Với những lợi thế thích nghi của cây cacao, quỹ đất trồng xen canh phong phú, khả năng đáp ứng nguồn nước tưới tiêu dồi dào sẽ giúp nông dân Bình Phước phát triển diện tích cây cacao trồng xen canh.
Nông dân Bình Phước trồng xen cacao trong vườn điều và càphê. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Nhà nông trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã mạnh dạn trồng cacao xen dưới tán cây điều, càphê nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Nhờ thực hiện hình thức xen canh này, cây cacao đã và đang mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cao cho nông dân.
Chị Vũ Thị Toán ở xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng) bắt đầu trồng xen cây cacao dưới tán cây điều có diện tích 2,5ha từ năm 2006. Gần đây nhất trong niên vụ 2023, diện tích trồng cacao xen trong vườn điều thu hoạch hơn 2 tấn hạt. Trong khi đó, cây điều cho thu hoạch 4 tấn hạt tươi. Việc trồng xen đã giúp nguồn thu của gia đình tăng lên so với lúc chỉ chuyên canh cây điều.
Theo bà Toán, trước đây sau khi tìm hiểu về giống cây trồng mới, gia đình đã quyết định trồng xen cacao vì thấy phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương. Đặc biệt, đây là loại cây phù hợp dưới tán cây điều nên rất thuận lợi để trồng xen. Hơn 18 năm trồng xen, cây cacao đã mang lại nguồn thu thêm cho gia đình bà Toán không hề nhỏ.
"Tôi thấy cây cacao rất phù hợp ở vùng này nên đã trồng xen. Cây phát triển tốt dưới tán cây điều. Việc chăm sóc cây này cũng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, tuy nhiên phải tỉa cành, bón phân, làm trái đúng thời điểm mới đạt năng suất cao. Ngoài cây điều, nhờ trồng xen đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu thêm từ ca cao,” bà Vũ Thị Toán chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh ở xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng) cũng đã gắn bó với cây ca cao hơn 10 năm. Theo anh Huỳnh, cây cacao lúc đầu mới trồng phải cần bóng mát nên rất phù hợp trồng xen dưới tán cây điều, càphê. Trong những năm qua, gia đình anh Huỳnh đã có thêm nguồn thu nhập từ cây cacao mang lại hiệu quả vượt gấp đôi so với cây điều trên diện tích 1ha.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh cho biết trong niên vụ vừa qua, gia đình anh thu hơn 3 tấn hạt cacao. Vào thời điểm giá bán 80.000đồng/kg, gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, cây trồng chính trước đây là cây điều cho nguồn thu chưa được một nửa cây ca cao.
“Trong những năm qua, giá trị cây điều thấp nên tôi đã trồng xen cây cacao. Cây cacao dù chỉ để trồng xen, nhưng đã mang lại nguồn thu nhập chính. Cây cacao trồng chủ yếu bằng phân bón hữu cơ nên phát triển tốt. Ở vùng này, trồng xen cacao dưới tán cây điều rất phù hợp và mang lại hiệu quả thu nhập thêm,” anh Huỳnh cho biết thêm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đăng Nguyễn Huy Long, cho biết diện tích trồng cacao trên địa bàn huyện hơn 82ha, năng suất 1,7 tấn/ha. Nhiều năm qua, một số người dân trên địa bàn đã mạnh dạn trồng xen cây cacao dưới tán điều, xen với càphê. Dù diện tích còn ít, nhưng cây này rất phù hợp để trồng xen dưới tán cây trồng khác. Đến nay, một số hộ dân trồng xen cây cacao đã có nguồn thu nhập tăng thêm. Địa phương khuyến khích người dân trồng xen các loại cây trồng phù hợp trên một diện tích để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong gần 10 năm trở lại đây, cây cacao đã chứng minh được tính ổn định, hiệu quả cao, giúp người trồng tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác thông qua thực hiện hình thức trồng xen canh dưới tán điều, càphê… Gần đây nhất, trong năm 2024, cây cacao đã thực sự giúp người nông dân có nguồn thu nhập khá khi giá hạt khô lên trên 140.000 đồng/kg.
Hiện nay, dù toàn tỉnh Bình Phước có diện tích trồng ca cao rất ít, chỉ 310ha, nhưng tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất trồng xen canh, khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu… có nhiều lợi thế phát triển. Diện tích cây trồng lớn của tỉnh Bình Phước có hơn 151.000ha điều, hơn 13.000ha càphê, 17.000ha cây ăn trái các loại… là nhóm cây có tán che hợp lý để có thể trồng xen canh cây cacao.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn có 76 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, hệ thống sông, suối khá dày đặc hệ thống hồ chứa nhiều với trữ lượng nước khá dồi dào, nhất là hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Phu Miêng…
Với những lợi thế về thích nghi của cây cacao, quỹ đất trồng xen canh phong phú, khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu dồi dào sẽ giúp nhà nông Bình Phước có thể mở rộng phát triển diện tích cây cacao trồng xen canh mang lại nguồn thu nhập thêm.
Dù hiện nay diện tích ít so với nhiều loại cây trồng khác, nhưng theo nhiều hộ dân đã trồng cho thấy cây cacao đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn so với cây chủ lực trước khi trồng xen.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.