Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 8 năm 2024 | 9:51

Đưa mô hình trồng mận xanh đường thành sản phẩm OCOP

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai thực hiện.

Vài năm trở lại đây, cây mận xanh đường (miền Bắc gọi là cây roi) được bà con huyện Long Phú trồng sinh trưởng, phát triển tốt, được thị trường ưa chuộng, qua đó, giúp nông dân có thu nhập khá.

Hiệu quả kinh tế cao

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ, ông Nguyễn Hồng Sơn (ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu) đã gắn bó với ruộng vườn và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 1999, ông được người thân cho 2 cây giống mận xanh đường và đem về trồng. Đến năm 2019, ông bắt đầu chiết nhánh và nhân rộng loại giống cây mận này. Hiện tại, ông có hơn 600 cây, trồng trên diện tích gần 14.000m2, trong đó có trên 300 cây 6 năm tuổi cho trái và đang thu hoạch. Theo ông Sơn, giống mận này ra trái quanh năm, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, sẽ đạt khoảng 12 trái/kg, đặc ruột và ăn rất ngọt, người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Cây mận xanh đường cho gia đình ông Sơn thu nhập cao.

Ông Sơn cho biết: “Với hiệu quả kinh tế mang lại, tôi sẽ trồng thêm khoảng 1.500 gốc mận xanh. Hệ thống ở đây cũng làm nhà lưới, bắt đầu cho trái là làm nhà lưới. Tôi đang chuẩn bị làm đường rộng khoảng 1,5m, hai năm nữa sẽ mở cửa cho bà con đến tham quan”.

Để bảo vệ trái mận, ông Sơn sử dụng màng lưới bao phủ nhằm hạn chế tối đa các loài sâu bệnh gây hại và tránh bị ruồi vàng đục trái. Cách làm giúp ông giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trồng mận xanh đường bón rất ít phân, đến khi tiến hành bao trái thì không bón thêm phân nữa. Nhờ đó giúp nhà vườn tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận.

Ông Trần Huệ Trí, Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thứ,  chia sẻ: “Mận xanh đường phải bọc lưới hay là làm nhà lưới, bởi mận này ngọt nên sâu rất thích ăn, nếu không bọc lưới hoặc không làm nhà lưới sẽ bị sâu hại rất nhiều, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng trái”.

Với giá bán dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg, cùng với thu hoạch quanh năm, trừ chi phí, gia đình ông Sơn thu lãi trên 300 triệu đồn/năm. Nhận thấy mô hình trồng mận xanh đường mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Sơn không chỉ dự định mở rộng thêm diện tích mà còn chiết nhánh bán cây giống cho nhiều hộ dân để phát triển mô hình.

Nhân rộng mô hình và nâng lên thành sản phẩm OCOP

Nói về mô hình trồng mận xanh đường tại địa phương, ông Võ Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu, chia sẻ: “Mận xanh đường này nếu mở rộng phát triển thì Hội Nông dân sẽ thành lập chi hội nghề nghiệp trước, sau đó nhân rộng thì mở Tổ hợp tác, nếu nhân rộng thêm nữa thì mở HTX, sau đó đề nghị công nhận sản phẩm OCOP; đầu ra hiện nay phụ thuộc vào thương lái, Hội Nông dân kiến nghị đến các ngành chuyên môn để xây dựng mô hình, sau đó ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để đầu ra giá cả ổn định, nông dân yên tâm sản xuất”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, toàn huyện hiện có hơn 10ha mận xanh đường. Huyện đã triển khai hỗ trợ cho nhà vườn thực hiện mô hình. Hầu hết các mô hình đều đã cho trái đạt năng suất tốt. Với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định trong thời gian qua, có thể nói, mận xanh đường là  cây trồng có nhiều tiềm năng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Đây cũng là loại cây trồng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết và đất trồng khác nhau, cho trái quanh năm, năng suất cao, ổn định và được thị trường ưa chuộng. Mô hình góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top