Một số vùng trũng tại tỉnh Sóc Trăng thời gian này nước dâng lên tràn đồng (thường gọi mùa nước nổi), nhiều nông dân không trồng lúa mà bao lưới xung quanh ruộng để nuôi cá đồng theo hình thức tự nhiên. Mô hình này bà con gọi là nuôi đăng quầng (quản lý cá trên đồng ruộng) cho hiệu quả kinh tế khá ổn định trong những năm qua.
Nhìn 30 công ruộng nước đầy đồng, ngập bờ được bao lưới xung quanh, ông Lê Văn Thương ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng cho biết, mô hình nuôi đăng quầng trên ruộng lúa này được ông làm khoảng 5 năm nay. Kết thúc vụ lúa Hè Thu, khi nước dâng tràn các cánh đồng, ông bắt đầu bao lưới xung quanh ruộng để giữ nuôi cá đồng tự nhiên, đồng thời thả thêm 10kg giống cá rô đồng và 10 kg giống cá mè hoa để tăng sản lượng. Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi hàng trăm con vịt. Ông Thương cho biết, từ mô hình này, ông kiếm được thu nhập cũng trên 40 triệu đồng mỗi vụ.
“Nuôi cá theo mô hình này tôi thấy rất hiệu quả, nông dân không phải bỏ đất vụ Thu Đông. Vụ này tôi nuôi được 3 tháng rồi, chắc mỗi con có trọng lượng đạt 1kg hết rồi đối với cá mè hoa. Còn cá đồng thì nhiều lắm. khi nào tới thời điểm xuống giống vụ lúa Đông Xuân mới thu hoạch cá”, ông Thương chia sẻ thêm.
Ông Lê Văn Thương ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú kiếm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi.
Xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú có địa hình trũng thấp. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, khoảng tháng 8 nước bắt đầu từ thượng nguồn đổ về kết hợp trời mưa, nước dâng lên ngập đồng nên người dân ở đây thường bỏ đồng, không trồng lúa. Mùa nước nổi thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11.
Từ vài hộ đầu tiên, hiện nay mô hình đã phát triển ở hầu hết tất cả các ấp trên toàn xã Mỹ Tú. Như ở ấp Mỹ Hoà, lâu nay bà con thường bỏ đồng không sản xuất trong mùa nước tràn đồng. Nhưng 2 năm nay, sau khi tham quan, tìm hiểu biết được hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá đăng quầng mang lại, năm ngoái đã có vài hộ kết hợp nhau thực hiện mô hình.
Ông Phạm Văn Đổi, ở ấp Mỹ Hoà cho hay, năm ngoái cả nhóm đã chọn 10ha ruộng để bao lưới xung quanh. Ngoài cá đồng còn thả thêm 50kg cá giống. Cuối vụ cũng thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, mùa nước nổi năm nay, nhóm tiếp tục mở rộng diện tích lên 20ha với gần 10 hộ tham gia. Ông Đổi cho biết, cá nhanh lớn nên thu nhập dự kiến sẽ còn cao hơn nhiều.
Cũng theo ông Đổi, vụ này, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú hỗ trợ trên 300 kg cá giống và lưới bao quanh ruộng, nông dân đối ứng vốn 50%. Đến hôm nay, trọng lượng cá đạt khoảng từ 3-5 con/kg, ruộng phía bên kia thả trước, cá đạt trọng lượng lớn hơn khoảng 2 con/kg, còn cá chép thì nhanh lớn lắm.
Sau nhiều năm triển khai, mô hình nuôi cá đăng quầng ở xã Mỹ Tú đã trở nên phổ biến. Từ vài hộ với chỉ khoảng 10 ha ban đầu nay đã phát triển lên trên 300 ha được bà con nuôi.
Ông Lê Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cho biết, mô hình nuôi đăng quầng trong những năm qua luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định. Đây là mô hình vốn đầu tư ít, dễ thực hiện, trong khi thức ăn của cá đều tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên tại ruộng. Nuôi đăng quầng không chỉ là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn trong lúc nông nhàn mà còn có lợi ích giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, tăng năng suất lúa.
Ông Khởi nhấn mạnh thêm, “đối với xã hiện tại cũng xác định mùa nước nổi người dân không thể nào sạ lúa được mà chuyển sang nuôi cá đăng quầng. Do đó, thời gian qua, UBND xã cũng đã có kiến nghị đến Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND huyện, thứ nhất là có sự hỗ trợ về giống, lưới. Thứ hai là hỗ trợ về kỹ thuật quản lý cá trên đồng ruộng đối với những hộ mới nuôi. Ngoài ra, tập huấn cho bà con để nắm bắt được kỹ thuật nuôi làm sao đạt hiệu quả cao nhất”.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi được xem là mô hình nông nghiệp bền vững, mô hình nuôi thuỷ sản “thuận thiên”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.