Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 14:25

Tàm Xá căng mình “cứu” quất Tết

Hơn 90% diện tích trồng quất cảnh tại làng Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Những ngày này, nông dân ở đây đang căng mình “cứu” những cây quất còn sống sót để giảm thiệt hại và làm cây giống cho mùa sau. Nhưng bà con cũng không biết số cây này có sống được hay không?

Mất Tết!

Những năm trước, đến làng quất cảnh Tàm Xá thời điểm này, dễ dàng bắt gặp những cánh đồng quất xanh bát ngát chạy dọc theo bãi bồi sông Hồng. Những cây quất lá xanh mơn mởn, dấu trong mình những chùm quả sai trĩu trịt, chờ đến nắng hanh hao của mùa đông, cả cánh đồng quất sẽ vươn mình thay một loạt áo mới vàng óng.

Nhưng giờ đến đây, cảnh tượng xám xịt bao trùm, hàng chục nghìn gốc quất chết khô cành, xơ xác lá; bên cạnh đó là những bình quất cảnh nằm ngổn ngang cũng khô hết cành.

Chị Hoàng Thị Ngọc chưa hết bàng hoàng trước ruộng quất nhà mình đã bị chết khô.

Đứng ở ruộng quất cảnh của gia đình, chị Hoàng Thị Ngọc (thôn Đông) không tin vào mắt mình, bởi cả ruộng quất gần như chết khô, trơ trọi cành.

Chị Ngọc cho biết, gia đình có khoảng 2.000 gốc quất, trong đó quất trồng trong bình khoảng 1.000 cây. Những tưởng Tết năm nay, gia đình sẽ đưa ra thị trường những cây quất đẹp, đủ tứ quý cho người dân đón năm mới, thì cơn bão số 3 ập đến, lại bị ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, cả miền Bắc đón những cơn mưa như trút nước, nước sông dâng cao, làm toàn bộ quất cảnh của gia đình chị và nhiều hộ dân nơi đây chìm trong biển nước.

Chị Ngọc bùi ngùi nói: “Từ ngày chuyển đổi sang trồng quất cảnh đến nay, đây là lần đầu tiên người dân Tàm Xá bị thiệt hại nặng nề do bão lớn đến vậy. Hàng tỷ đồng tiền vốn liếng đầu tư vào đây, mong Tết đến, Xuân về nhà nhà vui đón năm mới, người dân chúng tôi cũng phấn khởi bởi có một khoản thu từ quất cảnh, nhưng năm nay nông dân trồng quất chúng tôi... mất Tết!”.

Cách không xa ruộng quất nhà chị Ngọc, ruộng quất nhà anh Lê Đức Hùng, không chết khô cành như ruộng quất nhà chị Ngọc, nhưng nhiều cây quất bùn vẫn bám đến ngang cây.

Tôi đến hỏi chuyện khi anh Hùng đang tất bật phun nước rửa sạch bùn bám những cây quất, phải lâu lắm anh mới có thể dừng lại để trò chuyện.

Theo anh Hùng, cả làng trồng quất cảnh Tàm Xá năm nay bị thiệt hại đến 90%, còn lại khoảng 10% cây sống, nhưng cũng không biết có cứu được không.

“Tại ruộng này, gia đình có khoảng 200 gốc quất. Vừa qua, ruộng quất nhà tôi bị ngập đến ngang cây. Nhưng do ruộng nhà tôi cao hơn các ruộng khác, nên nước rút ra nhanh hơn, vì vậy cũng đỡ thiệt hại hơn, nhưng cũng không biết có vớt vát được gì không.  Nếu cây chết thì công sức, vốn liếng của chúng tôi bỏ ra cả năm coi như theo dòng nước lũ ra hết sông Hồng”, anh Hùng nói.

Thiệt hại do cơn bão số 3 đối với người nông dân nói chung và bà con trồng quất nói riêng là vô cùng lớn, bởi người làm nông nghiệp “được mùa” hay “mất mùa” đều trông vào “ông Trời”, trông vào “mưa thuận, gió hòa”, bằng không thì mọi công sức đều đổ xuống sông, xuống biển. Lúc này, việc cứu quất là quan trọng nhất, vì đây chính là “cơ nghiệp” của người dân nơi đây. Nhưng với đặc thù cây quất không chịu được nước ngập nên “cứu” quất là việc không dễ dàng.

Căng mình “cứu” quất

Đứng trong vườn quất cảnh nhà anh Hùng, tôi vẫn thấy có màu xanh của lá. Tôi chia sẻ và động viên anh vì tình trạng này còn đỡ “thảm” hơn nhiều nhà vườn khác.

Nét mặt buồn rầu, anh Hùng chia sẻ: Trông thế nhưng không phải thế đâu, nhìn ruộng quất nhà tôi xanh như thế này, nhưng chưa chắc cây đã sống được. Vì quất là cây không chịu được ngập, chỉ cần bị ngập thôi là quất sẽ bị thối rễ ngay, muốn biết cây có sống được hay không phải chờ thêm thời gian nữa. Hiện nay người trồng quất chúng tôi đang phải căng mình ra cứu quất.

