Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024 | 11:55

Người dân tộc thiểu số làm giàu nhờ trồng rừng

Phát huy lợi thế quỹ đất lâm nghiệp, người dân tộc thiểu số ở huyện vùng sâu Kbang (tỉnh Gia Lai) đã trồng hàng nghìn ha rừng, không chỉ góp phần tăng độ che phủ và bảo vệ môi trường mà còn có thu nhập tốt từ trồng rừng.

Từ năm 2009, ông Đinh Văn Bới người Bahnar ở làng Đăk Kjông, xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã dốc toàn bộ vốn để trồng 4ha keo. Ông Bới còn vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng trồng 5 ha bạch đàn. Sau nhiều năm chăm sóc, ông đã thu hoạch diện tích keo và bán được 85 triệu đồng/ha. Ông Đinh Văn Bới cho biết, việc trồng rừng đã giúp gia đình có của ăn của để.

“Trồng rừng nhàn và thu nhập cao hơn. Trồng bắp không năng suất bằng cây keo, cây keo dù lâu năm nhưng chỉ cần thu hoạch một lần là ổn. Kỹ thuật trồng keo cũng bình thường, chủ yếu mua giống, mua thuốc chống mối và phát cỏ mỗi năm 2 lần”, ông Bới chia sẻ.

nguoi dan toc thieu so lam giau nho trong rung hinh anh 1
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Gia Lai đã trồng 16.721ha rừng - Ảnh: Nguyễn Thảo

Ông Phùng Văn Minh dân tộc Mường ở thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cũng đã vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Bước ngoặt đến vào năm 2010, khi ông tham gia một dự án trồng rừng được nhà nước hỗ trợ giống keo miễn phí. Với 3 ha keo đầu tiên cho thu hoạch năm 2016, gia đình trả hết nợ và có vốn tái đầu tư.

“Trồng rừng không bao giờ lo bị mất mùa. Mấy năm nay, gia đình có thêm thu nhập cao nhưng không tốn nhiều công sức như những cây trồng khác. Người ta trồng và bán keo theo ha, còn mình thì bán tại nhà máy. Bán keo gia đình mua được ô tô để chở keo từ rừng về nhà máy. Ngày trước trồng cây ngắn ngày thì chỉ đủ ăn, phải vay ngân hàng liên tục. Nhưng từ khi trồng rừng, cuộc sống đã khá hơn nhiều”, ông Phùng Văn Minh phấn khởi khi rừng đã giúp cuộc sống gia đình ông hoàn toàn thay đổi.

Từ năm 2021 - 2023, huyện Kbang đã trồng gần 3.200ha rừng. Riêng xã Lơ Ku có hơn 700ha rừng, trong đó 1/2 đang vào giai đoạn thu hoạch. Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết, địa phương phối hợp với ngân hàng trên địa bàn để hỗ trợ người dân vay vốn mua giống cây và chăm sóc rừng.

Người dân cũng được khuyến khích trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu, khoai để tăng thêm thu nhập. Việc trồng rừng không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn giúp người dân tận dụng đất đồi, đất dốc, chống sạt lở và nâng cao thu nhập, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

“Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng. Bà con được hướng dẫn quy trình từ khâu đào hố đến phát dọn thực bì và chăm sóc cây trong từng giai đoạn”, ông Trần Xuân Nam cho biết.

nguoi dan toc thieu so lam giau nho trong rung hinh anh 2

Tại xã Lơ Ku, người dân trồng hơn 700 ha rừng. Nhiều hộ đã có cuộc sống khấm khá - Ảnh: Nguyễn Thảo

Gia Lai hiện có hơn 723.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 152.470ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%. Ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, thực hiện Nghị quyết 06- NQ/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển lâm nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, đến nay tỉnh đã trồng được hơn 16.721 ha rừng.

“Sở xác định nguồn lực xã hội hóa là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu của nghị quyết. Sở huy động sức dân, tận dụng lao động và đất đai tại chỗ, chuyển đổi từ nông nghiệp sang lâm nghiệp bền vững để tăng thu nhập cho người dân. Các cơ quan chuyên môn được giao chỉ tiêu cụ thể nhằm phát triển kinh tế rừng và đạt hiệu quả cao”, ông Hoan cho hay.

Nhờ định hướng đúng đắn và chính sách phù hợp đối với việc phát triển rừng, người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã và đang gắn bó với rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giúp cuộc sống ngày càng ổn định, khấm khá hơn.

 

Nguyễn Thảo/VOV
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • HTX “phất lên” từ sản phẩm OCOP “cây nhà lá vườn”

    HTX “phất lên” từ sản phẩm OCOP “cây nhà lá vườn”

    Nguồn tri thức phong phú của đồng bào dân tộc Giáy đã ngấm vào anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương (Gia Phú, Bảo Thắng, Lào Cai) từ khi còn là trẻ thơ theo mẹ vào rừng hái lá thuốc về chữa bệnh cho đồng bào.

  • Dự án di dân vùng ảnh hưởng thiên tai thôn Yên Nẫm: Ách tắc được gỡ

    Dự án di dân vùng ảnh hưởng thiên tai thôn Yên Nẫm: Ách tắc được gỡ

    Sau 13 năm triển khai, với đủ bề khó khăn, cuối cùng dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai thôn Yên Nẫm (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã hoàn thành, giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.

  • Thừa Thiên - Huế xây dựng vùng quê thành nơi “đáng sống”

    Thừa Thiên - Huế xây dựng vùng quê thành nơi “đáng sống”

    Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với cách làm chủ động, sáng tạo, giúp thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê, nâng cao mọi mặt đời sống người dân.

Top