Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 9:45

“Thủ lĩnh” ong mật vùng núi đá

Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.

Gian nan giữ mật ngọt núi rừng

Trước đây, ở vùng núi đá khắc nghiệt của Xuân Quang, người dân thường lên rừng tìm những giọt mật ong rừng quý giá như một món quà của thiên nhiên. Trong những chuyến đi tìm mật ấy, ông Chiến nhận ra điều kỳ diệu là, trong rừng có rất nhiều loài thảo dược quý trổ rực hoa mỗi mùa xuân. Và cơ duyên đã đến vào một ngày tháng Ba, khi một đàn ong nhỏ vô tình chọn làm tổ trong chiếc hòm gỗ gần nhà. Từ những giọt mật đầu tiên, ông  cảm nhận được hương vị thơm ngon, đầy dưỡng chất y như mật ong trong rừng và lợi ích của loài ong trong việc thụ phấn tự nhiên cho cây trồng. Chính lúc đó, một ý tưởng táo bạo nảy nở trong tâm trí ông: Thay vì vất vả lên rừng tìm mật, tại sao không tự nuôi ong để khai thác nguồn mật quý này?

Ông Cao Xuân Chiến trong khu nuôi ong mật của gia đình.

Khởi đầu, ông Chiến đóng những chiếc hòm gỗ, thả ong soi (loại ong trinh sát) vào, hy vọng chúng sẽ dẫn cả đàn ong về làm tổ. Không phụ lòng người, đàn ong nhanh chóng ổn định và tìm kiếm mật hoa từ thiên nhiên. Những giọt mật đầu tiên chất lượng không thua kém mật ong rừng đã làm nức lòng người dân quanh vùng, khiến nhiều người kéo đến mua.

Nhưng ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, ông Chiến không thể giữ được đàn ong lâu dài. Khi mật bị khai thác quá nhiều, chúng lại bay đi tìm nơi khác xây tổ. Những lần thất bại nối tiếp nhau khiến ông phải đau đáu tìm hiểu cách làm thế nào để giữ được đàn ong ở lại. Có lần, ông  tìm đến một lão nông nuôi nhiều ong nổi tiếng trong vùng để học hỏi kinh nghiệm. Thay vì nhận được chia sẻ, ông chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Lên trời nhiều thì biết!”. Câu nói tưởng chừng là sự từ chối thẳng thừng ấy lại trở thành động lực lớn để ông Chiến quyết tâm tự mình khám phá, học hỏi và hoàn thiện kỹ năng nuôi ong. Mỗi thất bại không làm ông nản lòng mà chỉ khiến ông thêm kiên trì và sáng suốt hơn trong từng bước đi.

Ông Chiến kiểm tra cầu ong.

Thế rồi ông phát hiện ra bí quyết đơn giản mà quan trọng: Phải khai thác mật một cách hợp lý, để lại lượng mật đủ cho ong dự trữ trong mùa đông lạnh giá hay những tháng mưa ngâu dai dẳng. Chỉ khi hiểu rõ tập tính tự nhiên của đàn ong, ông mới có thể duy trì và phát triển đàn ong một cách bền vững.

Không dừng lại ở đó, ông Chiến còn mở rộng việc khảo sát những vùng có nguồn hoa khác nhau trong tỉnh Lào Cai, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn ong suốt bốn mùa. Việc này giúp ông có kế hoạch nuôi ong cụ thể, rõ ràng: khi nào nhân giống, khi nào khai thác mật, và khi nào ngừng thu hoạch để bảo vệ đàn ong trước thời tiết khắc nghiệt. Mỗi mùa hoa nở, đàn ong phục hồi nhanh chóng, sẵn sàng cho những đợt thu hoạch mật hiệu quả nhất.

Sau nhiều năm thử thách, ông Chiến đã tìm ra con đường riêng, không chỉ thu hoạch mật ong chất lượng mà còn nhân giống, cung cấp ong giống cho bà con trong vùng, mang lại thu nhập ổn định và khẳng định thương hiệu mật ong núi đá của vùng đất Lào Cai. Sản phẩm được lan tỏa cũng là nhờ người dân quanh vùng vốn là người các tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương... lên khai hoang lập nghiệp, thấy mật ong tốt nên thường mua về quê làm quà cho người thân. Để thuyết phục khách hàng, ông thường mời họ đến tận nơi chứng kiến quy trình sản xuất, trải nghiệm mật ong. Từ đó, sản phẩm mật ong núi đá được tín nhiệm, được nhiều người sử dụng hơn.

Xây dựng sản phẩm OCOP đạt 3 sao

Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội từ mô hình nuôi ong của ông Chiến, nhiều bà con trong thôn cũng bắt đầu học hỏi và áp dụng phương pháp nuôi tương tự. Khi Hợp tác xã (HTX) Nậm Dù được thành lập, ông Chiến được bà con tín nhiệm bầu làm Giám đốc, với sự tham gia của 17 thành viên. Trong số đó, có 4 hộ hiện nuôi ong với quy mô lớn, trung bình 300 - 500 đàn ong/hộ, và vào mùa cao điểm có thể đạt hơn 1.000 đàn.

Ông Cao Xuân Chiến giới thiệu các sản phẩm mật ong.

Ông Chiến chia sẻ, trung bình một đàn ong có thể cho 18 - 20 lít mật/năm. Với giá bán  250.000 - 370.000 đồng/lít, một hộ nuôi 300 đàn ong có thể thu hơn 1 tỷ đồng từ sản phẩm mật ong.

Đến nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nuôi ong, khu vực này đã có  50-70 hộ dân tham gia nuôi ong lấy mật, hình thành nên một vùng nuôi ong quy mô lớn và đồng nhất. Ông Chiến không chỉ giúp bà con trong thôn có thêm nguồn thu nhập ổn định mà còn sẵn sàng mở các buổi tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, và cung cấp con giống chất lượng cho các hộ mới nuôi. Với mức giá 600.000 - 800.000 đồng/đàn ong giống, ông cung cấp ra thị trường 300 - 500 đàn/năm, góp phần mở rộng quy mô nuôi ong ở địa phương.

Bên cạnh đó, HTX Nậm Dù còn hỗ trợ các hộ gia đình trong khâu bao bì, nhãn mác, tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo chất lượng mật ong đạt tiêu chuẩn, giúp tạo thương hiệu riêng cho mật ong Nậm Dù, đưa sản phẩm mật ong đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2019, mở ra cơ hội để sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Chiến và HTX Nậm Dù đã tạo nên một mô hình bền vững, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, vừa phát triển thương hiệu đặc trưng cho mật ong vùng núi đá, tạo điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top