Hôm nay (11/10), Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai” nhằm đánh giá kết quả trồng khảo nghiệm cây Hồi từ năm 2017 đến nay và bàn phương án phát triển bền vững.
Hiện, Lào Cai có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm khoảng 60% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và hiện chưa xác định được cây trồng lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, giảm thiểu tác động vào rừng tự nhiên, thay đổi nhận thức của nhân dân và giảm việc lấn chiếm, phát phá, cháy rừng ở vùng cao.
Hội thảo “Tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai”
Cây Hồi ở Lào Cai đã được người dân trồng tại xã Tả Ngài Chồ (Mương Khương), thị trấn Bắc Hà, xã Nậm Đét (Bắc Hà) từ nhiều năm nay ở độ cao trên 800 m so với mực nước biển. Kết quả khảo nghiệm tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà cho thấy, việc phát triển vùng nguyên liệu Hồi tại Lào Cai có tính khả thi rất cao, nếu phát triển được sẽ tạo ra ngành hàng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện được cơ chế mua, bán tín chỉ Cac bon.
Các đại biểu khảo sát thực tế cây Hồi tại huyện Mường Khương
Với mục tiêu khôi phục rừng tại các khu vực sinh thái bị đe dọa, góp phần chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, cải thiện điều kiện sinh thái, nâng cao độ che phủ, tăng cường đa dạng sinh học, nâng cao thu nhập, nhận thức cho người dân về bảo vệ và phát triển rừng, Lào Cai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng” giai đoạn 2017 - 2023 trên địa bàn xã Tả Ngải Chồ huyện Mường Khương do Trung tâm Hợp tác quốc tế và xúc tiến lâm nghiệp Nhật Bản (JIFPRO) tài trợ.
Sau 4 năm thực hiện, dự án đã vận động 69 hộ gia đình tham gia dự án trồng được 57 ha cây hồi, trồng xen ngô, đậu tương, tam giác mạch. Do diện tích trên được trồng xen với cây lúa nương ngay từ năm đầu, các năm tiếp theo đều được trồng xen cây ngô, cây tam giác mạch nên các hộ gia đình thường xuyên chăm sóc, vun xới và bón phân nên cây Hồi có điều kiện phát triển tốt nhất. Đến nay, cơ bản đạt kết quả khả quan với tỷ lệ sống cao, nhiều diện tích đã ra hoa, chỉ có, diện tích trồng năm 2019 cây hồi phát triển kém do người dân chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng dẫn của dự án.
Hoa hồi trên những cây được người dân trồng hàng chục năm trước.
Theo ông Vũ Hồng Điệp, Chi Cục Phó Chi cục Kiểm Lâm Lào Cai, để có cơ sở đề xuất phát triển mở rộng vùng nguyên liệu hồi cần tiếp tục đánh giá về hiệu quả kinh tế. Với việc trồng mới cây hồi nên trồng với mật độ 830 cây/ha và khuyến khích người dân trồng xen cây phụ trợ như: lúa nương, ngô, tam giác mạch... ngay từ năm đầu. Đặc biệt là, người dân rất cần được hỗ trợ cây trồng phụ trợ dưới tán hồi để có thu nhập thêm trong thời gian đợi cây hồi cho thu hoạch.
Ông Trương Tất Đơ, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hồi là cây thân gỗ, sống lâu năm, có khả năng phòng hộ, lưu trữ các bon rừng. Đặc biệt, cây hồi có thế mạnh kinh tế lâm sản ngoài gỗ như mô hình HTX hồi hữu cơ Vân Quan tại xã Bình Phúc (Vân Quan, Lạng Sơn) có 16 hộ tham gia trên diện tích 35 ha cho sản lượng 45,5 tấn hoa, doanh thu 7,5 tỷ đồng/năm. Mỗi hộ thu nhập 250 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng lâm sản ngoài gỗ, cây hồi có nhiều thách thức khi phát triển trên qui mô lớn như: Quy hoạch diện tích trồng quế phù hợp, tránh truờng hợp trồng tràn lan trên những vị trí không phù hợp khó phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giống và kỹ thuật canh tác, phòng ngừa sâu bệnh... Nhưng nếu có bước đi bài bản thì sản phẩm từ cây Hồi hoàn toàn vẫn có nhiều dư địa để xuất khẩu.
Cây hồi đang sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng cao Lào Cai
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng tiềm năng của thị trường gia vị trên thế giới là rất lớn. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 16.136 tấn hoa Hồi, tăng mạnh 26% về lượng, giá trị thu về 83 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu hoa Hồi của Việt Nam cũng ngày mở rộng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông; Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi trong tháng 1/2024 đạt 879 tấn với trị giá hơn 4,5 triệu USD, giảm 18,8% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 32% so với tháng 1/2023.
Để xây dựng được thành vùng hàng hoá, tỉnh Lào Cai cần tập trung tuyên truyền và giám sát chặt chẽ quá trình canh tác, sử dụng hoá chất để đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng. Ngoài ra, Lào Cai cũng cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vào sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu.
Mê nông nghiệp, lão nông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công) ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú đã đem chanh dây ghép với gốc nhãn lồng (cây lạc tiên) cho ra cây chanh dây ngọt “độc nhất, vô nhị” tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, chanh dây ngọt mang tên “Sáu Công” nổi tiếng khắp tỉnh, thành trong cả nước và mang về cho ông Sáu Công thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.
Thành phố Hội An (Quảng Nam) những năm qua đã nổi lên như một trung tâm tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm. Việc tích hợp nông nghiệp và du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân mà còn xây dựng một mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó, vườn rau thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh là một ví dụ điển hình.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.