Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024 | 17:15

Hội nghị giao ban HLV các tỉnh vùng miền núi phía Bắc năm 2024: Sự chuyển mình sôi động sau 01 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch

Sáng 16/10/2024, sau khi tham quan khu đồi chè canh tác giống mới theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học và dự lễ ra mắt Văn phòng Đại diện Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) vùng miền núi phía Bắc tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).

Đại biểu các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo HLVVN, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn 11 tỉnh vùng miền núi phía Bắc cùng đại biểu khách mời - HLV và Trang trại Thanh Hoá, đã xem xét, đánh giá hoạt động Hội, phong trào kinh tế VAC 9 tháng qua và 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-NNPTNT-HLV ngày 09/10/2023 nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, nhận diện trở ngại để tiếp tục cùng nhau phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN cho các năm tiếp theo và cả giai đoạn 2023-2030.

Những bước chuyển mới

PGS. TS Lê Quốc Doanh, Chủ tịch HLVVN, phát biểu tại Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, PGS. TS Lê Quốc Doanh, Chủ tịch HLVVN, nhấn mạnh: Khu vực miền núi phía Bắc hiện là vùng trọng điểm sản xuất hàng hoá nông sản, nhất là trái cây với nhiều điểm sáng như Sơn La, Bắc Giang. Vùng miền núi phía Bắc đã có sự phát triển nhanh, vững chắc của kinh tế vườn. Tuy vậy, đây cũng là vùng còn khó khăn về nhiều mặt, hoạt động Hội còn có những trở ngại. Nhằm lắng nghe ý kiến của HLV các địa phương sau 01 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-NNPTNT-HLV ngày 09/10/2023 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN giai đoạn 2023-2030, HLVVN tổ chức Hội nghị Giao ban vùng miền núi phía Bắc năm 2024, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành phối hợp để việc triển khai Nghị quyết Liên tịch đạt hiệu quả cao. Đây là Hội nghị đầu tiên về vấn đề này, sắp tới Hội sẽ tổ chức hội nghị tương tự tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực HLVVN, TS. Phan Huy Thông cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống tổ chức HLV đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động hội viên, giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như: thường xuyên phối hợp với các đơn vị tại địa phương tổ chức hàng trăm lớp lồng ghép tuyên truyền gắn với đào tạo, tập huấn cho hội viên, nông dân về kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chí an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu; phát triển kinh tế tập thể, HTX; xây dựng vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ; cải tạo vườn tạp; chuyển giao khoa học kỹ thuật; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; kỹ thuật thâm canh cây ăn quả (bưởi, na, cam, vải chín sớm, vải thiều, ổi...); thực hành nâng cao về cây cảnh nghệ thuật... Đồng thời áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, mạng xã hội và sinh hoạt câu lạc bộ chuyên ngành vào công tác này.

Công tác nghiên cứu, xây dựng mô hình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được quan tâm, qua đó tạo dựng nhiều mô hình làm vườn tiêu biểu cho thu nhập cao. Trong đó, Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ xây dựng được một số mô hình gia trại, trang trại làm kinh tế vườn, VAC hiệu quả cao, được nhiều người làm vườn các tỉnh, thành đến học tập, làm theo và nhân rộng, như: Mô hình nuôi lợn giống và lợn thương phẩm của Công ty TNHH Toàn Thu, xã Thanh Đình; HTX trồng rau an toàn Minh Nông, mô hình trồng dưa lưới xã Hùng Lô, xã Sông Lô; trang trại trồng hoa lan chất lượng cao của trang trại sinh thái Sông Lô (thành phố Việt Trì)...

Không chỉ ở Phú Thọ, qua báo cáo của đại diện HLV các địa phương trong vùng, mô hình kinh tế vườn - VAC hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều cách làm sáng tạo, lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.

Về công tác chuyển tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, nhất là lan toả những cách làm hay, sáng tạo, những phong trào thi đua cải tạo vườn tạp, làm VAC giỏi sôi nổi, Phó chủ tịch Thường trực Phan Huy Thông nhận xét, Tạp chí Kinh tế nông thôn - cơ quan tuyên truyền của Hội đã thực hiện rất tốt. Tạp chí đã có nhiều bài viết hay về những hoạt động sáng tạo của nhiều cấp Hội cũng như cách làm kinh tế VAC hiệu quả ở các tỉnh, thành phố. Nhiều vấn đề lớn về khoa học công nghệ, thị trường… của kinh tế vườn được Tạp chí phân tích sâu.

