Trong mảnh vườn nhỏ 80m2, một chàng trai 26 tuổi ở Cần Thơ đã gác bằng kỹ sư, mạnh dạn khởi nghiệp với loại cây kiểng độc lạ, thu về tiền triệu.
Ghé thăm khu vườn rộng 5.000 m2 tại phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) của anh Nguyễn Phạm Minh Châu, chúng tôi không khỏi mãn nhãn khi chiêm ngưỡng 10.000 cây dứa Nam Mỹ thuộc 150 dòng khác nhau. Đặc biệt, điều làm chúng tôi càng chú ý hơn là những dòng "cây không khí" - không cần đất vẫn có thể tươi tốt và ra hoa.
Anh Châu giới thiệu về cây không khí trong bộ sưu tập cây kiểng độc lạ của mình. Ảnh: Phong Linh
Anh Châu kể, bản thân tốt nghiệp ngành Xây dựng, Trường Đại học Cần Thơ. Tuy nhiên, xuất phát từ niềm đam mê cây kiểng nên anh đã quyết định khởi nghiệp với dứa Nam Mỹ và cây không khí trong khu vườn rộng vỏn vẹn 80m2 bằng số tiền tích góp.
“Lúc đầu tôi chủ yếu trồng dứa Nam Mỹ, sau đó, thấy thị trường có nhu cầu nên quyết định nhập thêm các loại cây không khí. Từ dứa Nam Mỹ đến cây không khí đều được tôi lấy từ nước ngoài. Do xuất phát điểm là kỹ sư xây dựng, mọi kiến thức để chăm sóc những loại cây này đều do tôi tự tìm tòi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau”, anh Châu nói.
Anh Châu cho biết, thời gian đầu, bản thân có chút gian nan trong việc tìm nguồn khách hàng. Tuy nhiên, dứa Nam Mỹ và cây không khí đều ít tốn công chăm sóc, cộng thêm hình dáng đẹp mắt nên sau một thời gian, vườn kiểng của chàng trai này đã được nhiều người ưa chuộng.
“Nếu dứa Nam Mỹ chủ yếu được trồng từ xơ dừa, dừa cục thì cây không khí chỉ cần một giá thể, không có đất vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Do đó, nhiều khách hàng như nhân viên văn phòng hay các chủ kinh doanh quán cà phê đều rất ưa chuộng”, anh Châu chia sẻ.
Cây kim yến - 1 loại cây không cần đất vẫn có thể sinh trưởng tốt và ra hoa khi đến mùa. Ảnh: Phong Linh
Mạnh dạn khởi nghiệp, anh Châu đã “biến” mảnh đất 80m2 thành khu vườn rộng 5.000 m2 với khoảng 10.000 cây dứa Nam Mỹ và gần 5.000 cây không khí các loại. Theo đó, trung bình mỗi tháng, vườn của anh Châu bán ra từ 400 – 600 cây không khí các loại. Trong đó, tóc tiên dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/kg, kim yến ở mức 15.000 – 20.000 đồng/cây. Dứa Nam Mỹ cũng được tiêu thụ với số lượng tương tự, song với mức giá cao hơn, từ 250.000 - 400.000 đồng/cây. Nhờ đó, anh có nguồn thu nhập khá, từ 30 triệu đồng/tháng.
Thời gian đầu, con trai bắt đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Nô (cha của anh Châu) và vợ cũng hỗ trợ, phụ giúp việc chăm sóc.
“Thấy con trai đam mê rồi khởi nghiệp với các loại cây này, mình cũng phụ một tay. Qua quá trình phụ giúp, tôi thấy các loại cây này cũng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nhưng thu nhập ổn định hơn vườn cây ăn trái của gia đình. Nếu sau này mình hết làm vườn, tôi sẽ nghĩ đến việc cho con trai mở rộng thêm diện tích trồng dứa Nam Mỹ và cây không khí”, ông Nô chia sẻ.
Hiện tại, anh Châu có nguồn khách hàng ổn định, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,… Theo đó, để giảm chi phí sản xuất, chàng kỹ sư đã nghiên cứu và tự nhân giống dứa Nam Mỹ cũng như cây không khí. Các cây giống tự nhân ra được anh Châu đánh giá là có chất lượng, độ sinh trưởng tương đương với giống nhập về từ nước ngoài.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.