Thời gian qua, phong trào sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ thu hút sự quan tâm của nông dân, hợp tác xã (HTX) cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đều đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội…
Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Quảng Ngãi đã triển khai thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ như: Sử dụng công nghệ tưới tự động, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ,… Các mô hình sản xuất (SX) ứng dụng KHCN đều đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hiệu quả kinh tế cho người dân so với phương thức sản xuất thông thường.
Sản xuất lúa thuần theo hướng tiêu chuẩn VietGAP tại Ba Tơ.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh thực hiện ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu… với diện tích gần 3.000 ha. Trên địa bàn tỉnh có 82,2672ha lúa được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 822 tấn/năm; 27,4ha rau được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 543,25 tấn/năm; 30,5ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 808 tấn/năm; 21,675ha cây công nghiệp ngắn ngày được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 73,8375 tấn/năm; 3,45ha cây gia vị được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 73,83 tấn/năm.
Ngoài ra, còn có 02 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong SX rau, củ, quả. Đó là HTX rau sạch Mầm Việt tại xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa) với diện tích SX (rau thủy canh) 1.300m2, sản lượng 18 tấn/năm; Công ty TNHH MTV thủy canh Gia Viên tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành với diện tích SX (rau thủy canh) 2.000m2, sản lượng 12 tấn/năm.
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều mô hình nuôi thủy sản ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cao như nuôi ghép ốc hương – hải sâm, tôm – cá, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm 2,3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ lồng HDPE kiểu Na Uy trong nuôi cá biển thương phẩm,...
Doanh nghiệp tiên phong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP
Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp TBT (TP. Quảng Ngãi) là đơn vị tiên phong triển khai SX lúa theo hướng tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017 với diện tích 40ha. Sau 7 năm, diện tích được mở rộng lên 80ha, tập trung tại cánh đồng các thôn Phước Thuận, Phước Hòa (xã Đức Phú) và Năng An (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). Thành quả đạt được không chỉ là sản phẩm gạo Ấn Trà đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn, chất lượng, mà còn là tiền đề để Công ty hướng đến SX lúa hữu cơ đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
Sản phẩm gạo lứt Ấn Trà và Trà gạo lứt Ấn Trà của huyện Mộ Đức nâng hạng từ 3 lên 4 sao.
Tại Phước Hòa, xã Đức Phú (huyện Mộ Đức), Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp TBT duy trì SX 30ha lúa theo quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP TCVN11892-1:2017. Mới đây, ngày 09/10/2024, Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Vùng 2 đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo (gạo Ấn Trà) phù hợp với quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt của Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp TBT, với sản lượng 240 tấn/năm.
Giám đốc Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân chia sẻ, tiêu chuẩn VietGAP yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, quá trình SX không sử dụng các hóa chất hay chất độc hại với cơ thể con người và môi trường, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng cho sản phẩm.
Tuy nhiên, SX hữu cơ yêu cầu khắt khe từ điều kiện canh tác đến chất lượng sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn “6 không”, gồm: Không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, không canh tác trên đất và nước ô nhiễm hóa chất, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng chất bảo quản. Vì vậy, trong số 80ha lúa canh tác theo hướng tiêu chuẩn VietGAP tại các cánh đồng ở Đức Phú và Đức Nhuận, Công ty chỉ chọn được cánh đồng ở thôn Phước Hòa (xã Đức Phú) là khu vực đầu nguồn nước, dưới chân hồ chứa nước Hóc Sằm để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về đất, nước trước khi triển khai thực hiện quy trình SX hữu cơ.
Trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh Quảng Ngãi, mô hình SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại HTX NN Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành), với diện tích 01ha, gồm 6 hộ tham gia; thời gian thực hiện từ tháng 1/2024. Giống bưởi da xanh có nguồn gốc từ miền Nam và được trồng tại địa phương từ năm 2017.
Tham quan mô hình SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành
Để thực hiện quy trình SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông - Lâm (Đại học Huế) đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP TCVN11892-1:2017.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi da xanh sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất cao hơn so với vườn đối chứng của nông dân. Tất cả các chỉ tiêu về dư lượng kim loại nặng và thuốc BVTV trong quả bưởi ở mô hình VietGAP đạt tiêu chuẩn quy định.
Công ty CP Chứng nhận và Liểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm “Bưởi da xanh” đạt tiêu chuẩn TCVN 11892 - 1:2017, phù hợp với quy trình thực hành SX NN tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt của HTX NN Hành Nhân.
Bưởi da xanh - Sản phẩm trái cây đầu tiên của huyện Nghĩa Hành đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao giá trị nông sản trên thị trường, kiểm soát tình trạng sản phẩm kém chất lượng, truy xuất thông tin vùng trồng. Qua đó, mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Tấn Việt (54 tuổi), ngụ thôn Tân Lập, xã Hành Nhân cho biết: Vườn bưởi của tôi có khoảng 200 cây. Trong đó, hơn 50 cây bưởi đã cho trái và bước vào mùa thu hoạch rộ. Mỗi trái bưởi thu hoạch có trọng lượng bình quân từ 2,5 - 3kg, giá bán hiện đang ở mức 30 nghìn đồng/kg. Tuy giá thành phần cao hơn giá các loại bưởi khác từ 15 - 20%, nhưng bưởi của tôi vẫn được thương lái săn đón nhờ tuân thủ theo các quy định của tiêu chuẩn VietGAP, không có sự can thiệp của hóa chất độc hại trong tất cả các khâu từ trồng trọt đến bảo quản bưởi đã thu hoạch. Nhờ vậy, tôi có nguồn thu nhập khá hơn so với những mùa thu hoạch trước.
Ông Đặng Tấn Thương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi cho rằng: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chi phí đầu vào rất cao, từ SX đến tư vấn vận hành, phân tích, chứng nhận và duy trì chứng nhận hữu cơ. Chính vì vậy, vấn đề nan giải nhất của SX NN hữu cơ hiện nay chính là cân đối giữa chất lượng và giá bán sản phẩm. Để hạ giá thành sản phẩm thì phải tổ chức SX theo quy mô lớn, đủ sản lượng cung ứng cho thị trường.
Ngày 21/7/2020, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX đầu tư vào NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, hỗ trợ đầu tư SX NN hữu cơ: Doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX được hỗ trợ đầu tư đối với dự án SX NN hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt với mức hỗ trợ tối đa 60% chi phí đầu tư và không quá 05 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Hỗ trợ đầu tư trồng rau, củ, quả, nấm an toàn: Doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX được hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư trồng rau, củ, quả, nấm an toàn với mức hỗ trợ: tối đa 60% chi phí đầu tư và không quá 1,5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về nhà xưởng, nhà lồng (nhà kính, nhà lưới, nhà màng), nhà kho, hệ thống điện, máy móc, thiết bị, hệ thống tưới và xử lý môi trường. |