Anh Lê Đức Hùng đang bơm nước rửa bùn bám trên cây quất còn lại trong vườn.

“Đối với những cây quất bị ngập nước, nhưng không bị ngập lâu thì trước hết phải phun nước để rửa sạch bùn bám trên thân cây và lá. Sau đó dỡ bỏ toàn bộ nylon ở dưới gốc, để cho đất khô, đồng thời theo dõi cây xem có héo lá hay không. Nếu héo là cây không thể cứu được; còn nếu không thì ngay lập tức phải bón thuốc kích thích cho rễ cây phát triển và bón phân để cây có chất dinh dưỡng”, anh Hùng chia sẻ về cách “cứu” cây lúc này.

Cạnh đó là vườn quất của gia đình anh Lê Công Mạnh, trồng quất cảnh trong bình, chậu. Anh Mạnh cũng đang tỷ mỷ cắt tỉa từng cành cho từng cây quất thế trồng trong bình, chậu của mình. Anh Mạnh chia sẻ, mọi năm vào thời điểm này nông dân  tập trung vào việc bón thúc cho quất, để bắt đầu bắt quả cho vụ quất chính vụ cuối năm. Nhưng năm nay lại phải “bần cùng bất đắc dĩ” làm việc này, cũng chỉ mong để “cứu” quất làm giống cho năm sau chứ nói gì đến thu hoạch.

Anh Lê Công Mạnh đang cắt tỉa cành chết cho bình quất.

Theo anh Mạnh, việc quan trọng nhất là phải theo dõi cây xem có sống hay không, cắt tỉa hết những cành héo, quả thối để cho cây phát triển, đồng thời phải rửa sạch lá cây để cây có điều kiện quang hợp và bón thuốc kích thích ngay khi cây có dấu hiệu của sự sống. Tập trung chăm sóc cây chu đáo nhất có thể để giữ lại giống cho vụ quất sau.

Việc người trồng quất bị thiệt hại là rất rõ ràng, nhưng làm thế nào để bà con khôi phục sản xuất là điều quan trọng, mong muốn của bà con là có cây giống, vì cây giống ở đây  bị nước ngập chết hết; hay hỗ trợ tiền để bà con giảm bớt thiệt hại cũng cần phải được xem xét nhanh chóng.

Mong thủ tục hỗ trợ đơn giản

Chị Ngọc cho biết, để có được những cây quất trưởng thành cho thu nhập phải mất từ 2 đến 3 năm chăm sóc. Từ những cây quất nhỏ ban đầu, người trồng quất phải mua về làm giống, 2-3 năm đầu chỉ thu hoạch để bán quả, phải năm thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi, quất được cắt tỉa theo thế dáng, lúc đó mới bán để trưng vào dịp Tết.

“Cả làng trồng quất Tàm Xá, không những quất cảnh bị ngập nước chết, mà ngay cả quất giống cũng không còn cây nào. Thời gian tới, chúng tôi cũng chưa biết tìm mua quất giống ở đâu để trồng cho những vụ quất tiếp theo”, chị Ngọc lo lắng.

Khi được hỏi mong muốn của những người trồng quất ở đây, cả chị Ngọc, anh Mạnh và anh Hùng đều cho biết, rất mong Nhà nước hỗ trợ, cho vay để mua giống tái sản xuất. Mức hỗ trợ của Nhà nước sao cho phù hợp bù đắp với sự thiệt hại của người nông dân.

Theo chị Ngọc, sau bão số 3, các ngành chức năng và huyện Đông Anh có về xem xét, đánh giá thiệt hại. Nhưng số tiền hỗ trợ cho bà con trồng quất tại đây lại rất ít, hơn nữa thủ tục lại khá phiền hà. “Để nhận được khoản tiền hỗ trợ, chúng tôi phải kiểm đếm, chụp ảnh toàn bộ cây quất chết, kê khai và có xác nhận của chính quyền xã… Chúng tôi thấy phức tạp quá, nên cũng chưa ai làm”, chị Ngọc nói.

Đúng là trong những lúc thiên tai như thế này, một đồng cũng rất quý, nhưng nguồn ngân sách để hỗ trợ không chỉ cho nông dân mà còn rất nhiều đối tượng khác. Vì vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp xem xét và giảm tối thiểu thủ tục hành chính, để bà con trồng quất nói riêng và những người dân cần được hỗ trợ nói chung được nhận tiền một cách nhanh nhất.

Với sự cần cù, chăm chỉ lao động của người nông dân nói chung, những người trồng quất ở Tàm Xá nói riêng, tin tưởng bà con sẽ vượt qua được khó khăn này. “Sau cơn mưa trời sẽ lại hửng sáng” và với tinh thần “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, mong rằng sẽ có những mùa quất chín vàng bội thu với những cây quất đủ cả tứ quý sẽ đến với mỗi gia đình vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top