Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024 | 9:40

Thu trái ngọt từ núi đá Nậm Dù

Sau nhiều năm gắn bó với vườn đồi, ông Trần Hữu Quân ở thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai) đã tích lũy cho mình kinh nghiệm quý trong trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, chỉ từ khi có sự hỗ trợ từ HTX Nậm Dù, ông mới mạnh dạn chuyển sang trồng na, và thành quả ngọt ngào từ những triền đồi xanh mướt đã mang lại cho ông thu nhập cao, góp phần làm cho vùng núi đá thêm hướng phát triển mới.

Bội thu từ những cành na trĩu quả

Trong ánh nắng ban mai, vườn na của ông Trần Hữu Quân trải một màu xanh mướt mắt. Ngắm những cành na sai quả, ông không dấu được niềm phấn khởi tự hào. Hành trình từ những ngày đầu trồng xen canh cho đến khi thu hoạch là sự nỗ lực không ngừng nghỉ và những bài học quý giá trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều năm trước, ông Quân đã gắn bó với nhiều loại cây ăn quả khác như nhãn, vải và xoài. Quá trình chăm sóc, ông nhận thấy gần 40 gốc na trồng xen với các loại cây khác lại rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương. Trong khi, những loại cây khác không đạt hiệu quả kinh tế cao như mong đợi. Thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh thường xuyên làm giảm năng suất, nên ông quyết định lấy na là cây trồng chính.

Ông Trần Hữu Quân rất chú trọng áp dụng KHKT trong chăm sóc cây na.

Đặc biệt, sự hỗ trợ từ Hợp tác xã Nậm Dù đã giúp ông Quân có được những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật trồng na. Từ khâu chọn giống, tưới tiêu đến quản lý dinh dưỡng cho cây, các chuyên gia của hợp tác xã đã trực tiếp hướng dẫn ông. Với sự kiên trì và kinh nghiệm tích lũy qua từng mùa vụ, ông dần hoàn thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhờ đó, ông đã áp dụng thành công các phương pháp canh tác hiện đại, nâng cao chất lượng và năng suất quả. “Na là cây dễ trồng, ít sâu bệnh và cho trái quanh năm,” ông Quân cho biết. Nhờ đó, ông có thể thu hoạch liên tục, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Đổ tâm huyết và công sức vào diện tích 1,8ha trồng trên 1.000 gốc na, gia đình ông Quân thu hoạch chính vụ na vào tháng 8-9 hàng năm. “Với mỗi vụ na, tôi thu hoạch khoảng 6 tấn quả, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thu về khoảng 240 triệu đồng - 300 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình tôi nâng cao cuộc sống và mở rộng sản xuất”, ông Quân chia sẻ.

Chỉ tay về phía những triền đồi trước mặt, ông cho biết, trước là vùng đồi trọc, cằn cỗi nhưng nay màu xanh đã bao trùm. Ông nói thêm, đó là màu xanh của  những gốc na mới 4-5 năm tuổi được ông nhân giống từ những cây 15 - 20 năm, hiện đều đã cho thu hoạch. Nhìn những cành na sai quả, ông không chỉ nhìn thấy thành công của mình, mà còn cảm nhận được sức sống của đất đai bởi độ màu mỡ không ngừng được cải thiện.

Xây dựng niềm tin với người tiêu dùng

Mỗi ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, các thành viên trong gia đình ông Quân lại dậy sớm, bắt tay vào công việc thu hái na từ những đồi dốc. Họ làm việc chăm chỉ, từng trái na được hái từ cây, mang về nhà, sắp xếp gọn gàng để chuẩn bị cho việc phân phối. Với sản lượng trung bình 3,5 tạ na chín mỗi ngày, gia đình ông đã thiết lập được những mối quan hệ bền vững với các điểm bán hoa quả sạch và chợ đầu mối. Khách hàng đặc biệt ưa thích na của gia đình ông bởi sự róc hạt, thơm ngọt đậm, kích thước trái to đều, mịn màng. Thay vì phụ thuộc vào thương lái, ông Quân lựa chọn con đường bán trực tiếp cho khách hàng qua các đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Còn lại, ông trực tiếp mang đi bán lẻ. Ông hồ hởi khoe: “Mang bao nhiêu đi hết bấy nhiêu chỉ trong vòng buổi sáng là tôi đã trở về nhà”.

Để đạt được thành công ấy, ông Quân không chỉ dựa vào may mắn. Từ khâu chăm sóc cây cho đến thu hoạch, mọi công đoạn đều được ông theo sát và tỉ mỉ. Mỗi năm, sau khi vụ thu hoạch kết thúc, ông bắt đầu chuẩn bị cho mùa mới bằng việc tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Ông còn áp dụng các kỹ thuật tưới nước khoa học, giữ độ ẩm ổn định cho cây, giúp na phát triển tốt ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cây na dưới bàn tay ông luôn phát triển khỏe mạnh, cho ra những trái ngọt, to tròn và có hương vị đặc trưng của vùng núi đá Nậm Dù.

Ông Quân và đại diện HTX Nậm Dù thăm và trao đổi kỹ thuật chăm sóc na.

Niềm tin với người tiêu dùng không chỉ được xây dựng từ chất lượng sản phẩm mà còn từ sự tận tâm và trách nhiệm của những người làm vườn. Chính điều này đã giúp gia đình ông Trần Hữu Quân tạo dựng được thương hiệu vững mạnh trong lòng người tiêu dùng, khẳng định rằng sản phẩm từ đồi dốc của họ không chỉ là thực phẩm, mà còn là sự an tâm cho sức khỏe của mọi gia đình.

Hiện, ông Trần Hữu Quân còn ấp ủ nhiều kế hoạch cho tương lai. Ông mong muốn mở rộng diện tích trồng na, áp dụng thêm kỹ thuật canh tác để có thể thu hoạch na trái vụ, kéo dài thời gian cung ứng ra thị trường.

Ông cho biết: “Với việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc hiện đại, người trồng có thể thu hoạch na trái vụ, giúp kéo dài thời gian cung ứng ra thị trường. Na trái vụ có chất lượng tốt không kém gì na chính vụ, thậm chí đôi khi còn được ưa chuộng hơn do sự khan hiếm. Na trái vụ thường có giá bán cao hơn so với na chính vụ, dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Nếu trồng đúng kỹ thuật, mỗi hecta có thể mang lại doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, việc sản xuất na trái vụ còn giúp tạo sự đa dạng trong sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp”.

Chúng tôi tin rằng, cây na sẽ tiếp tục mang lại thành công không chỉ cho gia đình ông Quân mà còn cho nhiều bà con khác ở thôn Nậm Dù.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Nhà khoa học của nhà nông: Tạo sự đột phá trong ngành Nông nghiệp

    Nhà khoa học của nhà nông: Tạo sự đột phá trong ngành Nông nghiệp

    Những năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.

  • Hợp tác sản xuất lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn, bền vững

    Hợp tác sản xuất lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn, bền vững

    Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Bayer Việt Nam về Chương trình hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, sầu riêng, cà phê tại Việt Nam năm 2025.

  • Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở Lộc Hà

    Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở Lộc Hà

    Thông tin từ UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), sau khi phát hiện một ổ dịch ở xã Phù Lưu, ngành chuyên môn và các địa phương đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đàn lợn trên 10.000 con.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

Top