Cơn bão số 3 (Yagi) đã để lại những hậu quả nặng nề trên khắp tỉnh Lào Cai, với hàng ngàn hecta đất nông nghiệp bị ngập úng và sạt lở.
Bằng tinh thần đoàn kết vượt khó, chính quyền và Nhân dân cùng dốc sức tái thiết, những cánh đồng từng chìm trong bùn đất đã bắt đầu hồi sinh, bừng lên sức sống của mùa vụ mới.
Đối mặt với khó khăn thách thức
Chúng tôi đi dọc sông Hồng về xã Quang Kim (Bát Xát) vốn nổi tiếng là “vựa” rau, màu sản xuất theo hướng hữu cơ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đợt lũ vừa qua đã làm gần 100ha đất nông nghiệp của xã bị ngập lụt và sạt lở, toàn bộ diện tích trồng lúa và ngô bị mất trắng.
Ông Dương Minh Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Quang, cho biết: “Tôi đã làm ruộng vài chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy thiệt hại nặng nề như thế này. Nhìn những cánh đồng từng xanh tốt nay chìm trong bùn đất và rác thải, khiến bao công sức, tài sản bị cuốn đi, nhiều người dân trong thôn đã bật khóc trước nguy cơ thất bát”.
Cánh đồng tan hoang sau lũ.
Cơn bão số 3 đã để lại những thiệt hại nặng nề trên khắp địa bàn tỉnh Lào Cai. Mưa, lũ gây ngập sâu trên diện rộng, sạt lở đất, đá; lũ ống, lũ quét gây thiệt hại 546,473ha lúa. Trong đó, diện tích lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục để sản xuất 47,891ha và ruộng bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo để gieo cấy trở lại 498,581ha.
Thống kê thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp về diện tích: 2.849ha lúa, 1.476,68ha ngô, hoa màu, 514,46ha cây trồng hàng năm khác (sắn, giềng, dứa…), 189,95ha cây ăn quả, cây lâu năm, 742,32ha cây lâm nghiệp, 388,6ha cây công nghiệp, dược liệu, cây giống nông nghiệp: 45.000 cây chuối, 400.000 cây quế, 40.000 cây ăn quả ôn đới…
Nỗ lực cứu diện tích chuối.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn bị thiệt hại về thuỷ sản với 352,959,9ha và 800m3 cá nước ngọt. Cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi do vỡ ao, bể khoảng 3.050,82 tấn và 123.200 con cá giống. Thiệt hại về gia súc, gia cầm khoảng 43.295 con (trâu, bò, ngựa bị chết 168 con; lợn, dê, cừu: 899 con; gia cầm bị chết 42.228 con). Chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng 1.009 chuồng.
Để khắc phục hậu quả, ngay sau khi tổ chức khảo sát và xác định mức độ thiệt hại ở từng khu vực, Lào Cai đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, nhanh chóng huy động lực lượng và tài nguyên để khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, cho biết: “Hoàn lưu cơn bão số 3 gây ảnh hưởng mạnh từ đêm ngày 7-12/9, nhưng ngay từ ngày 11/9, lực lượng cán bộ khuyến nông đã tỏa đi khắp các địa phương cùng các cấp chính quyền đồng hành với người dân “cứu” diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Sớm nhất phải kể đến các vùng sản xuất hàng hoá như: chuối (Bảo Thắng), dâu tằm (Bảo Yên), na, rau màu... Chúng tôi ưu tiên những vùng cây ăn quả bị ngập để khơi thông tiêu úng và phá váng các loại bùn đất ngập gốc cho cây thở, nhanh chóng phục hồi.
Đối với những diện tích mà không thể khôi phục được thì hướng dẫn bà con khi nước rút, đất se đến đâu phải nhanh chóng làm đất ngay. Riêng về thời vụ, như cây ngô, bà con phải xuống giống trong tháng 9 mới đảm bảo được thời gian sinh trưởng, tránh gặp rét thì mới có năng suất. Đối với các loại khoai, có thể xuống giống sau một chút, các loại rau màu lại không nên xuống giống ồ ạt tránh việc bị áp lực về mặt tiêu thụ...; thực hiện như vậy để rải vụ, vùng rau lúc nào cũng sản xuất rau. Những vùng ngập trắng, bà con cũng phải tập trung khẩn trương tiêu úng, khi đất se phải làm luống ngay mới đảm bảo cho cây trồng vụ đông. Ở những vùng bị đất đá vùi lấp sâu, không thể cấy lúa, bà con chuyển hướng trồng ngô, khoai hoặc rau màu khác”.
Sức sống mới
Trong tình hình khó khăn, nông dân Lào Cai đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ từ quyết định xuất cấp gần 81 tấn hạt giống, bao gồm 80,48 tấn hạt giống lúa, 8,81 tấn hạt giống ngô và 0,25 tấn hạt giống rau từ kho dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho tỉnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiệt hại do cơn bão số 3. Các doanh nghiệp trong khu vực cũng đã đóng góp gần 60 tấn giống cây trồng và 14 tấn phân bón hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành cấp phát hóa chất và chế phẩm sinh học để khử trùng môi trường chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Nông dân nhận hỗ trợ ngô giống và phân bón.
Đến nay, không khí hối hả lao động sản xuất đang tràn ngập trên khắp cánh đồng, đồi nương khi các đội thanh niên tình nguyện cùng với cán bộ kỹ thuật đã vào cuộc, giúp người dân tháo nước, cải tạo đất và xử lý những vùng sạt lở.
Chuẩn bị vào giống ngô ở Quang Kim.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng thôn Đồng Quang vừa phân phát ngô giống cho bà con vừa chia sẻ: “Bà con trong thôn vừa nhận được 200 phần quà, mỗi phần quà gồm 1kg giống ngô NK 6101 BGT, 1 bao phân 25kg, 2 chai thuốc trừ cỏ ngô, 2 gói thuốc trừ sâu ngô của Công ty Syngenta và Công ty Vật tư nông nghiệp Lào Cai hỗ trợ để kịp thời gieo trồng đúng thời vụ. Đặc biệt là, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, người dân đã được cung cấp giống cây trồng chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiện đại. Không chỉ khôi phục các loại cây lương thực như lúa và ngô, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu ngắn ngày để tận dụng tối đa lợi thế thời tiết”.
Ngoài ra, chính quyền các cấp cùng lực lượng chức năng cũng triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sau lũ, đảm bảo vệ sinh môi trường và chuồng trại chăn nuôi, nhằm giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ lũ. Hiện việc khôi phục sản xuất nông nghiệp đã được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh Lào Cai, không chỉ giúp nông dân khôi phục sản xuất nhanh chóng mà còn đảm bảo ổn định đời sống sau thiên tai.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.