Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều mô hình đã chứng minh được hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, từng bước được nhân rộng trên cả nước.
Sơn La sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực như tái chế, nông nghiệp và công nghiệp xanh. Do vậy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sơn La đang tích cực chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. Theo đó, nguồn phế phụ phẩm như, rơm rạ, vỏ cà phê, bã mía... tiềm năng lên tới hàng triệu tấn/năm; trên 8 triệu con gia súc, gia cầm được nuôi theo quy mô trang trại, gia trại là điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân, hợp tác xã tỉnh Sơn La chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là điểm nhấn trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La.
Nổi bật trong lĩnh vực chăn nuôi, tham gia chương trình “Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo” giai đoạn 2006-2012, dự án “chương trình khí sinh học” giai đoạn 2014 – 2017, tỉnh Sơn La đã xây dựng gần 3.000 công trình biogas. Chương trình không chỉ mang lại môi trường sạch từ chăn nuôi mà còn tiết kiệm được tiền của, sức lao động từ việc thu và sử dụng khí biogas trong sinh hoạt thường ngày, được nông dân tiếp nhận, hưởng ứng.
Nông nghiệp Sơn La ngày càng có chuyển biến nhanh và tích cực sang hướng tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái và bền vững. Ảnh: Đức Bình.
Trong mô hình nuôi gia cầm, các nông hộ đã thực hiện nuôi trên nền đệm lót sinh học lên men, nhất là ở những vùng nông nghiệp đô thị, không có mùi hôi làm ảnh hưởng đến gia đình và mọi người xung quanh. Đệm lót sau khi nuôi gia cầm được tái sử dụng làm nguồn phân chuồng bón cho cây trồng.
Nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người nông dân, hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, cán bộ, chuyên gia nông nghiệp tỉnh Sơn La đã triển khai các phương án, giải pháp cụ thể; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các hộ nông dân, HTX, từ đó giúp các nông hộ dần thay đổi tư duy, tiếp cận cách làm, áp dụng vào mô hình kinh tế tại địa phương.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết: "Các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Sơn La thực tế đã được triển khai từ rất lâu và đơn giản, ví dụ như các mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng- rừng... Tuy nhiên, để hệ thống được một cách bài bản, hai nữa là đưa ra được quy trình kỹ thuật chuẩn thì cần phải có những quy trình để bà con nông dân nắm được, từ đó có thể áp dụng thực tế vào HTX cũng như quy mô nông hộ".
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã xây dựng 2.838 công trình biogas qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình khí sinh học, góp phần giảm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Những mô hình tuần hoàn khép kín trong nông nghiệp được phát triển rộng rãi, tiêu biểu như chăn nuôi gà thịt bằng đệm lót sinh học, không có mùi hôi ảnh hưởng tới khu vực dân cư. Đệm lót sinh học sau khi nuôi gà được tái sử dụng ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, có tác dụng cải tạo đất. Phân trâu, bò được sử dụng để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, phân giun dùng để bón cho cây trồng... Các quy trình khép kín đó đã góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Đức Miền, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) chia sẻ: “Nhờ mô hình nông nghiệp tuần hoàn, Hợp tác xã đã giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi, kiểm soát đầu vào, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ giá trị cho đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng và tạo điều kiện để sản xuất bền vững hơn".
Trung tâm Khuyến nông Sơn La cũng đã thúc đẩy các mô hình trồng trọt theo chuỗi giá trị, đặc biệt vừa qua đã triển khai sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 120ha. Quy trình sản xuất lúa không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Người dân dần thay đổi tập quán canh tác, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ và bền vững.
Đồng Tháp: Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn
Dự án Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp được triển khai tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã trải qua bốn vụ sản xuất lúa. Bên cạnh trồng lúa, nông dân còn thực hiện mô hình kết hợp trữ cá mùa lũ, quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tiến Nguyễn Minh Tuấn, sau hai năm thực hiện, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp được nhiều nông dân hưởng ứng và nhân rộng. Năm 2023, chỉ có tám hộ tham gia với diện tích 20 ha thì đến nay, diện tích được mở rộng lên 80 ha với 23 hộ tham gia. Mô hình trồng lúa mới giúp giảm lượng giống, giảm lượng phân bón. Sau thu hoạch, rơm được thu gom khỏi ruộng khoảng 87%, phần còn lại phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, tạo thêm dinh dưỡng cho đất.
Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Trần Thanh Nam cho biết: Năm 2023, huyện triển khai mô hình sản xuất lúa tuần hoàn với diện tích hơn 60 ha, kết hợp nuôi cá mùa lũ. Tổng lợi nhuận từ hai vụ lúa và một vụ cá là hơn 55 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã tổ chức khai thác du lịch trải nghiệm mùa lũ, doanh thu hơn 70 triệu đồng/năm. Năm nay, huyện tăng diện tích lúa theo mô hình mới lên hơn 160 ha.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa không xả thải ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường. Cụ thể như Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) với mô hình nuôi tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) với mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh, không phải sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm, giúp giảm chi phí, tăng chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA đang thực hiện mô hình Aquaponics. Mô hình này kết hợp giữa Aquaculture-nuôi thủy sản tuần hoàn và Hydroponics-trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín. Nước từ bể cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải trong bể cá thành dinh dưỡng cho cây trồng sử dụng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về lại bể cá. Aquaponics là mô hình khép kín, tuần hoàn, tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh. Giám đốc Nguyễn Tiến Thành cho biết: Trang trại Aquaponics có diện tích hơn 13.000 m2 nhưng chỉ cần 16 nhân sự vận hành toàn bộ hệ thống. Thành công của mô hình là kiểm soát được quy trình sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng hơn, trong khi tiết kiệm được 40% chi phí sản xuất.
Cần động bộ các giải pháp
KTTH trong nông nghiệp đã, đang và sẽ là xu thế chính trên thế giới nói chung, tuy nhiên, việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan, trong đó Nhà nước và doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Doanh nghiệp và trang trại, HTX đã dần hình thành các mạng lưới kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp với sự kết nối và hỗ trợ kỹ thuật đến từ các khối viện, trường, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Do vậy, để phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh hóa, Nhà nước cần có cách tiếp cận, toàn diện, bao gồm hỗ trợ chính sách (vốn, mặt bằng), đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực.
Để thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới, cần xem phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các giải pháp chính, như: Xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị; tập trung vào nghiên cứu công nghệ liên quan trực tiếp phát triển kinh tế tuần hoàn như rải vụ, chế biến, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, gồm: Công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải từ sản xuất, chế biến trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thực phẩm; bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới có nền kinh tế tuần hoàn phát triển để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ thế hệ mới…
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, mặc dù khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã hình thành nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, người tiêu dùng về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn chưa đầy đủ, dẫn đến các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa phổ biến, chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp.
Đáng chú ý, sự áp dụng trong các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất còn ít. Chính vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần triển khai mạnh hơn nữa các chương trình nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng chuyên mục khuyến nông về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, xây dựng các trang thông tin điện tử về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và triển khai thực hiện.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.