Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024 | 10:14

Cần cơ chế để Tây Nguyên phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nhằm tạo ra diễn đàn để các doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững nhằm thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng hiện đại, ngày 30/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến điểm cầu thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Các báo cáo và tham luận tại Hội nghị nêu rõ: Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục hội nhập, phát triển.

Cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên với gần 668.000 ha, chiếm hơn 90% diện tích cà phê cả nước. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ 2 sau Đông Nam Bộ với hơn 250.000 ha, chiếm 26% diện tích cả nước. Hồ tiêu 90.000 ha, điều 83.000 ha, chanh leo 6.700 ha. Cùng với đó, khu vực Tây Nguyên có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm; khai thác trên 700 ngàn m3 gỗ rừng trồng/năm…

can co che de tay nguyen phat trien thanh vung san xuat nong nghiep hien dai hinh anh 1

Sầu riêng đang là ngành hàng tiềm năng ở Tây Nguyên

Dù canh tác sau nhưng Tây Nguyên đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với gần 75.000 ha, tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Phát biểu tại Hội nghị,  ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã thông tin về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Gia Lai về phát triển nông nghiệp như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan.

Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” để tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh là: Nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.

“Tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai tham gia vào chuỗi giá trị trước hết sẽ giúp thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân, tạo sinh kế bền vững nếu như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh sinh thái tuần hoàn mang lại hiệu quả thì tác động lớn nhất là kinh tế của các gia đình sẽ được củng cố” - ông Dương Mah Tiệp nói.

can co che de tay nguyen phat trien thanh vung san xuat nong nghiep hien dai hinh anh 2

Nhiều gian hàng OCOP quảng bá sản phẩm tại hội nghị

Hội nghị đã đưa ra các giải pháp để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gợi mở định hướng phát triển nông nghiệp cho các tỉnh vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, giai đoạn mới.

Ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, đã đến lúc nền nông nghiệp Tây Nguyên cần xóa bỏ tình trạng sản xuất  manh mún, quy mô nhỏ, mà cần tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất.

“Lấy hợp tác xã là trung tâm kết nối với bà con nông dân và doanh nghiệp, phải thay đổi tư duy mới về sản xuất nông nghiệp để trở thành kinh tế nông nghiệp tạo ra chuỗi giá trị. Từ đó đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu tại vì Tây Nguyên có những mặt hàng là chủ lực của quốc gia” - ông Lê Trọng Yên cho hay.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận về các tiềm năng, thách thức và hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên. Doanh nghiệp cũng đề xuất mong muốn được tạo điều kiện, hưởng các chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương để các doanh nghiệp triển khai đầu tư các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau, củ Việt Nam nêu ý kiến: “Hiệp hội có ba đề xuất đó là xây dựng cơ chế phối hợp giữa hiệp hội và các địa phương, thảo luận thống nhất nội dung phối hợp giữa địa phương và hiệp hội, kí các thỏa thuận hợp tác. Thứ hai cần cập nhật các thông tin cần thiết cho hoạt động kết nối đầu tư và kinh doanh. Thứ ba là thiết lập kênh liên lạc và duy trì liên lạc thường xuyên để giải quyết các yêu cầu cũng như xử lý các phát sinh”.

 

Hoàng Quy/VOV.vn
Ý kiến bạn đọc
Top