Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024 | 10:4

Thúc đẩy chăn nuôi xanh, tăng khả năng cạnh tranh

Để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Song song đó là chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa.

Tăng khả năng cạnh tranh

Năm 2023, ngành chăn nuôi đã đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm 2022. Trong đó, chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng, việc duy trì mô hình chăn nuôi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức.

“Doanh nghiệp cần thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất từ thức ăn, quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải… đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, sự khác biệt về sản phẩm đầu tư xanh và sản phẩm truyền thống chưa được người tiêu dùng nhận biết rõ ràng. Thách thức đến từ hai phía, câu chuyện tháo gỡ cần có chính sách rõ ràng để trợ lực cho doanh nghiệp trong ngành”, ông Sơn kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, bà Chu Thị Hồng Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Tafa Việt thông tin, hoạt động đầu tư xanh trong ngành chăn nuôi gia cầm được Tafa tiên phong thực hiện gần 10 năm trở lại đây khi đầu tư hàng trăm triệu USD cho hệ thống nuôi gà tự động nhập khẩu từ Đức. Quá trình đầu tư xanh này rất “nặng đô” nhưng kết quả nhận lại vẫn chưa tương xứng.

“Để sản phẩm đạt yếu tố an toàn, yêu cầu đầu tiên là tươi và không tồn dư kháng sinh, ít cholesterol và bổ sung được vitamin A, B, E… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ có phần cao hơn so với dòng trứng truyền thống. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay là quá trình cạnh tranh về giá rất khốc liệt trên thị trường bởi người tiêu dùng chưa phân biệt được dòng sản phẩm xanh và dòng sản phẩm thông thường”, bà Thuỷ chia sẻ.

Trước thách thức này, Tafa đẩy mạnh chương trình khuyến mại tại các hệ thống phân phối hiện đại để nhanh chóng tiếp cận thị trường, thông qua đó truyền thông về sản phẩm xanh, sạch với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo các đơn vị, để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Song song đó là chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Đẩy nhanh quá trình đầu tư xanh

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mebifarm Bình Thuận, với diện tích trang trại 72ha cho tổng công suất 1,2 triệu gà mái đẻ và 400.000 gà con hậu bị, hoạt động sản xuất được doanh nghiệp sử dụng chỉ chiếm 15 ha, phần lớn diện tích còn lại để doanh nghiệp trồng cây xanh hướng đến bảo tồn sinh thái.

Doanh nghiệp trong ngành cần nhanh chóng đẩy nhanh quá trình đầu tư xanh.

“Xanh không chỉ trong việc trồng cây, chúng tôi còn hướng đến việc bảo vệ môi trường thông qua hàng loạt dự án khác. Trước mắt, trong tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Mebifarm đã đầu tư thiết bị xử lý phân gà gần 60 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp còn đầu tư hệ thống tự động hoá đảm bảo tối ưu hoạt động đầu tư, điện năng, năng lượng, sử dụng nước cho sản xuất…”, ông Ngà chia sẻ.
Nguồn vốn cho dự án này khá lớn, nhưng theo đại diện Mebifarm, doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp vẫn vay thương mại để thực hiện. Như vậy, thời gian để chi phí đầu tư một lần không nhiều.

Hiện, doanh nghiệp này vay vốn với mức lãi suất 10,5%/năm. Do đó, Mebifarm mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần lãi vay còn 3-4%/năm cho doanh nghiệp đầu tư xanh để tăng tốc nhanh hơn, nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn xanh hơn.

“Nếu có các gói hỗ trợ, không riêng Mebifarm mà nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ nhanh chóng đẩy nhanh quá trình đầu tư xanh. Chúng tôi được biết Nhà nước đang có các gói hỗ trợ này nhưng lại chưa có các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận. Do đó, tôi kiến nghị cần có cổng thông tin mở để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn”, ông Ngà kỳ vọng.

Việc thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng nguồn lực tài chính hạn chế dẫn đến hoạt động chuyển đổi xanh tại nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, mặc dù sức ép cả trong và ngoài nước mỗi ngày một lớn.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) nhận định, ngành chăn nuôi trong nước bị giảm thị phần trong 10 năm trở lại đây do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư quy mô lớn, giá thành tốt…

“Nếu không có giải pháp thì một lúc nào đó, doanh nghiệp Việt sẽ không còn khả năng cạnh tranh trên “sân nhà” như câu chuyện về thịt heo và thịt gà”, ông Thiện chia sẻ và cho biết đây là lý do từ năm đầu năm 2024, V.food đã đầu tư đầu tư nhà xưởng, lao động để đạt chứng nhận FSSC nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Trong đó, nguồn vốn đầu tư để đạt được chứng nhận này hiện đã trên 5 tỷ đồng, theo kế hoạch, đến cuối năm 2024 doanh nghiệp sẽ đạt chứng nhận FSSC.

Ưu tiên xanh hóa ngành Chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Chăn nuôi đang đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp. Năm 2024, ngành này đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, việc chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường, phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm, ngành chăn nuôi thải khoảng 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m3 nước thải. Nếu không kiểm soát tốt, ngành chăn nuôi sẽ phát thải hơn 15 triệu tấn CO2.

Nếu không kiểm soát tốt, ngành chăn nuôi sẽ phát thải hơn 15 triệu tấn CO2.

Tại một hội thảo về chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chuyển đổi thành năng lượng xanh. Những việc này sẽ giúp nền nông nghiệp có lượng phát thải thấp, chung tay vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chính vì những áp lực về phát thải nói trên mà trong Quyết định 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 thì Chính phủ đã đề ra những mục tiêu và phương hướng rõ ràng nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Theo đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi là yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Một trong những giải pháp tiềm năng là lựa chọn các loại thức ăn chăn nuôi có lượng phát thải thấp. Việc thay thế, chuyển sang thức ăn làm từ tảo hoặc protein côn trùng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon cho ngành.
Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng với những cơ hội và thách thức song hành. Theo đó, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là con đường duy nhất để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Chính vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu để xanh hóa ngành chăn nuôi là tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, nhằm tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Bởi, với sự đầu tư đúng đắn và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu đáng kể.

Mới đây Australia đã cam kết cung cấp các giải pháp công nghệ cho các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam nhằm chuyển đổi khí biogas thành điện, tiết kiệm chi phí điện năng và cải thiện chất lượng môi trường. Điều này thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn đi lên.

Chính phủ Australia và Việt Nam đang cùng nhau tham gia và cam kết giảm phát thải khí Metan toàn cầu với mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% so với năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành cũng đang ráo riết thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch cho phát triển kinh tế xanh nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050./.

 

Thanh Tâm (t/h theo vtcnews.vn, tinnhanhchungkhoan.vn...)
Ý kiến bạn đọc
Top