Còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, để có đủ nguồn hàng phục vụ khách hàng chơi Tết, người dân các làng hoa ở ĐBSCL đang tất bật xuống giống, chăm sóc với mong muốn thời tiết thuận lợi, hoa được mùa, được giá, nhà vườn có cái Tết ấm cúng.
Sa Đéc chuẩn bị khoảng 2 triệu giỏ hoa phục vụ Tết
Theo UBND TP. Sa Đéc (Đồng Tháp), trên địa bàn thành phố hiện có hơn 950ha diện tích hoa kiểng với hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng, nhiều nhất là cúc mâm xôi, tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông. Trong đó, diện tích sản xuất cây công trình và trang trí nội thất là khoảng 65%, diện tích hoa các loại khoảng 20%, còn lại là kiểng cổ bon sai với hơn 200 hộ nông dân sản xuất.
Đồng Tháp dự kiến hoa phục vụ thị trường tết năm nay khoảng 2 triệu giỏ hoa.
Giá trị ngành hàng hoa kiểng thu về mỗi năm hơn 3.000 tỷ đồng, riêng hoa phục vụ tết khoảng 100ha với hơn 2.500 hộ trồng với các loại hoa chủ lực như: cúc mâm xôi, cúc đài loan, cúc đồng tiền, tắc kiểng, các loại cây lá màu, kiểng lá, hồng các loại, hạnh, vạn thọ, cát tường…
Năm nay, một số loại hoa khó trồng và khó tìm đầu ra được nông dân giảm số lượng và thay thế bằng những giống hoa mới được thị trường ưa chuộng như: cúc pha lê, cúc họa mi, cúc Hàn Quốc nhiều màu… Dự kiến vụ hoa tết năm 2025 sẽ xuống giống dứt điểm vào giữa tháng 10 âm lịch với các loại hoa ngắn ngày như: vạn thọ, mào gà, ly, hướng dương, thược dược… Dự kiến hoa phục vụ thị trường tết năm nay khoảng 2 triệu giỏ.
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu Tím (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, để chuẩn bị cung ứng hoa cho thị trường tết năm 2025, các thành viên của hội quán đang tập trung sản xuất với đủ các chủng loại hoa cúc, hồng… Dự kiến hội sẽ xuất bán khoảng 150.000 chậu cúc mâm xôi và cùng hàng trăm ngàn chủng loại hoa khác cho thị trường tết này. Ngoài ra, hội quán cũng đang sản xuất 1.000 chậu lúa kiểng lá tím bông xanh và 1.000 chậu lúa kiểng lá xanh bông tím cung ứng thị trường cuối năm.
Thời điểm này, anh Nguyễn Thanh Tuyền, ở xã Tân Khánh Đông, (TP. Sa Đéc) cũng đã xuống giống 20.000 chậu cúc mâm xôi. Để cây cho hoa đều và đẹp, nở hoa đúng thời điểm tết, anh Tuyền đang khẩn trương tập trung chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo và chọn thời điểm bón phân, ngắt cành, tưới nước… cho cây tăng trưởng phát triển tốt.
Ông Trần Văn Tiếp chăm sóc lúa kiểng lá tím bông xanh.
Vụ hoa Tết 2025, gia đình chị Trần Thị Oanh, ở ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, (TP. Sa Đéc) xuống giống 3.500 giỏ cúc mâm xôi. Theo chị Oanh, hiện tại, cúc mâm xôi được hơn 40 ngày tuổi, thời tiết khá thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển. Giá cả cây giống, phân rơm, tro trấu, giỏ bội, vật tư nông nghiệp chỉ tăng nhẹ nên người trồng hoa yên tâm đầu tư cho các diện tích hoa phục vụ thị trường tết.
Theo Phòng Kinh tế TP. Sa Đéc, làng hoa Sa Đéc có tổng diện tích gần 1.000ha, riêng vụ hoa Tết năm nay có hơn 2.000 hộ dân tham gia trồng hoa với diện tích 100ha. Đến thời điểm này, thời tiết thuận lợi nên các giống hoa, kiểng phục vụ cho thị trường Tết ở làng hoa Sa Đéc đã xuống giống đạt 100%, hiện người dân đang trong quá trình chăm sóc, tưới nước, bón phân, tỉa cành.
