Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024 | 16:14

Đa dạng hóa kênh bán hàng và đưa sản phẩm OCOP đến các “sân chơi” lớn

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, mở rộng hơn nữa thị trường quốc tế, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực và xúc tiến xuất khẩu để ngày càng nhiều sản phẩm OCOP ra "sân chơi" lớn trên thế giới.

Sản phẩm OCOP từ mây tre đan ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên).

Để sản phẩm OCOP làng nghề ngày càng có chỗ đứng trên thị trường

Hiện nay, toàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội) có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 43 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Đây là lợi thế rất lớn để huyện phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Từ lợi thế đó, cùng với những hỗ trợ của địa phương, huyện đã có 231 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm từ làng nghề chiếm 70%. Phú Xuyên đang là một trong những huyện dẫn đầu thành phố trong thực hiện Chương trình OCOP.

Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, mỹ nghệ xã Sơn Hà Bùi Xuân Lợi (một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên) chia sẻ, từ khi đồ gỗ mỹ nghệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, cơ sở sản xuất của ông đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ lớn từ phía chính quyền huyện. Các chương trình quảng bá, tham gia hội chợ, hoạt động tập huấn bán hàng online đã giúp cơ sở tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Điều này không chỉ nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tăng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

Theo thống kê của UBND huyện Phú Xuyên, toàn huyện có 100% làng có nghề. Hiện số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là 25.400 hộ, chiếm 39% tổng số hộ của cả huyện. Kinh tế của các hộ làm nghề thủ công cao hơn so với các hộ thuần nông, ước thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 78 triệu đồng/người/năm. Nhiều làng nghề của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể như: Giày da Phú Yên, bánh kẹo Cổ Hoàng, mộc nội thất Nam Tiến, hương Văn Hoàng…

Thực tế cho thấy, sau khi các chủ thể có sản phẩm được thành phố và huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, tạo được uy tín với khách hàng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường tăng lên, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, duy trì và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP ở Phú Xuyên chủ yếu ở trong nước. Ngoài ra, có một số chủ thể OCOP có sản phẩm xuất khẩu, như: Mây giang đan của Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương và Công ty TNHH Xây dựng và thương mại mây tre Hùng Việt (xã Phú Túc); sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Phước Uyên (thị trấn Phú Xuyên) và sản phẩm Sachi của Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (xã Phúc Tiến).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nhận thấy lợi thế của huyện là có nhiều làng nghề, phát triển kinh tế làng nghề có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện, thời gian qua, Phú Xuyên đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề gắn với Chương trình OCOP và đạt được một số kết quả quan trọng.

Đối với phát triển hạ tầng, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 12 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích hơn 114ha, trong đó có 4/12 cụm đã được thành lập với tổng diện tích hơn 30,5ha. Trong năm 2024, huyện đề nghị thành phố thành lập thêm 4 cụm công nghiệp làng nghề: Phượng Dực (7ha); Sơn Hà (5ha); Văn Hoàng (12,5ha), Nam Tiến (32ha) để hỗ trợ các làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất.

Cùng với đó, Phú Xuyên đến nay đã có 3 xã được UBND thành phố công nhận có điểm du lịch làng nghề là: Nghề may Vân Từ; khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ; giày da Phú Yên. Huyện Phú Xuyên chọn ngày 26-10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống, đến nay đã tổ chức được 8 kỳ lễ hội, vừa tôn vinh, vừa hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, UBND huyện thành lập, khai trương sàn thương mại điện tử huyện có tên miền là http://phuxuyen.trangvangvietnam.top và đã có 325 doanh nghiệp, cơ sở đăng tin của gần 1.000 sản phẩm (trong đó có 114 sản phẩm OCOP) lên sàn thương mại. Trong những năm gần đây, năm nào Phú Xuyên cũng phối hợp với các sở, ngành của thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày, festival về sản phẩm OCOP và làng nghề. Ngoài ra, huyện giới thiệu nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP được chứng nhận tham gia tại các hội chợ do các sở, ngành của thành phố và các huyện bạn tổ chức.

