Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024 | 13:20

Sơn La đồng hành cùng nông dân làm giàu

Thời gian qua, tỉnh Sơn La tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên làm giàu.

Đồng thời, giúp nông dân tiếp cận vốn vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu nông sản, là chỗ dựa vững chắc cho người nông dân trên con đường hội nhập.

Cùng nông dân làm giàu

Hội Nông dân Sơn La hiện có 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã, 2.248 chi hội và trên 171.700 hội viên. Các cấp hội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đẩy mạnh phong trào thi đua; nâng cao chất lượng các các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình "Mận hữu cơ" tại Thành phố.

Hội Nông dân tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án kiện toàn Quỹ "Hỗ trợ nông dân" theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, đến nay, tổng nguồn vốn quỹ đạt hơn 78,5 tỷ đồng, tăng gần 4,9 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tạo điều kiện cho 262 hộ thuộc 29 dự án vay, tổng số tiền trên 11,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cấp hội đã nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội, duy trì hoạt động hơn 1.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, với trên 109.000 thành viên, quản lý hàng nghìn hộ đang vay vốn, với trên 1.714 tỷ đồng; hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập 288 tổ vay vốn, gần 9.000 hộ vay, tổng dư nợ cho vay đạt trên 1.117 tỷ đồng. 

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp còn triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, khởi nghiệp, giới thiệu việc làm cho 300 hội viên, tư vấn xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới cho 35 hội viên; tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 16.500 lượt hội viên, triển khai 21 mô hình dự án; hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển 23 mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu 11 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP lên 300 sản phẩm. Hệ thống 12 cửa hàng nông sản an toàn do Hội thành lập đang hoạt động hiệu quả, góp phần tiêu thụ hơn 10.000 sản phẩm sấy khô đạt chuẩn OCOP, hơn 3.000 tấn quả tươi.

Bên cạnh đó, các cấp hội vận động nông dân, hội viên đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh thành lập mới 15 chi hội nông dân nghề nghiệp và 14 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 431 hội viên tham gia, nâng tổng số lên 202 chi hội nông dân nghề nghiệp, 5.678 hội viên và 381 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với hơn 2.300 hội viên tham gia.

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đánh giá: Thông qua những hoạt động hỗ trợ vốn vay, tư vấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đã tạo động lực để hội viên phát huy sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trong năm 2024, có trên 51.000 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp hội đã vận động hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tương trợ, giúp đỡ 671 hộ hội viên nghèo tiền vốn, kinh nghiệm làm ăn, cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi trị giá hàng tỷ đồng. Thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh phát huy tốt vai trò cầu nối, đồng hành cùng nhà nông, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên làm giàu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thuận Châu trồng cà phê thu nhập cao

Từ nhiều năm qua, cây cà phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Châu. Thời điểm này, về các xã trọng điểm trồng cà phê của huyện như: Bản Lầm, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Tông Lạnh.., chúng tôi chia vui cùng bà con, vì giá cà phê năm nay cao hơn so với mọi năm.

Nông dân xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, thu hoạch cà phê. 

Gần chục ngày nay, gia đình anh Lò Văn Cường ở bản Hốn, xã Chiềng Bôm thuê thêm 4 lao động để thu hoạch 7 ha cà phê đang chín rộ. Vụ cà phê năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm so với vụ trước, nhưng giá lại cao hơn so với mọi năm, giao động từ 14.000-18.000 đồng/kg quả cà phê tươi. Anh Cường chia sẻ: Nếu giá ổn định như hiện nay, người trồng cà phê chúng tôi sẽ có thu nhập cao.

Những năm gần đây, cây cà phê được mở rộng diện tích ở Chiềng Bôm, đến nay, xã có hơn 280 ha cây cà phê; trong đó gần 250 ha cho thu hoạch, sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/vụ. Giá cà phê vài năm trở lại đây có xu hướng tăng từ 10.000 -18.000 đồng/kg. Cây cà phê đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 3-5%/năm.

Tại xã Muổi Nọi, cây cà phê được trồng đã từ lâu. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Quá trình chăm sóc khuyến cáo bà con sử dụng phân vi sinh hoặc phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục để bón cho cây; đồng thời thường xuyên kiểm tra vườn cây, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đến nay, nhân dân 7 bản của xã đều trồng cây cà phê, với 409 ha, trong đó 376 ha cho thu hoạch; năm nay dự kiến sản lượng đạt  2.256 tấn. Thời điểm này, đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhiều gia đình còn phải thuê thêm người để hái cà phê.

