Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024 | 10:23

Nữ nông dân tiên phong trồng ớt hữu cơ

Nhanh nhạy đổi mới tư duy, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Nguyễn Thị Thu Hường, Tổ dân phố 16, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư nhà kính để trồng ớt theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Tiên phong trồng ớt Palermo

“Trước đây, mảnh vườn này trồng cà phê, rau màu các loại, nhưng xét thấy thị trường có nhu cầu với giống ớt Palermo, tôi chuyển hướng sang cung ứng loại cây ăn trái này. Trồng ớt khó nhưng kinh tế ổn định”, chị Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ. Gia đình chị là nông hộ đầu tiên của thị trấn Di Linh canh tác cây ớt Palermo.

Theo chị Hường, hiện nay, loại ớt Palermo đang phát triển tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh, có giá khá cao nên tôi khá yên tâm và phấn khởi khi bắt tay vào trồng.

Chị Hường cho biết, năm 2023, chị đầu tư 450 triệu đồng xây dựng gần 2 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) nhà kính công nghệ cao để trồng ớt. Dù mới bắt đầu canh tác trong nhà kính nhưng chị mạnh dạn trồng và sản xuất 2 dòng ớt là ớt chuông và ớt Palermo theo hướng hữu cơ. Ớt Palermo là dòng ớt trái dài, rất giòn, ngọt, dinh dưỡng cao, được sử dụng như một loại trái cây, được thị trường ưa chuộng. “Đã từng có thời gian ớt Palermo “sốt”, giá 200-300 ngàn đồng/kg. Tuy giờ thị trường đã bình ổn nhưng khách hàng vẫn ưa chuộng loại trái cây giòn, ngon ngọt, giàu vitamin nên tôi đã chọn trồng”, chị Hường thông tin.

Palermo là loại ớt chuông ngọt có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Hình dạng bên ngoài của chúng không giống với giống ớt chuông mà chúng ta vẫn biết. Chiều dài của quả có thể lên tới 15-23cm, đường kính quả khoảng 12-16cm. Có nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm các màu đỏ, vàng, cam.

Với kinh nghiệm của bản thân, theo chị Hường, để trồng ớt có hiệu quả và thu được sản lượng lớn, người nông dân cần nắm rõ được các kiến thức cơ bản cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt. Trong đó, nên ưu tiên phương pháp trồng ớt chuông trên giá thể bởi so với môi trường đất, giá thể có thể tạo độ thông thoáng tốt hơn, duy trì được môi trường có độ ẩm tốt cho sự phát triển của cây. Trong giá thể đã có sẵn nguồn dinh dưỡng cao, giúp cây trồng tối ưu được khả năng hấp thụ các nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, đa số các giá thể đều đã được tiệt trùng an toàn và nếu cây có nhiễm một số bệnh như: nấm, mốc xám, héo tươi…, người trồng cũng sẽ dễ dàng kiểm soát bệnh hơn. Trồng trên giá thể, chế độ tưới, chế độ bón phân cũng được điều chỉnh dễ dàng, tuỳ thuộc vào chu kì sinh trưởng của cây cũng như thời tiết.

Đặc biệt, ớt Palermo trồng khó hơn các cây ớt chuông bình thường khá nhiều. Ngay từ khâu nhân giống, hạt ớt Palermo ươm khó hơn, cây yếu hơn và giá hạt cao hơn ớt chuông rất nhiều. Vì vậy, đòi hỏi kỹ thuật chăm ớt cao hơn. “Phân bón cho ớt phải là loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng từ các công ty uy tín. Các loại thuốc cũng là thuốc sinh học vì ớt Palermo dùng ăn sống, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhà tôi áp dụng quy trình sản xuất an toàn rất chặt chẽ, ghi chép cụ thể ngày - giờ sử dụng phân, thuốc”, chị Hường thông tin.

Hiện tại, vườn ớt của gia đình chị Hường trồng 400 cây ớt Palermo, còn lại là trồng ớt chuông. Trung bình 3-4 ngày, vườn ớt cho thu hoạch một lần. Với vòng sinh trưởng dài, từ 8-9 tháng, mỗi vụ chị Hường thu được hơn 10 tấn ớt chuông và hơn 2 tấn ớt Palermo. Do trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, trái ớt tươi đẹp, vị ngọt đậm đà nên giá ớt của gia đình luôn cao hơn thị trường, trong đó ớt chuông được thương lái thu mua với giá 25-35 ngàn đồng/kg và ớt Palermo 75-100 ngàn đồng/kg. Giá ổn định, năng suất cao đã mang lại nguồn thu tốt cho gia đình.

Nhân rộng mô hình

Chị Hường chia sẻ: “Trồng ớt trong nhà kính dù đầu tư ban đầu cao nhưng bù lại giảm được chi phí nhân công. Đặc biệt, dòng ớt ngọt Palermo với chất dinh dưỡng cao, giàu kali, nhiều can xi, rất tốt cho tim mạch nên dù giá thành cao vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Đây là mô hình mà mọi người có thể lựa chọn để phát triển kinh tế”.

Chị Nguyễn Đào Thuỳ Linh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Di Linh, cho biết, mô hình trồng ớt trên giá thể theo hướng công nghệ cao hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường là mô hình thành công trên địa bàn. Chị Hường luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt trong nhà kính cho các nông hộ khác. Chị là tấm gương để nông dân trên địa bàn noi theo, nhất là trong mạnh dạn đầu tư, thay đổi cơ cấu sản xuất, phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không những là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, chị Hường còn năng nổ trong các hoạt động tại cơ sở, là điển hình phụ nữ vươn lên xây dựng kinh tế và đóng góp cho cộng đồng.

Có thể thấy việc đầu tư nhà kính, áp dụng khoa học công nghệ vào trồng ớt của chị Nguyễn Thị Thu Hường là hướng đi đúng, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần đánh giá hiệu quả của mô hình, tổ chức học tập kinh nghiệm, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật để người dân được tiếp cận, qua đó từng bước chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, để trồng rau màu thật sự là hướng đi bền vững.

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

Top