Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 | 14:25

Tiên phong nuôi dúi, chàng trai Tày tạo sinh kế mới

Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Hoàng Văn Nghinh ở bản Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) đã tiên phong nuôi dúi, loài động vật hoang dã giàu tiềm năng kinh tế.

Nghinh đã tận dụng được thế mạnh của địa phương để thực hiện thành công mô hình nuôi dúi, mở ra hướng sinh kế cho bản làng.

Làm giàu tại thôn bản

Sinh ra và lớn lên ở thôn bản còn nhiều khó khăn, Hoàng Văn Nghinh gắn bó với ruộng nương và chăn nuôi từ nhỏ. Sống trong gia đình có truyền thống chăn nuôi, Nghinh được thừa hưởng cơ ngơi và kinh nghiệm từ bố mẹ. Tuy nhiên, anh luôn trăn trở với bài toán làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và phương tiện sản xuất hạn chế. Đó cũng là động lực thôi thúc anh luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức chăn nuôi.

Hoàng Văn Nghinh chia sẻ về cách chăm sóc dúi.

Năm 2017, Nghinh quyết định bắt tay vào nuôi lợn với  35 lợn nái, 250 con lợn thịt và một lợn đực giống, áp dụng theo mô hình hiện đại, có tính toán kỹ lưỡng. Nghinh cho biết: “Một năm, lợn nái có thể đẻ  2,2 lứa, như vậy mỗi con nái cho ra 30 lợn con. Nếu tính giá trung bình mỗi  lợn con bán được khoảng 2 triệu đồng, thì một năm thu từ đàn lợn con có thể lên tới hàng trăm triệu đồng”.

Chủ động chăm sóc, phòng bệnh và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, nên đàn lợn của anh phát triển ổn định và chất lượng thịt tốt, được thương lái đánh giá cao, nhờ đó đầu ra luôn ổn định. Điều này giúp anh yên tâm mở rộng sản xuất và tính toán những bước đi xa hơn trong phát triển kinh tế.

Nghinh nhận ra tiềm năng từ thiên nhiên nơi anh sinh sống, những rừng tre, trúc tự nhiên là môi trường hoàn hảo để phát triển loài dúi, loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao nhưng ít người nuôi dưỡng. Anh dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin và tham khảo kinh nghiệm của những người đã nuôi dúi thành công ở nơi khác. Từ sự nhạy bén và tinh thần cầu tiến, Nghinh quyết định mở hướng nuôi dúi, một lựa chọn táo bạo khi nhiều người vẫn còn e ngại với loài vật này.

Ban đầu, anh mua 50 con dúi bố mẹ với giá 2,5 triệu đồng mỗi cặp. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nuôi thử xem thế nào, nhưng không ngờ dúi lại dễ chăm sóc đến vậy,” anh nói. Dúi ăn các loại thức ăn dễ kiếm như thân cây sắn, tre, cây chít, tất cả được anh nghiền nhỏ bằng máy để chúng dễ tiêu hóa. Khi dúi mẹ sinh, anh bổ sung  cám, bột tre và cơm để giúp chúng khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

Sau 9 tháng nuôi, anh ghép phối thành công 30 cặp dúi, và số lượng đàn đã tăng lên  200 con. Dúi sinh sản nhanh, mỗi con mẹ có thể đẻ từ 5 đến 6 con một năm. Dúi con sau 60 ngày có thể bán với giá từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng /đôi, còn dúi   trưởng thành, nặng khoảng 1,5 kg/con, bán với giá 500.000 đồng/kg.

Dúi có nhiều loại nhưng Nghinh đầu tư vào dúi Má Đào và dúi Mốc. Mỗi cặp dúi Má Đào giống có giá  6 triệu đồng, nhưng giá trị kinh tế mà chúng mang lại rất lớn. “Dúi Má Đào có trọng lượng khoảng 3kg/con, bán   với giá 700.000 đồng/kg. Dù giống đắt nhưng lợi nhuận cao, và quan trọng là thị trường tiêu thụ rất ổn định”, anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, dúi Mốc có trọng lượng nhỏ hơn, chỉ 1,5kg/con, giá bán cũng rẻ hơn   nhưng vẫn cho thu nhập ổn định. Việc nuôi kết hợp cả hai loại dúi giúp  Nghinh đa dạng hóa sản phẩm và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các đối tượng khách hàng khác nhau.

Mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng hành trình của  Nghinh không hề bằng phẳng. Ban đầu, việc tìm hiểu và nuôi dúi còn mới mẻ và đầy thách thức, không có nhiều mô hình sẵn để học hỏi. Anh phải tự mày mò nghiên cứu, từ việc xây dựng chuồng trại cho đến kỹ thuật chăm sóc và sinh sản. Nhiều lần đối mặt với những khó khăn về kỹ thuật, đàn dúi bị bệnh, nhưng anh không bỏ cuộc. “Mình luôn nghĩ rằng, chỉ cần kiên trì và không ngừng học hỏi thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua”, Nghinh tâm sự.

Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên

Nghinh cho biết, nuôi dúi có thể khai thác tiềm năng của thiên nhiên ở địa phương để phát triển kinh tế một cách ổn định vì ở xã Vĩnh Yên có những điều kiện thuận lợi như đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp, và nguồn thức ăn phong phú, không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo ra sản phẩm thịt sạch và an toàn. Dúi có khả năng sinh sản nhanh và dễ chăm sóc, trong khi thịt dúi được thị trường ưa chuộng, là món ăn đặc sản được nhiều người tiêu dùng tìm kiếm. Thực tế cho thấy, chỉ trong một năm, từ một cặp dúi giống, Nghinh có thể thu hoạch hàng chục con dúi con, góp phần đáng kể vào thu nhập gia đình.

Nghiền thân tre làm thức ăn cho dúi.

Nghinh đã tìm hiểu sâu về đặc tính sinh học của loài này để tạo điều kiện sống tốt nhất cho chúng. Dúi là loài nhạy cảm với nhiệt độ và môi trường xung quanh, đặc biệt vào mùa đông, chúng dễ bị viêm phổi, viêm răng hoặc tiêu chảy.

“Chuồng dúi của tôi được lợp mái cọ, che chắn kỹ lưỡng khi trời lạnh, và mùa hè thì lắp thêm quạt gió hơi nước để giữ nhiệt độ ổn định trong khoảng 25-28 độ C”, anh giải thích. Môi trường sống yên tĩnh, mát mẻ và sạch sẽ đã giúp dúi phát triển khỏe mạnh và hạn chế tối đa dịch bệnh. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ và máy móc, Nghinh đã tự sản xuất thức ăn cho dúi từ những nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Việc sử dụng máy nghiền nhỏ cây sắn, cây tre và các loại thức ăn khác giúp anh tiết kiệm chi phí và đảm bảo thức ăn luôn tươi ngon cho đàn dúi. Anh chia sẻ: “Tôi muốn mọi người thấy rằng, chỉ cần tận dụng đúng tài nguyên thiên nhiên và có kiến thức, ta có thể thay đổi cuộc sống. Chúng ta có rừng, có đất, chỉ cần  biết cách khai thác thì sẽ không lo đói nghèo”.

Thời gian tới, Nghinh dự định mở rộng mô hình nuôi dúi và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn. Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho bà con trong vùng, với hy vọng mô hình này sẽ lan rộng, giúp cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân. Bà con không cần phải đi xa mà vẫn có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top