Nhận định vụ đông 2024 khả năng chịu ảnh hưởng mưa lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại cuối vụ, Hà Tĩnh chủ động, linh hoạt bố trí thời vụ để né thiên tai.
Thời tiết bất lợi
Hiện nay, toàn tỉnh đã xuống giống trên 2.000 ha ngô lấy hạt (gần 50% diện tích), gần 300 ha ngô sinh khối (gần 21%); gần 3.000 ha rau, màu các loại ( đạt 61%); hơn 980 ha cây rau lang (gần 70% diện tích). Các địa phương đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân chủ động bảo vệ các diện tích cây trồng đã xuống giống trước diễn biến của thời tiết trong những ngày tới.
Các địa phương như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi bằng các hình thức trồng thuần hoặc trồng xen. Cây khoai lang cơ cấu trên các vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… Rau - củ - quả các loại thì bố trí tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh.
Sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao trong nhà màng là giải pháp được nhiều nông dân áp dụng để thích ứng với thời tiết bất lợi của vụ đông.
Xã Tượng Sơn là một trong vùng sản xuất vụ đông chủ lực của huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con nông dân gặp không ít khó khăn do thời tiết. “Từ đầu tháng 10 đến nay, sau các đợt mưa lớn, thời tiết bắt đầu có nắng nên cây dễ bị thối rễ, nhất là dưa chuột, rau cải nên nhiều hộ dân phải làm lại vụ này từ đầu. Tôi hiện chỉ tập trung tăng vụ trong vườn nhà với các loại rau ngắn ngày. Để ứng phó với thời tiết, tôi chủ động chuyển dịch kế hoạch sản xuất, vùng tập trung sẽ lùi thời gian xuống giống vào tháng 11 tới” - chị Mai Thị Hạnh, thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn(Thạch Hà) cho biết.
Những năm gần đây, huyện Thạch Hà được biết đến là địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn hộ với các sản phẩm rau, củ chất lượng cao, hoa, nấm… Đây đều là những cây trồng phù hợp trong vụ đông, cho giá trị cao, thị trường ổn định.
Theo đó, huyện tập trung sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại các xã Tân Lâm Hương, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn...; hoa trong nhà màng tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Long, Thạch Sơn, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Xuân, Nam Điền, Thạch Đài...; đào tết, mai vàng tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, Nam Điền.
Bà Trần Thị Minh - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp trồng nấm Tân Lâm Hương, thôn Đông Tân, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho biết: “Từ tháng 9, HTX đã bắt đầu sản xuất và đang thu hoạch sớm nấm sò trắng với giá bán trên 30.000 đồng/kg. So với các sản phẩm khác, sản xuất nấm sẽ không bị tác động bởi thời tiết bất lợi. Nhờ vậy, bà con vẫn duy trì thu nhập ổn định. Dự kiến, trong vụ đông này, HTX sẽ trồng khoảng hơn 3,5 vạn bịch nấm các loại trên diện tích 1.000 m² để cung cấp cho thị trường”.
Diện tích khoai lang tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh tăng do dễ trồng, tiêu thụ dễ, thu nhập cao
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, bà con nông dân Hà Tĩnh đang chủ động, linh hoạt trong bố trí thời vụ và dịch chuyển cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để né thiên tai, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Trí Đồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết : “Vụ đông 2024, toàn huyện Hương Khê phấn đấu sản xuất hơn 2.700 ha cây trồng; địa phương đang chú trọng nhân rộng trồng thử nghiệm cây hành tăm, khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích sản xuất để tăng thu nhập, đa dạng hóa cây trồng theo hướng hàng hóa.
Đối với cây ngô - cây trồng chủ lực của huyện, hiện nay, trong điều kiện ảnh hưởng do bão lũ, trà chính vụ bố trí gieo trồng, cơ cấu thời vụ phù hợp với từng chân đất, phấn đấu thu hoạch trước 15/01/2025. Huyện cũng đang chú trọng triển khai đa dạng hóa sản phẩm như trồng dứa liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với diện tích 5,5 ha; khuyến khích mở rộng thí điểm các vùng sản xuất hành tăm tập trung”.
Chú trọng sản xuất các loại rau, củ chất lượng cao
Nhờ chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả từ các mô hình nhà lưới, trong vụ đông, nhiều HTX, THT tại TP Hà Tĩnh vẫn sản xuất an toàn, chú trọng sản xuất các loại rau, củ chất lượng cao, giá bán ổn định như: ớt chuông, dưa chuột, cải bó xôi, măng tây…
Ông Đặng Văn Luân - Giám đốc HTX Bình Minh, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh chia sẻ: “HTX đã làm đất, chuẩn bị xuống giống dưa chuột, ớt chuông, hoa trên diện tích hơn 3.000 m2 nhà màng, áp dụng theo quy trình sản xuất VietGAP. Đây đều là những sản phẩm cho giá trị cao, được nhiều cửa hàng nông sản sạch thu mua nên đầu ra ổn định”.
Được biết, TP Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất trên 140 ha diện tích cây vụ đông 2024. Ngoài việc chú trọng chuyển dịch cây trồng theo hướng tăng giá trị, tăng chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính liên kết ổn định đối với sản xuất nông nghiệp, TP Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện thí điểm dự án liên kết sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ gắn với chế biến bột rau củ của HTX nông nghiệp sạch Hatisa trên diện tích 2 ha tại xã Đồng Môn, Thạch Hạ.
Vụ đông 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 12.603 ha cây vụ đông
Theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 12.600 ha cây vụ đông. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều địa phương đang có xu hướng dịch chuyển các đối tượng cây trồng vụ đông truyền thống sang các loại các loại cây trồng khác như: dưa lưới, hành tăm, cây ăn quả, các loại hoa… nhằm thích ứng với thời tiết và cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, bố trí hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, chú trọng thâm canh tăng năng suất, kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.