Làng Hoa kiểng Chợ lách khẩn trương vào vụ
Làng Hoa kiểng Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) được xem là một trong hai “thủ phủ hoa kiểng” tại miền Tây. Nơi đây, cung cấp các loại hoa kiểng cho các tỉnh ĐBSCL, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,… vào dịp tết. Dọc trên tuyến Quốc lộ 57, từ nhiều năm qua, các xã ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã có truyền thống trồng hoa cây kiểng, với nhiều loại khác nhau. Đặc biệt, hoa kiểng ở Chợ Lách rất nổi tiếng tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu xuất đi các thành phố lớn như: TP. HCM, Cần Thơ, Mỹ Tho hay thậm chí đưa ra cả miền Bắc, miền Trung.
Nông dân tưới nước, chăm sóc hoa để thu hoạch đúng dịp Tết Ất Tỵ 2025, (Ảnh: Thành Nhân).
Bên cạnh, việc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre nuôi cấy mô làm cây giống để phục vụ cho bà con nông dân trong tỉnh, còn có những nông dân ở tỉnh Bến Tre, chủ yếu là huyện Chợ Lách trồng cúc mâm xôi bằng phương pháp truyền thống là gieo hạt. Ngoài cúc mâm xôi được bà con nông dân gieo sớm, một số loại cây kiểng như hoa giấy, tắc cũng được nhà vườn chăm sóc, uốn tạo thế để chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ.
Bà Nguyễn Thị Phượng, ở xã Phú Sơn, (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, hiện gia đình bà có 6.000 chậu hoa giấy các loại. Hoa giấy nhà tôi đủ màu sắc, từ màu đơn cho tới màu đôi hay đủ 7 màu, có thể bán quanh năm cho các nhà vườn, nhưng tháng Tết là tiêu thụ nhiều nhất, bằng tất cả các tháng còn lại trong năm. Gia đình tôi chủ yếu trồng trong vườn, khi nào có khách đặt thì mới lên chậu. Riêng vụ Tết Ất Tỵ, tôi đã tạo hình rất nhiều loại hoa giấy đẹp, bắt mắt.
Dịp Tết năm 2025, tôi sẽ cung ứng cho thị trường 5.000 chậu hoa giấy các loại. Tôi bán hoa giấy quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là dịp Tết nên hiện đang tập trung chăm sóc. Cây hoa giấy rất ưa nắng nên phải chú ý ánh sáng, sử dụng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, cần tưới nước đều đặn, giữ đất ẩm nhưng không ướt, bà Trần Thị Tuyết Nhung, ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) cho biết.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tại nông dân trên địa bàn huyện đang bắt đầu khởi động vụ tết với các loại hoa: cúc mâm xôi, hoa giấy, mai vàng, mào gà, tắc kiểng… với diện tích trồng khoảng trên 700ha. Sản lượng hoa kiểng dự kiến 9 triệu sản phẩm.
Thông tin từ Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre, nhằm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, hiện đơn vị đã nuôi cấy mô và chăm sóc trên 10 ngàn cây cúc mâm xôi cung ứng cho người dân trồng trong vụ Tết năm 2025.
Nuôi cấy mô các loại hoa lan tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre.
Đến nay, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre sưu tập và trồng bảo tồn các cây ăn trái đặc sản của địa phương đã được công nhận cây đầu dòng với 22 chủng loại (264 cây). Ttung tâm cũng đang tiến hành nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu 4 nhóm cây gồm kiểng hoa, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái ngắn ngày; các loại hoa kiểng như: dạ yến thảo, tử la lan, hoa hồng Golden, cúc Pico, các loại hoa lan; các giống chuối. Để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trung tâm đã ứng dụng phần mềm QR code master để quản lý sản phẩm nuôi cấy mô trong phòng nuôi cấy tế bào thực vật bằng mã QR.
