Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.
Trang trại ổi này là một trong những mô hình nông nghiệp điển hình trong phong trào khởi nghiệp, tiến tới đăng ký sản phẩm OCOP.
Trồng ổi vừa lấy quả, vừa thu lá
Trang trại ổi rộng hơn 5.000m2, được chị Thúy đầu tư từ những năm sau đại dịch Covid-19 (năm 2020). Đến nay, có lẽ khu vườn này không còn quá xa lạ đối với người dân thôn Miếu Bông, bởi chủ nhân khu vườn không ai khác chính là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của xã Hoà Phước. Đây là sự mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, trước quá trình đô thị hoá mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng, tạo điểm nhấn về khu vườn trong phố thị sầm uất.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Hoà Phước hướng dẫn chị Đỗ Thị Thanh Thuý về kỹ thuật chống sâu hại cho trái ổi bằng màng bọc.
Khác với một số vườn ổi thông thường, khu vườn của chị Thuý được định hướng vừa phát triển về sản phẩm từ trái ổi, vừa phát triển sản phẩm từ lá ổi, đặc biệt là giống ổi lê Đài Loan. Chính vì trồng ổi lấy lá, nên kỹ thuật đối với chăm sóc cây ổi có phần khắt khe và kỹ lưỡng hơn so với canh tác ổi theo hướng chú trọng vào trái.
Theo chị Thuý, quan niệm trồng ổi trước đây là để rụng lá tự nhiên, hoặc khi cắt tỉa cành tạo tán, tạo nhánh thì cũng chỉ để lá khô, hoai mục dưới đất. Thế nhưng, với những đặc tính về y học, lá ổi dần được săn lùng như bài thuốc quý mà dễ tìm. Trong lá ổi có nhiều hoạt chất berbagia có khả năng kháng khuẩn, làm săn niêm mạc và cầm tiêu chảy hiệu quả. Ngoài ra, lá ổi còn hỗ trợ giảm cân, điều trị dị ứng, tăng cường hệ miễn dịch, kiểm soát bệnh tiểu đường…
Do đó, hiện nay, các cơ sở sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng thu mua lá ổi khá nhiều. Chính vì vậy, không chỉ tập trung trồng ổi lấy trái, chị Thuý chăm sóc cây ổi hoàn toàn theo hướng hữu cơ, nói không với bất kỳ loại thuốc trừ cỏ, thuốc sâu nào để thu hoạch cả trái lẫn lá. Dần dần tạo dựng cho khu vườn không chỉ những sản phẩm từ trái, mà còn là những sản phẩm tốt cho sức khoẻ từ lá ổi.
Từ khu vườn nhỏ, chị Thuý hiện nay đã sở hữu vườn ổi rộng hơn 5.000m2 giữa đô thị Đà Nẵng.
Để trồng được cây ổi tốt trái lẫn lá, mà đảm bảo mọi chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy trình chăm sóc cây ổi phải cực kỳ khắt khe. Cây ổi từ lúc nhỏ đến trưởng thành phải bắt buộc bón hoàn toàn bằng phân tự ủ, phân hữu cơ, chỉ một lượng nhỏ phân bón được mua từ nguồn bên ngoài. Đối với cỏ dại, phải diệt hoàn toàn bằng thủ công, cũng như một số biện pháp hữu cơ nhằm chống lại sự phát triển của cỏ.
Công việc khó khăn nhất chính là trừ sâu hại, chị Thuý đã sử dụng phương pháp điều chế dung dịch chống sâu hại bằng củ tỏi, kết hợp với một số loại thảo dược có sẵn trong tự nhiên. Mặc dù tốn khá nhiều công sức, nhưng đổi lại, kết quả sẽ là vườn ổi sạch, 100% hữu cơ, an tâm về chất lượng trái ổi cũng như lá ổi.
Tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP
Từ khu vườn ổi diện tích 2.500m2 ban đầu, đến nay, với sự nỗ lực không ngừng, chị Thuý đã xây dựng được khu vườn rộng hơn 5.000m2, với trên 500 cây ổi trĩu quả, sum suê lá. Nhờ chăm sóc tốt, cây ổi thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cây qua 8 tháng trồng đã có thể cho trái.
Sản phẩm trà lá ổi do chính tay chị Thuý sản xuất hứa hẹn là sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong tương lai.
Hiện trang trại ổi của chị Thúy đang phát triển khá tốt. Hàng tháng, chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 500kg ổi các loại. Sản phẩm ổi của chị Thúy đến kỳ thu hoạch được thương lái thu mua tại vườn với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy thời điểm, tùy loại ổi), trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.
Cây ổi lê Đài Loan có thể trồng quanh năm nhưng theo chị Thuý, tốt nhất nên trồng vào mùa xuân. Từ lúc trồng đến khi ra hoa chỉ khoảng 8 tháng, từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 2-2,5 tháng. Cây ổi lê Đài Loan có khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Không chỉ giỏi làm nông nghiệp, chị Thúy còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, cung cấp cây giống cho bà con nông dân khi có nhu cầu. Ngoài ra, trang trại của chị Thúy còn tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Bà Đinh Thị Ánh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, nhận xét: “Trang trại trồng ổi của chị Thúy là một trong những mô hình nông nghiệp điển hình của xã Hòa Phước trong phong trào khởi nghiệp. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình nông nghiệp hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.
Cũng theo bà Châu, hiện một số sản phẩm từ cây ổi được sản xuất tại khu vườn của chị Thuý đã được xã hướng dẫn làm thủ tục để công nhận sản phẩm chuẩn OCOP, tạo cơ hội để hướng đến thị trường nông sản sạch trên địa bàn thành phố.