Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước đang kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Các thành tựu nổi bật tính tới thời điểm hiện tại trong nghiên cứu chỉnh sửa hệ gen bao gồm việc nâng cao tính chịu mặn của cây lúa (Viện Công nghệ sinh học)...
Tiềm năng ứng dụng cây trồng chỉnh sửa gen
Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là một trong những giải pháp được Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó khuyến khích áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen trên cây trồng để tạo ra những giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận. Trong những năm qua, rất nghiều viện khoa học cùng các doanh nghiệp của Việt Nam đã triển khai các chương trình nghiên cứu và phát triển tính trạng cải thiện cho cây trồng sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen.
Cụ thể, các thành tựu nổi bật tính tới thời điểm hiện tại trong nghiên cứu chỉnh sửa hệ gen bao gồm việc nâng cao tính chịu mặn của cây lúa (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao tính kháng bệnh bạc lá trên giống lúa bản địa (Viện Di truyền nông nghiệp), giảm hàm lượng đường khó tiêu trên hạt đậu tương (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao hàm lượng đường và amino acid trong quả cà chua (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao tính kháng bệnh virus trên thuốc lá (Viện Công nghệ sinh học), nghiên cứu chức năng gen trên lúa và dưa chuột (Viện Công nghệ sinh học, đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)....
Hiện nay, nhiều đơn vị khác như Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc đại học Quốc gia Hà Nội, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh... cũng đang tiếp cận và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas trong cải tạo các tính trạng quan trọng của cây trồng.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho hay, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, trong đó trồng trọt là lĩnh vực đóng góp 71,5% GDP và xấp xỉ 45% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong tổng giá trị xuất khẩu hơn 22,59/53,22 tỷ USD của nông - lâm - thủy sản năm 2022, năm 2023 đạt 27,14/53,01 tỷ USD, thặng dư xuất khẩu trên 11 tỷ USD.
Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Nguyễn Xuân Định chia sẻ với báo chí về công nghệ chỉnh sửa gen.
“Trong năm 2023, có 4 ngành hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực trồng trọt đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm: Rau quả (5,69 tỷ USD), Gạo (4,78 tỷ USD), Cà phê (4,18 tỷ USD) Điều (3,63 tỷ USD). Trồng trọt là lĩnh vực góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta”, ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Định, chỉnh sửa gen thực vật là công cụ chọn tạo giống mới, nhiều tiềm năng, là công cụ quan trọng và một bước tiến trong chọn tạo giống cây trồng. Chỉnh sửa gen cho phép đưa vào cây trồng những biến đổi di truyền một cách có định hướng nhất và phát triển các giống cây trồng mới một cách có hiệu quả và chính xác hơn. Đặc biệt, nhanh chóng cho ra sản xuất giống cây trồng mới và tiết kiệm chi phí.
TS. Đặng Ngọc Chi – CropLife Việt Nam cho hay, cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước.
Theo TS. Đặng Ngọc Chi, tới nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước hiện đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường trong nước.
Sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý
Theo ông Nguyễn Xuân Định, kể từ khi bắt đầu được nghiên cứu và phát triển đến nay, số lượng các nước hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen đang ngày một tăng trên toàn cầu.
Xu hướng chung trong những hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Á là cởi mở và có tính dự và dựa trên cơ sở khoa học. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gen. Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gen cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống: Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc...
Các nước Đông Nam Á cũng đang đẩy nhanh tiến trình rà soát khung pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen. Nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á có cách tiếp cận khá tương đồng trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gen khi cân nhắc theo sản phẩm cuối, nếu sản phẩm cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được cấp phép và quản lý như cây trồng thường
Philippines là quốc gia đi đầu trong khu vực trong việc cung cấp hướng dẫn pháp lý và hiện tại đã cấp phép sử dụng và thương mại đối với một số cây trồng chỉnh sửa gen. Thái Lan và Singapore trong tháng 8/2024 vừa qua đã thông qua quy định pháp lý cho cây trồng này. Indonesia đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến.
Mặc dù không phải châu lục có các chính sách ban đầu cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, tuy nhiên Ủy Ban Châu Âu hiện đang đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung. Bên cạnh đó, một số quốc gia Châu Phi cũng đã đưa ra hướng dẫn pháp lý hoặc đệ trình các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Định cũng đề xuất các doanh nghiệp tham gia cùng các Viện, các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen để cải tạo các giống nền đã được lưu hành và đang có diện tích lớn ngoài sản xuất, giống được nông dân ưa chuộng và đáp ứng yêu cầu thị trường. Doanh nghiệp có thể đặt hàng các viện nghiên cứu nhằm chọn tạo các giống khác biệt từ đó tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
"Các nhà khoa học, chuyên gia cần thông tin và chuyển tải các đánh giá tác động về cây trồng chỉnh sửa gen (tác động với môi trường sinh thái, mức độ an toàn khi sử dụng làm thực phẩm hay thức ăn chăn nuôi...) để dư luận và các nhà quản lý, xây dựng chính sách hiểu rõ.
Truyền thông về chỉnh sửa gen cần làm mạnh mẽ hơn nhằm định hướng quan điểm và dư luận xã hội, phân biệt công nghệ chỉnh sửa gen, biến đổi gen và các công nghệ lai tạo giống khác. Chính phủ, các Bộ ngành liên quan sớm xây dựng các quy định nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, minh bạch các thông tin để các doanh nghiệp an tâm khi ứng dụng và hợp tác trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng bằng công nghệ chỉnh sửa gen," ông Nguyễn Xuân Định mong muốn.
TS. Đỗ Tiến Phát, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất, cần xây dựng chiến lược và định hướng trong phát triển và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen.
TS. Đỗ Tiến Phát Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đề xuất, cần xây dựng chiến lược và định hướng trong phát triển và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen. Và có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong cải tạo giống cây trồng. Đồng thời sớm xây dựng hành lang pháp lý và hướng dẫn trong việc phát triển và ứng dụng sản phẩm cây trồng chỉnh sửa gen. Và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp và cộng đồng cùng đồng hành với các nhà nghiên cứu để đưa được các sản phẩm tiềm năng phục vụ sản xuất.
Đại diện CropLife Việt Nam cho hay, giống cây trồng được tạo ra bằng những phương pháp cải tiến không nên được đánh giá và quy định khác biệt so với cây trồng thông thường nếu chúng là tương đương hoặc không thể phân biệt so với giống cây được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
"Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hoá tiềm năng của công nghệ, đồng thời đảm bảo được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung", đại diện CropLife Việt Nam chia sẻ./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Quyết định số 503/QĐ-UBND về việc phát triển Đề án kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024 – 2025 đặt ra bốn nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đề án.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.