Theo dự kiến, từ ngày 8 đến 12/01/2025 sẽ diễn ra Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách”. Đây là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch kết hợp xúc tiến thương mại, dịch vụ, giải trí nhằm tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng huyện Chợ Lách, phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm từ hoa, kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa Du lịch và Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm - OCOP gắn với xây dựng hình ảnh địa phương. Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách năm 2025 dự kiến sẽ có 18 hoạt động như: Tôn vinh nghề trồng hoa kiểng huyện Chợ Lách; không gian trưng bày, triển lãm hoa, kiểng theo chủ đề, nghệ thuật xếp đặt, tuyến đường check in; phiên chợ quê làng hoa, kiểng Chợ Lách; hội thi sáng tạo bánh ngọt và pha chế thức uống từ trái cây Chợ Lách; các hội thảo về nâng cao chuỗi giá trị ngành hoa kiểng, kết nối giao thương sản phẩm hoa kiểng, ra mắt các chương trình tour du lịch trải nghiệm mới tại Chợ Lách; diễu hành xe hoa, trưng bày và chọi gà nghệ thuật; hội thi ảnh đẹp hoa kiểng Chợ Lách; hội thi sinh vật cảnh huyện Chợ Lách; …. |
Hy vọng một năm được mùa
Không chỉ ở Đồng Tháp, Bến Tre mà nhiều người trồng hoa ở các tỉnh ở ĐBSCL cũng đang vào vụ trồng, chăm sócc cho kịp thu hoạch vào Tết. Ông Nguyễn Hữu Lâu, ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, năm nay gia đình đầu tư hơn 800 chậu cúc mâm xôi. Hoa này khó trồng nên ngay từ đầu tháng gia đình đã phải gieo giống rồi. Còn mấy loại hoa khác, tới tháng 10 hay 11 tôi mới lên giỏ. Loại này đầu tư thời gian lâu mà cũng khó chăm sóc nữa. Bây giờ hoa còn nhỏ, mưa thì tốt nhưng khoảng 2-3 tháng nữa, giai đoạn gần thu hoạch nếu gặp mưa thì coi như hỏng cả vụ hoa. Mấy vụ hoa tết gần đây đều có mưa cuối năm trái mùa như vậy, nên nhiều nông dân trồng cúc mâm xôi thất thu.
Cúc Hàn Quốc là hoa được bán nhiều nhất trong năm qua đang được người trồng hoa tăng số lượng cây giống phục vụ Tết 2025.
Bà Đỗ Thị Hoa, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, (TP. Cần Thơ) chủ cơ sở kinh doanh các nguyên vật liệu để trồng hoa ở gần Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ cho biết, gia đình đang trồng khoảng gần 2.000 chậu hoa các loại. Trồng hoa Tết tuy vất vả nhưng công việc này đem lại thu nhập khá, vì vừa tạo ra nguồn kinh tế, vừa đem lại sắc xuân cho ngôi nhà của mình. Hy vọng năm này hoa tết sẽ được mùa vụ và lãi cao.
Tại Vĩnh Long, hơn 100 hội viên của Hợp tác xã Làng nghề mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cũng bắt đầu khởi động, tập trung chăm sóc, đồng thời tỉ mỉ tạo dáng để bán được giá cao. Hiện, làng nghề có 2,5ha diện tích với khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bonsai và 2.500 gốc kiểng khác. Tương tự, người dân trồng hoa tại Làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang), và nhiều nhà vườn hoa kiểng trên địa bàn tỉnh Long An hiện cũng đang tất bật xuống giống các loại hoa, kiểng như: sống đời, cúc mâm xôi, ớt kiểng, dừa cạn, dạ yến thảo... để chuẩn bị phục vụ thị trường tết 2025.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cúc mâm xôi sinh trưởng và phát triển.
Theo ngành chức năng các địa phương, năm nay thời tiết không thuận lợi, do có mưa bão, dông lốc và nắng nóng thất thường. Vì vậy, người trồng hoa kiểng sẽ tốn nhiều công sức bảo vệ và chăm sóc. Ngành chức năng các địa phương khuyến cáo người trồng hoa kiểng cần nắm bắt kịp thời những dự báo từ ngành chức năng về diễn biến của thời tiết để thích ứng sản xuất đạt hiệu quả.
Tổng hợp từ nguồn: laodong.vn; sggp.org.vn; baodongkhoi.vn.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.