Đến nay, huyện Thuận Châu có trên 6.400 ha cây cà phê; trong đó, hơn 5.200 ha cho thu hoạch, tập trung tại các xã: Bản Lầm, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng Bôm... Niên vụ 2024-2025, sản lượng cà phê quả tươi toàn huyện ước đạt 30.000 tấn.

Để tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân, dự kiến 10 cơ sở sơ chế, chế biến trên địa bàn huyện sẽ thu mua khoảng 17.000 tấn quả cà phê quả tươi; sản lượng còn lại khoảng 13.000 tấn, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh thu mua cho bà con. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê, ngay từ đầu năm, Phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch liên kết chuỗi sản xuất cà phê. Chỉ đạo cán bộ chuyên môn về cơ sở hướng dẫn nhân dân chăm sóc đúng kỹ thuật, nên cà phê quả chín tương đối đồng đều, thuận lợi cho việc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm của người dân.

Phát triển vùng trồng cà phê đạt tiêu chuẩn, huyện Thuận Châu đang tiếp tục khuyến khích các hộ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng sản phẩm cà phê cho người dân. Tăng cường tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm cà phê đến với người tiêu dùng. Mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua cà phê cho nhân dân, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá.

Phát triển cây mắc ca ở Sốp Cộp

Thực hiện chủ trương đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, huyện Sốp Cộp đã đưa cây mắc ca vào trồng tại các xã Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Nậm Lạnh. Hiện nay, mắc ca đang phát triển tốt, nhiều diện tích đã cho quả vụ đầu.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca với nhân dân.

Năm 2020, cây mắc ca bén rễ trên những nương đồi tại bản Co Đứa, xã Mường Và, giống cây mắc ca do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và nhập từ tỉnh Lâm Đồng về trồng 60 ha, đến nay diện tích này đã tăng lên 71 ha. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau hơn 4 năm trồng, chúng tôi nhận thấy cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, tỷ lệ sống đạt 98%, cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh. Năm nay là vụ đầu tiên cây mắc ca cho quả bói, năng suất quả tươi ước đạt gần 3 tấn/ha, những năm tiếp theo, cây sẽ cho năng suất ổn định từ 6-8 tấn quả tươi/ha. Công ty dự kiến mở rộng diện tích lên 100 ha trong những năm tới và tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động địa phương trong công tác trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Anh Quàng Văn Lâm, bản Co Đứa, xã Mường Và, chia sẻ: Tôi làm công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và đã 4 năm nay, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Tôi thấy cây mắc ca dễ trồng và chăm sóc, nên năm 2023, tôi đăng ký với Công ty trồng hơn 200 cây mắc ca giống trên đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả của gia đình. Đến nay, cây mắc ca đang phát triển tốt.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có 81,5 ha trồng cây mắc ca, trong đó 60 ha đang cho quả bói vụ đầu tiên, quả mắc ca sẽ thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hằng năm. Ông Vì Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Mắc ca là cây lâu năm cho hạt có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây thấp tán như cà phê, chè, cây dược liệu. Thực hiện kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng kém hiệu quả để tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các hộ dân phát triển thành vùng nguyên liệu gắn với cam kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm mắc ca.

Xã Púng Bánh có 1 ha mắc ca được trồng ở bản Khá Nghịu theo mô hình của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật năm 2022, hiện nay, cây đang phát triển tốt. Các hộ dân trong xã cũng đã đăng ký trồng thêm 10 ha mắc ca. Còn ở xã Dồm Cang từ năm 2023 đến nay, nhân dân đã thực hiện trồng 8 ha cây mắc ca gắn với phát triển kinh tế rừng, trong đó có 6 ha trồng theo dự án hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân đăng ký với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng mắc ca trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, hoặc trồng xen với cây cà phê, nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác và tăng khả năng che phủ rừng.

Ông Lò Văn Điện, bản Tốc Lừu, xã Dồm Cang, chia sẻ: Gia đình tôi trồng xen 350 cây mắc ca trong 2,5 ha cà phê từ năm 2023. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca phát triển tốt, cây đã cao từ 1,5 - 2 mét, phát tán tầng thứ ba, trong khi cây cà phê vẫn cho năng suất ổn định.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Sốp Cộp sẽ mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 300 ha. Hiện nay, huyện tiếp tục khuyến khích, thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tại nhiều xã trên địa bàn; liên kết với các hộ dân hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm, đem lại nguồn sinh kế mới bền vững cho bà con nông dân và góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương.

Theo baosola.vn

 

V.N (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top