Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024 | 12:37

Tập trung duy trì mã số vùng trồng, quyết tâm thực hiện thắng lợi trong sản xuất

Đến nay, tại vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã cấp 549 mã số vùng trồng (MSVT) xuất khẩu, với hơn 40.000ha cho nhiều loại cây trồng.

Tuy nhiên, nhiều MSVT đã được cấp nhưng kiểm soát chưa tốt, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cấp MSVT.

Duy trì MSVT

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và phổ biến Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa”, do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, sản xuất lúa cả năm 2024 của 3 vùng trên ước đạt 1.030.000ha, năng suất ước đạt 60,48 tạ/ha; sản lượng ước 6.229 nghìn tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so năm 2023.

Đến nay, tại vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã cấp 549 MSVT xuất khẩu, với hơn 40.000ha, cho nhiều loại cây trồng. Cấp 284 MSVT nội địa, với gần 1.770.000ha, gồm nhiều loại cây trồng và cấp mã 117 mã số đóng gói cho các loại rau và quả.

Kho sầu riêng của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương gặp khó trong việc cấp MSVT. Tỉnh có hơn 5.000ha đang chờ để được cấp MSVT, điều này gây ra nhiều bất lợi cho nông dân.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, việc cấp MSVT đã được Bộ triển khai cụ thể, có văn bản đến từng địa phương. Việc chưa được cấp mã số vùng trồng là do cấp tỉnh làm việc chưa hiệu quả.

Ông Trung nêu ví dụ, Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng rất lớn, Bộ rất ưu tiên trong việc cấp MSVT, nhưng địa phương không duy trì được. Cho đến giờ, 2/3 diện tích trồng sầu riêng của cả nước đã cho thu hoạch, nhưng không xuất được qua Trung Quốc.

“Trong khi đó, sầu riêng ở nước ta hiện nay gần 99% là xuất  sang Trung Quốc, nếu vẫn tiếp tục thu hoạch trái chín, trái ương, trái non lộn xộn thì hậu quả rất khó lường”, ông Trung bày tỏ.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết thêm, việc quan trọng nhất là cần duy trì được MSVT. Nhiều MSVT đã được cấp nhưng kiểm soát chưa tốt, chưa có đủ cơ sở để báo cáo phía Trung Quốc. Đối với những MSVT bị tạm ngưng, cần sớm tháo gỡ để có thể xuất hàng hóa, từ đó hướng đến phê duyệt các mã số mới.

“Chúng ta rất mong muốn được cấp thêm nhiều MSVT, tuy nhiên chúng ta lại không đảm bảo được yêu cầu của họ đề ra. Thẩm quyền là ở phía họ nên rất khó để đạt được nếu vẫn tiếp tục không đảm bảo. Nỗ lực, đôn đốc là ở Bộ nhưng quan trọng nhất vẫn là ở địa phương”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Thực hiện thắng lợi sản xuất nông nghiệp năm 2025

Thông tin thêm tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, sản xuất trồng trọt năm 2024 diễn ra trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình sản xuất năm qua được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực, đồng thời đã góp phần cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, rau quả...

Tuy nhiên, sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.

Cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng yêu cầu, việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất với địa phương vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 2025. Trước mắt, hoàn thành mục tiêu vụ đông xuân 2024 - 2025 tập trung gieo trồng cho hơn 40 nghìn hecta lúa; đảm bảo sản lượng đạt 2,6 triệu tấn.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay, để bảo vệ an toàn, đạt hiệu quả cao đối với các vụ sản xuất trong năm 2025, các đơn vị, địa phương cần tuân thủ nghiêm túc kế hoạch sản xuất lúa vụ đông 2024 - 2025 của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, điều tiết nguồn nước linh hoạt, hợp lý, đảm bảo cho sản xuất; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất cây trồng theo chuỗi, sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm; rà soát nguồn lực cung ứng giống cây trồng, phân bón đảm bảo chất lượng... đáp ứng nhu cầu nông dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Hoàng Trung đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra MSVT và cơ sở đóng gói xuất khẩu và nội địa; tiếp tục hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp MSVT, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu; chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông sản nói chung và cây trồng nói riêng. Đồng thời tăng cường chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, bảo quản chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy cây trồng lợi thế…

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • “Thay áo” cho vùng đất bãi Đông Anh

    “Thay áo” cho vùng đất bãi Đông Anh

    Gần 20 năm nay, vùng bãi sông Hồng và sông Đuống được nông dân huyện Đông Anh (Hà Nội) “thay áo” bằng việc chuyển từ canh tác rau màu sang trồng quất cảnh và cây ăn quả.

  • Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Ghi nhận thành quả mà huyện Thọ Xuân đã đạt được trong việc thực hiện phong trào chung sức xây dựng NTM. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và công bố huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

  • Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề tập trung thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.

Top