Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2024 | 15:41

“Làm chơi ăn thật” nhờ nuôi sâu canxi

Ông Thèn Văn Trọng, dân tộc Nùng, ở thôn Cốc Tủn, xã Phong Niên (Bảo Thắng - Lào Cai) đã tìm ra hướng đi mới trong chăn nuôi gia cầm từ nuôi sâu canxi.

Nhờ nguồn sâu canxi giàu protein và dinh dưỡng, đàn gia cầm của ông không chỉ phát triển nhanh mà còn giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, góp phần bảo vệ môi trường.

“Làm chơi ăn thật”

Trong một buổi sáng se lạnh, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Thèn Văn Trọng. Mô hình nuôi sâu canxi mà ông nghĩ “làm cho biết” đang tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình.

 Ông Trọng cho sâu canxi ăn bã đậu.

Tháng 8/2023, ông Trọng được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai hỗ trợ một lọ giống sâu canxi và khay nuôi. Cán bộ cũng hướng dẫn ông kỹ thuật nuôi, từ việc chọn khay, vệ sinh môi trường nuôi, đến chế độ dinh dưỡng cho sâu. “Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ làm chơi cho vui, không ngờ lại mang lại hiệu quả kinh tế cao đến vậy”, ông Trọng chia sẻ. Từ một lọ con giống nhỏ, ông đã nuôi thành công được 20 kg sâu. Khi sâu bắt đầu nở, sau khoảng 10 - 15 ngày, ông có thể thu hoạch  làm thức ăn cho đàn gà.

Nuôi loại sâu này vô cùng dễ, sử dụng thức ăn chủ yếu là bã đậu, hoa quả rụng, các loại lá, cây cỏ cùng với cơm thừa, canh cặn của gia đình và xin quanh làng. Những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi này đã giúp ông tiết kiệm chi phí đáng kể. Sau khoảng 28 - 29 ngày nuôi, sâu chuyển hóa thành nhộng, thời điểm mà hàm lượng canxi trong chúng cao nhất. Ông đã thử nghiệm cho đàn gà 100 con ăn sâu, và kết quả là rất khả quan. Ông chia sẻ: “Bữa ăn của 100 con gà chỉ cần một vốc sâu là đủ thay thế cho 4 gáo ngô hạt, tiết kiệm được tiền mua thức ăn chăn nuôi so với trước đây”.

Nhờ nguồn thức ăn giàu canxi, đảm bảo vệ sinh, đàn gia cầm của gia đình ông Trọng phát triển khoẻ mạnh, chất lượng thịt tốt hơn.

Kể từ khi chuyển sang cho gà ăn sâu, ông nhận thấy gà lớn nhanh, lông mượt óng, thịt chắc và thơm ngon hơn. Đặc biệt, gà phát triển đồng đều, khoẻ mạnh và không mắc dịch bệnh. Với nguồn thức ăn này, chất lượng gà cũng khác biệt hẳn.

Chỉ tay sang phía nhà ông Tải A Lài cùng thôn, ông Trọng cho biết: “Thấy việc tận dụng những nguyên liệu thực phẩm thừa và các phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho sâu tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên, an toàn và dinh dưỡng cho gia cầm, ông Lài cũng nuôi sâu can xi như gia đình tôi, hiện đàn gà khoảng 100 con nhà ông ấy khoẻ mạnh và phát triển tốt”.

Không chỉ làm ruộng, nương, chăn nuôi gia cầm, gia đình ông Trọng còn có nghề làm đậu phụ. Mỗi ngày trung bình ông sản xuất khoảng 20kg đỗ tương, được 60kg đậu phụ bán ra thị trường; khoảng 20kg bã đậu thải ra là nguồn thức ăn chính nuôi sâu.  Đến nay, ông Trọng mở rộng mỗi vòng giống thu được 30kg sâu, cứ liên tục gối nhau làm thức ăn cho 50 con gà và 50 con ngan, vừa lấy thịt, vừa thu trứng. Ông dự định mở rộng quy mô nuôi sâu, không chỉ phục vụ cho đàn gà của gia đình mà còn cung cấp cho các hộ khác trong vùng.

Hiệu quả cao và tác động tích cực đến cộng đồng

Sau một năm duy trì mô hình nuôi sâu canxi, ông Trọng đã thu hoạch được ba lứa ngan và gà, với giá bán cao hơn so với trước đây. Ông nhẩm tính, ngan đực được bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Với mỗi lứa khoảng 50 con ngan, trung bình mỗi con nặng 3kg, doanh thu ước đạt khoảng 15 triệu đồng. Nuôi 50 con gà, với giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg, trung bình mỗi con nặng khoảng 2kg, có thu 15 triệu đồng mỗi lứa. Nhờ vào sự kết hợp giữa nuôi ngan và gà, tổng doanh thu từ chăn nuôi của gia đình ông Trọng đạt khoảng 90 triệu đồng/năm, tạo thành một nguồn thu ổn định và bền vững, giúp gia đình có thể trang trải chi phí sinh hoạt và đầu tư cho các hoạt động khác.

Những khay sâu béo mầm sắp được thu hoạch.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi gà thịt, ông Trọng còn dự định mở rộng mô hình nuôi gà đẻ khi thấy gà đẻ nhiều trứng hơn trước và trong một lứa ấp 101 trứng, tỷ lệ nở đạt gần 100%. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn giống mà còn tạo ra thu nhập bổ sung từ việc bán gà con, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với giá bán trứng dao động 2.000 - 3.000 đồng/quả, gia đình có thu khoảng 30 triệu đồng/năm.

Nhờ vào việc áp dụng phương pháp nuôi thả tự nhiên, kết hợp với việc sử dụng nguồn thức ăn an toàn và đảm bảo vệ sinh, gia cầm của gia đình ông Trọng luôn nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Có thời điểm, nhu cầu vượt quá cung, khiến ông phải từ chối nhiều đơn đặt hàng.

Ông Trọng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi sâu canxi cho các hộ nông dân khác, giúp họ nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc nuôi trồng an toàn và bền vững. Nỗ lực của ông Trọng không chỉ làm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp trong cộng đồng, mà còn mở ra hướng đi mới, khuyến khích nhiều người cùng nhau phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. 

Hy vọng rằng, trong tương lai, mô hình nuôi sâu canxi sẽ được nhân rộng, không chỉ ở Bảo Thắng mà ở nhiều địa phương khác.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top