Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024 | 10:47

“9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Bén duyên” với chồn hương từ khi đi làm thêm

Hai trại chồn hương của anh Phạm Minh Phương (SN 1993, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) hiện nuôi trên 500 con, trong đó khoảng 200 chồn sinh sản,  300 chồn con và chồn hậu bị. Chồn hương giống bán với giá 10 - 15 triệu đồng/đôi, chồn hương thương phẩm 1,8 - 2 triệu đồng/kg. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi chồn hương, anh Phương cho hay, khi là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, anh đã bén duyên với việc nuôi chồn hương. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, anh vừa học vừa làm thêm tại một nhà hàng chuyên về đồ rừng và biển. Cũng chính ở nhà hàng này, món cầy hương (tức chồn hương) được nhiều người lựa chọn bởi nó thuộc hàng quý hiếm, món ăn gần như chỉ dành cho người có thu nhập cao.

Hiện nay anh Phạm Minh Phương đang có hai trại nuôi chồn hương với quy mô 500 con.

Mỗi lần nhập chồn hương về phục vụ khách, nhà hàng hay nhập với số lượng lớn, 15-20 con. Được sự tín nhiệm của chủ quán, Phương được giao hàng ngày cho chồn hương ăn uống và theo dõi sức khỏe những chú chồn nhập về khi chưa có khách đặt.

Cũng trong khoảng thời gian này, Phương học được nhiều kinh nghiệm nuôi chồn. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, anh về Hải Phòng làm việc. Nhận thấy giá trị kinh tế từ chồn hương mang lại khá cao, trong khi đó lại không mất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi và thời gian chăm sóc, sẵn có kinh nghiệm, anh tìm mua mấy đôi chồn hương về nuôi thử.

Thức ăn chủ đạo của chồn hương là chuối.

Anh Phương cho biết, do chồn hương là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nên tôi phải xin phép Hạt Kiểm lâm Thủy Nguyên để thực hiện mô hình. Khi được cấp phép, tôi bắt tay vào nuôi, tuy nhiên, do kinh nghiệm thực tế chưa nhiều và chồn hương cũng chưa quen môi trường sống, chúng lười ăn uống và lần lượt đổ bệnh rồi chết. Những con khác thì xổng chuồng đi mất.

Dù thất bại, Phương vẫn không nản lòng, kiên trì và quyết tâm khởi nghiệp từ chăn nuôi chồn hương. Năm 2015, anh mua thêm chồn về nuôi. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, may mắn đã mỉm cười với anh, đến năm 2019, chồn hương mẹ đẻ lứa con đầu tiên.

Khi chồn hương sinh sản thành công cũng là lúc anh Phương biết mình đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật nuôi, bắt đầu cho chồn hương sinh sản và bán con giống cho đến nay.

Trải qua nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương có thu nhập cao nhờ nuôi chồn hương.

Bà Lại Thị Chuyển (mẹ anh Phạm Minh Phương) cho biết: Ngày đầu khi Phương mang chồn hương về nhà nuôi, tôi cũng thấy ái ngại. Không biết Phương nuôi con gì mà còn không cho người vào xem. Sau những lần nuôi chồn thất bại, tôi thấy nản về con đường khởi nghiệp của con. Bởi tôi chưa thấy ai nuôi chồn bao giờ, sợ Phương nuôi lại chẳng bán được cho ai. Nhất là khi thấy con chồn hương bé tí mà cũng có giá bán như một con bê. Cho đến khi có người đến hỏi mua con chồn đầu tiên, tôi không khỏi lo lắng liệu họ có đồng ý mua không. Với thành quả hiện nay tôi mới thấy Phương lựa chọn nuôi chồn là hướng đi đúng đắn.

Mô hình triển vọng

Ngày tháng trôi qua, đàn chồn hương khỏe mạnh, sinh sản nhiều lên, việc chăn nuôi chồn cũng bận rộn hơn, Phương quyết định nghỉ việc ở doanh nghiệp để ở nhà để chuyên tâm vào việc nuôi chồn.

Chia sẻ kinh nghiệm, Phương cho hay, khi bắt đầu nuôi chồn giống không hề dễ dàng, bởi chồn hương cần được thích nghi với môi trường sinh sống. Việc thuần hóa giống chồn hương tại nhà khó hay dễ phụ thuộc vào sự đam mê, kiên trì của chính người nuôi. Bước đến thành công trong nghề là cả một chặng đường dài, đầy rủi ro và vất vả. Có người giàu lên từ chồn, cũng có người sạt nghiệp vì chồn.

Để tiện chăm sóc chồn hương, anh Phương lắp hệ thống uống nước tự động.

Theo Phương, chồn hương tính đến thời điểm này vẫn là vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Chi phí thức ăn trung bình cho mỗi con chồn chỉ khoảng 2 - 3 nghìn đồng/ngày, thức ăn chủ yếu là chuối chín, ốc, cá, gà thải loại... Tuy nhiên, để chồn hương không mắc bệnh tiêu chảy, anh chỉ cho ăn 1 hoặc 2 món chủ đạo như chuối hoặc gà thải.

Thông thường chồn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7. Chồn con khi được 35 ngày tuổi có thể cho tập ăn thức ăn của mẹ, cho đến khoảng 8 tháng bắt đầu được xuất bán. Mỗi năm anh Phương bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ bán chồn hương giống và thịt.

Nuôi chồn hương đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Phương, được coi là mô hình phát triển kinh tế đầy triển vọng cho người dân địa phương.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top