Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 | 21:24

Hàng ngàn hộ trồng cam sành ở Trà Vinh lao đao vì giá lao dốc

Hàng ngàn hộ trồng cam sành ở Trà Vinh đang lao đao vì giá cam giảm thấp kỷ lục và rất khó tìm thương lái thu mua. Nhiều vườn cam đã chín rụng, bán thì bị lỗ, nhưng không bán thì trắng tay.

Hiện, giá cam đẹp (loại 1) tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhiều vườn cam đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua, hoặc chỉ mua cầm chừng với giá rất thấp. Anh Phạm Văn Đăng ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: “mấy tháng nay giá cam giảm chỉ còn vài ngàn đồng/ký nhà vườn không có lãi, vì giá cam quá thấp so với khoản mà mình đầu tư. Giá vật tư thì cao, còn giá cam bán ra có lúc được 4.000-5.000 đồng/kg, rồi 3.000-4.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại cam loại 1 chỉ còn 2.000 đồng/kg mà thương lái không chịu mua nữa”.

Ông Hồ Văn Hải ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, người trồng được 4 công cam đang chín rụng cho biết, chi phí đầu tư trồng cam năm đầu bình quân là khoảng 600 triệu đồng/ha và những năm tiếp theo còn khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Với khoản đầu tư này, giá cam phải từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lãi. Hiện, giá cam quá thấp, nông dân gặp khó vì mất thu nhập, mà vật tư nghiệp cũng không thể mua thiếu như trước đây.

Người trồng cam bán không được mà neo trái cũng không xong.

“Hiện không có lãi, thậm chí 10.000đồng/kg cũng không có lãi. Nếu đất nhà thì có lãi chút đỉnh, còn đất thuê thì coi như trắng tay. Phân bón trước đây có thể mua thiếu, nhưng hiện họ không bán vì giá cam giảm họ sợ không có tiền trả” - ông Hồ Văn Hải chia sẻ.

Là một trong những người có hàng chục năm gắn bó với cây cam, ông Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa cho biết, trước năm 2021, giá cam sành thường luôn ở mức từ 18.000-30.000 đồng/kg, mỗi héc ta cam nhà vườn thu lãi cả tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, giá cam sành bắt đầu lao dốc, tết nguyên đán vừa qua giá cam chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, rồi cứ giảm dần khiến nhà vườn lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.

Ông Huỳnh Bá Nhanh bộc bạch: “Trước đây có nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí một số hộ còn làm giàu từ cây cam sành. Nhưng những năm gần đây, giá cam sành giảm rất mạnh, các hộ trồng cam không còn thu lãi nữa”.

Nguyên nhân giá cam giảm sốc được cho là cam chỉ được tiêu thụ trong nước, nhưng những năm gần đây diện tích trồng cam ở ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ liên tục tăng, theo đó sản lượng cũng tăng theo dẫn đến cung vượt cầu.

Hiện nay, chỉ riêng ở Trà Vinh đã có 4.700ha diện tích trồng cam sành, trong đó có trên 3.400ha đang cho trái, sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm. Diện tích trồng cam cứ tăng dần từng năm, chỉ riêng trong năm 2024, tỉnh này đã có thêm 500ha cam được trồng mới.

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

Top