Tuy có nhiều kết quả tích cực, song để Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao hơn, Phú Xuyên mong muốn được thành phố và các sở, ngành liên quan hỗ trợ thêm kinh phí cho huyện triển khai việc đánh giá chứng nhận lần đầu, chứng nhận lại sản phẩm OCOP hằng năm; hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, nông sản, nhất là sản phẩm đã được chứng nhận OCOP…

Với sự quan tâm đầu tư, làng nghề của huyện Phú Xuyên đang ngày càng khẳng định vị thế trong đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, còn dư địa lớn để phát triển sản phẩm OCOP của huyện và thành phố Hà Nội.

Đa dạng hóa các kênh bán hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ

Sau 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, Thanh Hóa đã có trên 500 sản phẩm được gắn sao, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Sau khi được công nhận sản phẩm ocop, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đa dạng hóa các kênh bán hàng nhằm quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ chỗ chỉ có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đến nay, công ty Cổ phần Chế biến Cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An, huyện Nga Sơn đã có 5 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Bộ rổ cói 3 chiếc, Bình hoa bằng cói, Khay đựng rau, quả Việt Anh, Đĩa đựng rau Salad Việt Anh Đĩa cói trang trí Việt Anh.Trong đó có 3 sản phẩm đang đề xuất nâng lên sản phẩm ocop 5 sao gồm: Bình cói, đĩa cói và rổ cói. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, công ty đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường, sản xuất phù hợp với nhu cầu khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, các sản phẩm thủ Công Mỹ Nghệ làm từ chất liệu cói, mây, bèo tây, lục bình, tre, nứa… có nguồn gốc tự nhiên được công ty xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Canada, châu Âu... Mỗi sản phẩm bình cói, rổ cói, đĩa cói của công ty đều được những người thợ lành nghề tại đây chăm chút tỉ mỉ từng công đoạn và gắn tem có chứa mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đóng gói sản phẩm để xuất khẩu.

Từ hội chợ OCOP các đơn vị đã kết nối với các doanh nghiệp để phát triển thị trường.

Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất, Chế biến Cói xuất khẩu Việt Anh cho biết: "Để sản phẩm của công ty Việt Anh ra thị trường Mỹ nó đòi hỏi nhiều yếu tố, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm thân thiện, xuất xứ rõ ràng, công ty đã có tem đính kèm nơi sản xuất, thể hiện tên tuổi địa chỉ công ty và để cho người mua biết rằng đó là sản phẩm được sản xuât tại Việt Nam".

Thanh Hóa hiện có hơn 38.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Sau 5 năm triển khai chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 535 sản phẩm OCOP, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP đều có truy xuất nguồn gốc, chứng minh tiêu chuẩn, chất lượng nên được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Đây được xem là kênh bán hàng khá hiệu quả, bền vững với sản lượng tiêu thụ chiếm 40- 50%. Bắt kịp xu hướng thị trường, đến nay đã có 219 sản phẩm OCOP của Thanh Hóa được đưa lên các sàn giao dịch điện tử như: Postmart, Nông sản an toàn, Vỏ sò, Shopee… và 100% sản phẩm đưa lên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…

Bà Phùng Thị Hoa, Cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa cho biết thêm: "Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa là sản phẩm OCOP 3 sao và tất cả các sản phẩm đều có mã COD, khách hàng truy xuất có hết thông tin sản phẩm và tìm hiểu được sản phẩm theo đúng nhu cầu của mình, nhờ đó mà lượng khách hàng được mở rộng ở hầu hết các tỉnh thành…".

