Nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về kỹ thuật sản xuất con giống, quy trình chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Trị và An Giang thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt 18M1 an toàn sinh học.
Xây dựng mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học
Gà 18M1 là gà lai giữa gà bố 18Ga04 với gà mái LV2, có đặc điểm ngoại hình đẹp, được thị trường ưa chuộng, triển vọng phát triển ra thị trường theo hướng gà đặc sản.
Nhận thấy cần phải chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được công nhận vào sản xuất, đặc biệt là gà 18M1, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 3 tỉnh (Thái Nguyên, Quảng Trị, An Giang) chọn điểm, chọn hộ chăn nuôi để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt 18M1 an toàn sinh học.
Tại Thái Nguyên, năm 2023, Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi gà 18M1 an toàn sinh học tại 2 hộ gia đình tham gia thuộc xóm Khe Nác, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương. Tổng số gà cấp cho hai hộ là 600 con, mỗi hộ nuôi 300 con. Quá trình nuôi, chăm sóc, các hộ gia đình được hỗ trợ con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh.
Sau hơn 3 tháng nuôi, qua đánh giá, nghiệm thu thực tế thấy, chăn nuôi gà thịt 18M1 an toàn sinh học phù hợp với điều kiện địa phương, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như tỷ lệ nuôi sống đạt gần 98%, trọng lượng 17 tuần tuổi đạt 1,8 - 3,5 kg, tiêu tốn thức ăn 7 kg thức ăn/con, đạt yêu cầu đề ra.
Thăm mô hình chăn nuôi gà 18M1 an toàn sinh học tại Quảng Trị.
Tại Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị lựa chọn hộ ông Trần Ngọc Huynh ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng tham gia mô hình gà bố mẹ (trống Ga04 x mái LV2) với quy mô 1.000 con 1 ngày tuổi. Sau khi nhận giống gà đưa về hộ chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh… Đặc biệt, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót. Nhờ đó mà mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi giảm rõ rệt do đệm lót phân hủy hết phân gà.
Kết quả, sau 20 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống: Gà trống đạt 92%, gà mái 90%, gà mái vào đẻ 83,27%...; đàn gà có độ đồng đều cao, sinh sản tốt, tỷ lệ đẻ ổn định và kéo dài. Mô hình gà bố mẹ đã chuyển giao được 31.916 con gà thương phẩm tại các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Đắk Rông… trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cũng tại Quảng Trị, hộ ông Vũ Văn Bắc ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cũng được lựa chọn thực hiện mô hình. Ông Bắc cho hay, qua thực tế nuôi tại địa phương thấy, gà lai 18M1 thích ứng tốt với tình hình khí hậu nắng nóng tại Quảng Trị. Tỷ lệ nuôi sống đạt 98%; trọng lượng gà mái lúc 8 tuần tuổi đạt 850 g/con, gà trống 1.150 g/con…
Mặt khác, giống gà lai 18M1 có sức đề kháng rất tốt và chịu khó tìm kiếm thức ăn nên rất thích hợp với phương thức nuôi thả vườn, đặc biệt dưới tán rừng sản xuất. Do có thể kết hợp chăn nuôi bán công nghiệp, thả vườn nên chất lượng thịt thơm ngon, giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hiệu quả bước đầu của mô hình thử nghiệm chăn nuôi gà lai 18M1 an toàn sinh học tại hộ ông Vũ Văn Bắc là minh chứng cho tiềm năng phát triển của giống gà này tại Quảng Trị. Thông qua mô hình, nhiều hộ dân đã đến tìm hiểu về giống gà lai 18M1 và mong muốn tiếp cận nguồn con giống để phát triển chăn nuôi.
Tại tỉnh An Giang, thực hiện mô hình gà bố mẹ (trống 18Ga40 x mái LV2) tại hộ ông Nguyễn Thành Giang, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, với quy mô 2.000 con 1 ngày tuổi.
Kết quả sau 12 tháng nuôi, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng thu nhận thức ăn tốt, có sức đề kháng cao. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn trực tiếp các hộ nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật gà bố mẹ: Tỷ lệ sống đạt 90%, năng suất trứng/mái/54 tuần tuổi đạt 123,85 quả, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 2,77 kg, tỷ lệ chọn trứng giống đạt 90%, tỷ lệ ấp nở/trứng ấp là 79%. Tuy nhiên, hộ ông Nguyễn Thành Giang lần đầu tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nuôi gà sinh sản nên đàn gà kết thúc giai đoạn dò, hậu bị có độ đồng đều chưa cao, tỷ lệ đẻ không ổn định, tỷ lệ ấp nở thấp hơn so với các hộ nuôi ở tỉnh Thái Nguyên và Quảng Trị.
Mô hình gà thương phẩm 18M1 còn thực hiện tại 2 hộ là ông Lê Rô A thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên và bà Nguyễn Cẩm Tú xã Cần Đăng, huyện Châu Thành với quy mô 500 con/hộ. Mô hình gà lai thương phẩm 18M1 nuôi tại An Giang đã phát huy hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Gà 18M1 sinh trưởng, phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt 93,4%, có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương, dễ nuôi, sử dụng được nhiều phương thức nuôi khác nhau (nuôi nhốt, chăn thả và bán chăn thả), trọng lượng bình quân đạt 2 - 2,2 kg/con.
Cơ hội phát triển chăn nuôi bền vững
Sau thời gian thực hiện mô hình tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Quảng Trị và An Giang thấy gà bố mẹ (trống 18Ga40 x mái LV2) và gà thương phẩm 18M1 thích nghi tốt với điều kiện ở các vùng sinh thái khác nhau, gà dễ nuôi, có thể nuôi bằng nhiều phương thức khác nhau, sử dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương nên giảm được giá thành, tăng lợi nhuận chăn nuôi.
Gà lai 18M1.
Mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà 18M1 an toàn sinh học, hướng dẫn các hộ sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót. Đệm lót sinh học đã phân hủy hết phân, do đó, mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi giảm rõ rệt, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi cho người dân. Gà nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng phát triển tốt, sạch sẽ, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, sẽ giảm được công và chi phí thuốc thú y trong điều trị bệnh.
Thông qua mô hình giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.