“Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, hệ thống ngân hàng còn non trẻ, tiềm ẩn rủi ro. Với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), BHTGVN đã từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển của ngành Ngân hàng” – Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập BHTGVN.
BHTGVN được thành lập ngày 9/11/1999 theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức chuyên trách triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam, thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Từ khi thực hiện Luật BHTG năm 2012, BHTGVN từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, luôn chủ động, tích cực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Thông qua các nghiệp vụ gắn liền với vòng đời của một TCTD, BHTGVN đã có những đóng góp nhất định giúp bảo đảm an toàn các TCTD, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể:
Tính đến tháng 9/2024, tổng số tổ chức tham gia BHTG là 1.278 tổ chức, bao gồm 96 Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân, 01 Ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
BHTGVN thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG; thực hiện giám sát chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; định kỳ hoàn thành báo cáo giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG và báo cáo giám sát chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề.
Qua công tác giám sát, BHTGVN phát hiện và đưa ra những đánh giá về tình hình cũng như xu hướng hoạt động có thể tiềm ẩn rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, từ đó đưa ra những kiến nghị để Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, BHTGVN tiếp tục duy trì việc theo dõi thông tin, diễn biến tình hình hoạt động của các TCTD được kiểm soát đặc biệt, sẵn sàng tham mưu với Ngân hàng Nhà nước để xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.
Đối với nội dung hỗ trợ chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nêu tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN đã phối hợp cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố về kết quả giám sát các quỹ tín dụng nhân dân. Căn cứ vào kết quả giám sát và những trao đổi của BHTGVN, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố đã đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với từng quỹ tín dụng nhân dân.
Trong 25 năm qua, BHTGVN đã tập trung nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra. BHTGVN đã chủ động xây dựng và hoàn thành tốt kế hoạch kiểm tra hàng năm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, từ năm 2019, BHTGVN đã tham gia kiểm tra chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kiểm tra được ghi nhận và đánh giá tốt.
Qua công tác kiểm tra, BHTGVN rà soát, đánh giá tồn tại, sai sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi cũng như các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng; từ đó chỉ rõ nguyên nhân, hướng dẫn, giải thích cụ thể và yêu cầu tổ chức tham gia BHTG có biện pháp khắc phục, đồng thời kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng có những đề xuất, kiến nghị giải pháp với cơ quan có thẩm quyền để chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia BHTG phát triển an toàn, lành mạnh.
Trong giai đoạn đầu thành lập, BHTGVN đã tiến hành trả tiền bảo hiểm một cách chính xác, kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương. BHTGVN đã chi trả bảo hiểm cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố.
Trong giai đoạn hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, ổn định, không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, các đơn vị trong toàn hệ thống vẫn luôn tập trung bám sát diễn biến, tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được kiểm soát đặc biệt để có các biện pháp tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh.
BHTGVN đã cử 80 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN theo dõi và cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố; thường xuyên cập nhật diễn biến hoạt động cũng như số liệu, xác định số tiền dự kiến chi trả của các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống phát sinh. BHTGVN cũng đã cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2024.
Cùng với đó, BHTGVN thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính. Công tác tuyên truyền chính sách BHTG cũng được triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, bắt kịp xu hướng truyền thông hiện đại thông qua mạng xã hội và nhiều hình thức truyền thông hiện đại khác. Nhờ vậy, BHTGVN đã và đang đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về chính sách BHTG, tạo sự an tâm và tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD Việt Nam.
Bước sang tuổi thứ 25, chặng đường sắp tới của BHTGVN sẽ có thêm những nhiệm vụ mới. Với phương châm luôn bảo đảm tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, BHTGVN cho biết luôn theo sát diễn biến hoạt động của các TCTD thông qua việc chủ động triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG. Kỳ vọng trong thời gian tới, với những thay đổi về cơ sở pháp lý của hoạt động BHTG, trong đó có việc Quốc hội, Chính phủ, NHNN xem xét sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, BHTGVN sẽ ngày càng phát huy vị thế, vai trò của mình để thực hiện tốt hơn sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.