Tham luận tại Hội nghị, hầu hết ý kiến của đại diện lãnh đạo HLV các địa phương đều khẳng định, kinh tế vườn, bao gồm cả VAC, đã phát huy giá trị trên nhiều mặt, cả kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá… Kinh tế vườn - VAC được đông đảo người dân áp dụng, vai trò của HLV được lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhất là khi Nghị quyết Liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN được triển khai thực hiện. Nghị quyết đã tạo điều kiện để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế HLV các địa phương chặt chẽ, phù hợp, đồng thời có cơ sở để hỗ trợ tài chính cho hoạt động Hội, để Hội thật sự là “cánh tay nối dài”cho ngành Nông nghiệp địa phương. Ở một số địa phương, do hoạt động có hiệu quả nhiều năm liên tục nên HLV được lãnh đạo địa phương tin cậy, giao nhiệm vụ cụ thể thông qua các đề tài, dự án và được UBND bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động, triển khai các dự án phát triển kinh tế VAC trên địa bàn…

Đại biểu lãnh đạo HLV các tỉnh tham quan vườn chè tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Bên cạnh thuận lợi, các đại biểu cũng đã nêu khó khăn, hạn chế trong việc triển khai hoạt động, như: chưa có cơ chế thống nhất đối với hoạt động HLV địa phương, nên mỗi địa phương áp dụng một cơ chế; cán bộ Hội không ổn định; còn có đơn vị chưa sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, còn tư tưởng trông chờ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, các cấp Hội hãy làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, khi đó nêu kiến nghị, đề nghị sẽ phù hợp hơn, các cấp chính quyền khi giao nhiệm vụ cũng yên tâm hơn.

Tham gia ý kiến với Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều dư địa phát triển cây ăn quả các loại rất đặc thù, ngoài ra là cây công nghiệp (chè, cà phê,…), cây dược liệu (quế, hồi, thảo quả,…), Cục Trồng trọt mong muốn HLV VN, Văn phòng Đại diện HLV vùng miền núi phía Bắc và HLV các địa phương trong vùng phối hợp sâu hơn, hiệu quả hơn với Bộ trong việc thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu trên địa bàn.

Những nhiệm vụ ưu tiên

Thay mặt lãnh đạo Vụ Kế hoạch - đơn vị đầu mối tham mưu cho sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN, ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chúc mừng HLVVN trong hành trình nối dài mạch phát triển, bằng chứng là việc ra mắt Văn phòng Đại diện vùng miền núi phía Bắc tại Phú Thọ. Trước sự biến động của thị trường, biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng mới và dịch bệnh trong thời gian qua, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3, làm thiệt hại rất lớn đối với ngành Nông nghiệp, ông Long cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều chỉ đạo để khắc phục những khó khăn trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, Bộ mong muốn HLVVN và các cấp Hội tiếp tục sáng tạo trong cách làm để cùng Bộ khôi phục sản xuất, phát triển thị trường phù hợp với giai đoạn mới, tiếp tục là “cánh tay nối dài” của ngành Nông nghiệp trong xây dựng chuỗi kinh tế ngành hàng, kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn giàu đẹp tiến bộ và người nông dân thông thái.

Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát biểu.

Kết luận Hội nghị, PGS. TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, thấy mỗi địa phương tuỳ thuộc hoàn cảnh cụ thể mà có cách triển khai hoạt động khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất. Qua ý kiến của các đồng chí, lãnh đạo Hội sẽ tiếp thu và  tham vấn các cơ quan chức năng để có thể ban hành các văn bản nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, điều hành tổ chức HLV ở các địa phương, qua đó kiện toàn bộ máy, tạo điều kiện để Hội đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.

PGS. TS. Lê Quốc Doanh đề nghị đồng chí Trần Gia Long báo cáo lãnh đạo Vụ để sớm tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ việc đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị quyết liên tịch số 06. Đồng thời công khai, cụ thể những phần việc, vấn đề, chương trình, dự án của Bộ để HLV các địa phương chủ động tiếp cận.

Về định hướng công tác thời gian tới, PGS.TS Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Các cấp Hội cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cả hội viên, cán bộ địa phương về vai trò của kinh tế vườn-VAC, HLV trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời chú trọng nhiệm vụ xây dựng mô hình, tận dụng mọi nguồn lực để tập huấn cho hội viên, nông dân; thường xuyên tổ chức tham quan học tập lẫn nhau; và làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch; trước mắt là thực hiện thật tốt các việc, các dự án đang làm và sắp triển khai.

Vùng miền núi phía Bắc hiện có 11 hội thành viên cấp tỉnh, bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ... với tổng số 109 hội cấp huyện, hơn 1.200 hội cấp xã cùng nhiều chi hội cơ sở, câu lạc bộ, HTX, tổ hợp tác, trang trại với trên 180 nghìn hội viên cá nhân.

8 tháng năm 2024, 11 hội thành viên đã tổ chức trên 190 lớp đào tạo, tập huấn, 3 hội thảo và 43 buổi tham quan cho hội viên nông dân về các giải pháp kinh tế, kỹ thuật phát triển kinh tế VAC.

 

Ngọc Thuỷ
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top