Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.
Đây là trang trại nuôi trùn quế của HTX Nông Lâm nghiệp Tây Bắc Phúc Yên tại thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hoà (thành phố Lào Cai). HTX nuôi con trùn quế trên diện tích 1.000m2. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 300 tấn phân trùn quế và 10 tấn trùn tươi cho gia súc, gia cầm, thủy cầm, giải quyết việc làm cho trên 10 lao động là đồng bào dân tộc với mức lương trên 8 triệu đồng/người.
Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nông dân đi tham quan học hỏi mô hình
Trước đây, HTX trồng 15ha chuối, 30ha quế phải mua phân hóa học với chi phí trên 150 triệu đồng/năm. Đến nay, nguồn phân trùn quế đã đảm bảo được cho toàn bộ diện tích cây trồng này, đồng thời còn có thể cung cấp cho bà con có nhu cầu.
HTX nông lâm nghiệp Tây Bắc Phúc Yên cho biết, phụ phẩm nông nghiệp như: phân trâu, bò, rơm, rạ, cây chuối, ngô, cỏ, rau củ quả hư hỏng... nếu biết cách sử dụng sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào giá rẻ, sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ.
Học hỏi kinh nghiệm từ thực tế
Nuôi giun trùn quế không khó, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và không tốn nhiều công chăm sóc. Trùn quế lại là nguồn thức ăn giàu đạn để chăn nuôi gia cầm, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon. Phân trùn quế là loại phân hữu cơ, giàu chất dinh dưỡng, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện đất kém màu mỡ, giúp tăng năng suất cây trồng. Khi nuôi giun trùn quế sẽ tạo thành mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây của gia đình. Đặc biệt, mô hình nuôi giun trùn quế còn góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường.
Xử lý phụ phẩm nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường.
Tại đây, cán bộ, hội viên Hội nông dân huyện Bảo Yên đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và được HTX hướng dẫn cụ thể các công đoạn xây dựng khu nuôi, lựa chọn giống thức ăn, kỹ thuật nuôi dun trùn quế để cho thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế.
Nông dân cùng nhau học hỏi kinh nghiệm trong xử lý rác thải hữu cơ, từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng trong áp dụng phương pháp chuyển hóa chất hữu cơ, thay đổi hành vi, nhân rộng ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.