xuân đặt ra kế hoạch gieo trồng 5.200ha cây trồng. Trong đó, diện tích ngô thương phẩm 1.700ha, khoai lang 160ha, các loại cây như: ớt, ngô ngọt, khoai tây, dưa, bí là 450ha... còn lại là rau màu và các loại cây trồng khác. Ngay từ khi kết thúc vụ mùa, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát quỹ đất có khả năng sản xuất và tình hình thực tế lao động, thị trường... để xây dựng kế hoạch về diện tích và cơ cấu các cây trồng chủ lực.
Ngành nông nghiệp huyện cũng xác định cây ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại là nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân, xã Trường Xuân, do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 3 và số 4 gây mưa lũ nên thời vụ sản xuất một số loại cây trồng ngắn ngày đã hết, vì vậy, diện tích sản xuất vụ đông giảm, nguy cơ giá trị kinh tế cũng không đạt như những năm trước. Do đó, để tạo bứt phá về giá trị kinh tế, UBND xã Trường Xuân đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp lựa chọn các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ lớn và có đối tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để sản xuất.
Từ định hướng trên, xã Trường Xuân đã hướng dẫn và khuyến khích người dân trồng 500ha rau màu ngắn ngày, như: cải bắp, súp lơ, su hào, cà chua, mướp đắng, rau gia vị, dưa leo... để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Trong đó, có hàng trăm ha cây trồng đã tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ngay đợt đầu sản xuất nên huyện Hà Trung đã xây dựng phương án sản xuất mới để bảo đảm năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho vụ đông. Xây dựng kế hoạch sản xuất 1.050ha cây trồng, huyện Hà Trung đã đưa vào phương án phát triển khoảng 460ha cây trồng có liên kết sản xuất, chủ yếu là ngô, khoai tây và khoai lang. Để đạt được mục tiêu này, nhất là với diện tích cây trồng có hợp đồng tiêu thụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và HTX dịch vụ nông nghiệp kết nối với các doanh nghiệp đã có truyền thống thu mua, hợp tác trong các vụ trước và kết nối với những đơn vị mới nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Cùng với đó, huyện giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng sản xuất cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ, cung cấp giống cây trồng chất lượng, hướng dẫn nông dân các kỹ thuật canh tác hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vụ đông của huyện, giúp sản phẩm tăng khả năng liên kết và dễ dàng tiếp cận cả thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 400ha cây trồng được liên kết sản xuất, gồm: khoai tây, khoai lang, hành lá, dưa leo và ngô ngọt. Cùng với đó, huyện đã và đang tiếp tục khuyến khích nông dân mở rộng diện tích các loại cây phục vụ chế biến và có khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa.
Vụ đông 2024-2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển 47.000ha cây trồng, với giá trị kinh tế khoảng 3.498 tỷ đồng trở lên (giá hiện hành), bình quân đạt 76 triệu đồng/ha gieo trồng trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4 gây mưa, lũ, các loại cây trồng vụ đông ưa ấm như cây ngô lấy hạt, cây đậu tương, cây ớt... cơ bản đã hết khung thời vụ gieo trồng tốt nhất. Do vậy, mặc dù quỹ đất trồng cây vụ đông còn nhiều nhưng tỉnh không khuyến khích mở rộng diện tích bằng mọi cách mà chỉ tập trung vào những sản phẩm có thị trường tiêu thụ và đất đai phù hợp. Trong đó, phát triển các loại cây rau màu ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính là một trong những giải pháp phù hợp để bảo đảm hiệu quả kinh tế và có cơ hội bứt phá về giá trị sản xuất toàn vụ. Cùng với đó, tại đợt kiểm tra về tình hình sản xuất vụ đông vào cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo Nhân dân cần phát triển sản xuất gắn với cấp mã số vùng trồng, sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân nhằm bảo đảm đầu ra ổn định.
Ngoài ra, các địa phương, nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực, như: khoai tây (ăn tươi, chế biến), cà chua, bí xanh, ngô ngọt, ngô làm thức ăn tươi xanh cho gia súc, dưa các loại, rau màu ngắn ngày có giá trị hàng hóa cao... Tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch để cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, tranh thủ giá rau đang ở mức cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất vụ đông./.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông vừa phối hợp với Ban quản lý dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng (dự án iLandscape), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Công ty JDE Peet's tổ chức Hội thảo thúc đẩy diễn đàn ngành hàng cà phê tuân thủ EUDR và kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh này.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.