Cùng với đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, một trong những kênh bán hàng đã và đang đang được tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị quan tâm thực hiện đó là Hoạt động trưng bày nông sản, thực phẩm an toàn thường niên do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Vừa diễn ra từ ngày 24 đến 28/10, hoạt động trưng bày nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 đã thu hút 216 đơn vị tham gia 260 gian hàng với gần 1.000 chủng loại sản phẩm được trưng bày, giới thiệu. Trong đó, 27 huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hóa có 49 gian hàng; tổ chức hiệp hội ngành hàng trong tỉnh 14 gian hàng; các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong tỉnh 124 gian hàng và 73 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh bạn. Đây là dịp để các hợp tác xã, doanh nghiệp, các địa phương trong và ngoài tỉnh có cơ hội giao lưu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn của mình đến với người tiêu dùng. Qua đó, doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Dương Văn Tác, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Từ hội chợ OCOP chúng tôi đã kết nối với các doanh nghiệp để phát triển thị trường, để doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang lại doanh thu trong thời gian tới… Sản lượng bán ra rất tốt mang lại doanh thu tháng này khá ổn định".

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Mỗi lần tham gia hội nghị này chúng tôi bán được nhiều hàng, nhiều khách hàng biết đến, lại có thêm đơn hàng. Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm đặc sản huyện đến người dân trong tỉnh, các đơn vị tăng kết nối trao đổi hàng hóa với nhau".

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, tính đến tháng 9/2024 Thanh Hóa hiện có 23 sản phẩm OCOP tìm được thị trường xuất khẩu. Nhiều sản phẩm ocop Thanh Hóa đã xâm nhập được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, thị trường Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia… Việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP đã góp phần tích cực quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Thứ nhất là tăng cường công tác đào tạo tay nghề cho các chủ thể; thứ 2 là tăng cường công tác xúc tiến thương mại điện tử để mở rộng thị trường; thứ 3 là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, là phải liên kết sản xuất, tiếp tục xây dựng các cửa hàng tại các khu điểm du lịch, phát triển du lịch để quảng bá sản phẩm và tăng cơ hội đẻ sản phẩm OCOP vươn ra thế giới...".

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, mở rộng hơn nữa thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tích cực, chủ động tham gia thị trường điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; Hợp tác trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình OCOP trong tỉnh và xúc tiến xuất khẩu để ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa ra "sân chơi" lớn trên thế giới.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực qua thương mại điện tử

Song song với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước và quốc tế; tham gia các hội chợ, phiên chợ, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh để quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với tổ chức các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Bắc Ninh.

Nhờ tập trung vào kênh thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của Bắc Ninh từng bước thâm nhập các thị trường lớn, tăng giá trị sản phẩm và doanh thu, góp phần quan trọng quảng bá các thương hiệu địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính.

Tỉnh Bắc Ninh xác định, giai đoạn 2022-2025, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh; sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật trong hoạt động này, tháng 8/2023, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị “Ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung - cầu sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của Bắc Ninh với thị trường trong nước và quốc tế với sự tham gia 500 đại biểu là các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; các chuyên gia, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn; sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, trong đó có kế hoạch số 716/KH-UB của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đã xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.

Để hỗ trợ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bán trên các sàn thương mại online, như: Sen đỏ, Lazada, Vỏ sò… cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và nhanh chóng.

Quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức hội chợ, triển lãm để thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng; tập huấn tạo dựng video quảng bá sản phẩm nông sản, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên số lượng và sản lượng nông sản an toàn, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thách thức do phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội từ nước ngoài; thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi mua hàng trực tuyến do những nguyên nhân như hàng chất lượng kém so với quảng cáo, lo ngại lộ thông tin cá nhân…

Những vấn đề này đặt ra những yêu cầu về chính sách của tỉnh trong hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; điều kiện và tiêu chuẩn để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; các biện pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với tổ chức các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…

Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động…

Cùng với đó, đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp nhằm tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn tỉnh./.

 

Thanh Tâm (t/h theo truyenhinhthanhhoa.vn, hanoimoi.vn, moit.gov.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top