Ngành nông nghiệp Yên Bái đã xây dựng Phương án số 01/PA-SNN nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5,5% trong năm nay.
Nếp Tú Lệ được người tiêu dúng ưu chuộng
Tháng 10 về, nếp Tú Lệ chính thức khép lại mùa thu hoạch và bắt đầu hành trình mới đến tay khách hàng. Với trên 100 ha, sản lượng đạt khoảng 500 tấn thóc, người trồng lúa nếp ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hàng năm thu về trên 11 tỷ đồng với sản phẩm được người tiêu dùng trên cả nước săn đón, ưa chuộng.
Chế biến từ hạt nếp Tan còn ngậm sữa, sản phẩm cốm Tú Lệ đã trở thành hàng hóa có giá trị.
Theo các cụ cao niên ở đây cho biết, không nơi nào trồng loại lúa này mà cho được thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng này. Đó là bởi cánh đồng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày; được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao lại được tưới mát bởi nguồn nước mát từ các suối Ngòi Hút, Nậm Lung; cấu tạo của đất thì tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên. Đó còn là sự nâng niu bảo tồn giống lúa quý, sự dày công chăm sóc từ lúc gieo trồng cho đến thu hoạch theo hướng an toàn của đồng bào nơi đây.
Chị Hoàng Thị Liên ở thôn Nà Lóng, xã Tú Lệ cho biết: "Trước đây, việc canh tác hoàn toàn dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm nhưng từ một vài năm gần đây, chúng tôi được tham gia tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa nếp Tan Tú Lệ theo hướng an toàn từ phương pháp theo dõi, ghi chép nhật ký, hạch toán sản xuất, hướng dẫn an toàn lao động và phương pháp quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đó, không chỉ giảm chi phí đầu vào mà đầu ra cũng được nâng cao. Chúng tôi còn liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ để sản xuất theo quy chuẩn của HTX và được HTX bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi với giá tốt hơn. Với 5 sào lúa, gia đình tôi thu hoạch trung bình 8 tạ thóc, bán giá 23.000 đồng/kg, thu nhập tăng gần 5 triệu đồng/ha so với cách canh tác trước”.
Một vài năm trở lại đây có thể thấy sự liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ và người trồng lúa nếp Tan ở Tú Lệ ngày càng bền chặt, rõ ràng. Quy chế cho mô hình liên kết này còn được xây dựng và ban hành cụ thể, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Theo đó, các hộ nông dân sản xuất lúa nếp Tan Tú Lệ phải tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của dự án, ký hợp đồng sản xuất và bán lúa cho HTX. HTX đóng vai trò tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm của người dân (có hợp đồng), đóng gói, dán nhãn và phát triển thị trường cho sản phẩm nếp Tan.
Năm 2020, sản phẩm gạo nếp Tú Lệ đã đạt OCOP 4 sao; được bảo hộ trí tuệ về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Hiện, HTX đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất nếp Tú Lệ, quy mô trên 50 ha; toàn bộ diện tích sản xuất của người dân đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020. Với giá thu mua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, hàng năm HTX tiêu thụ khoảng 70 tấn thóc cho các hộ liên kết.
Ông Hoàng Văn Soàn - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: "Đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học và nông dân trong việc hình thành vùng lúa nếp hàng hóa với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Nông dân cũng dần từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để có điều kiện liên kết sản xuất lớn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được tăng cường, giúp đưa các sản phẩm gạo địa phương vươn ra các thị trường lớn hơn. Nhờ đó mà gạo nếp Tú Lệ thường trong tình trạng cung không đủ cầu”. Sức hút từ giống gạo nếp Tú Lệ trên thị trường cũng đã được người tiêu dùng khẳng định.
Chị Nguyễn Thu Thủy Linh ở Quảng Ninh chia sẻ: "Ăn nếp này quen rồi giờ ăn giống khác không thấy ngon. Mấy chị em trong công ty mình cũng thế! Nên cứ mùa thu hoạch nếp mới, biết mình có người quen ở Tú Lệ, mấy chị em trong công ty lại rủ nhau mua chung, người 5 kg, người vài chục cân để ăn dần hoặc biếu người thân. Gạo nếp này xôi hoặc gói bánh chưng đều rất ngon. Bây giờ lại có hút chân không từng túi 1 kg nên tiện bảo quản, sử dụng lắm!”.
Thời gian tới, xã Tú Lệ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa nếp an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đều là những sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn.
Nếp Tú Lệ là một trong những giống gạo nếp nằm trong tốp đầu những loại gạo nếp ngon nhất cả nước không chỉ vì độ ngon, độ sạch mà còn vì độ hiếm. Ở xã Tú Lệ, giống nếp Tan chỉ trồng vào vụ mùa, thu hoạch tháng 10 hàng năm, với diện tích ổn định hàng năm chỉ trên 100 ha, sản lượng đạt khoảng 500 tấn, trong đó khoảng 200 tấn được dùng để làm cốm.
Giữ thương hiệu “Cam Văn Chấn”
Cây cam đã từng là cây trồng chủ lực xoá đói giảm nghèo, là niềm tự hào của người dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn mỗi khi nói đến và đã được công nhận Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn”. Tuy nhiên, hiện tượng vàng lá thối rễ dẫn đến việc người dân phải chặt bỏ khiến diện tích trồng cam của toàn huyện giảm một nửa. Để giữ vững thương hiệu “Cam Văn Chấn” đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và cả huyện Văn Chấn khi diện tích cam giảm đi trầm trọng.
Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về cách chăm sóc những diện tích cam chưa nhiễm bệnh.
Thị trấn Nông trường Trần Phú từng nổi tiếng là địa phương có diện tích cam nhiều nhất nhì của huyện. Thời kỳ nhiều nhất, cả xã có hơn 500 ha cam. Cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực làm giàu cho người dân trong xã, không ít nhà có bạc tỷ từ cây cam. Gia đình ông Phan Văn Việt ở thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những hộ dân gắn bó với cây cam đầu tiên ở vùng đất này. Từ năm 2001, gia đình ông đã trồng 0,5 ha cam Đường canh và cam sành. Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên hơn 2 ha.
Giai đoạn từ 2013 - 2016, vườn cam được mùa được giá, thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha. Thế rồi, "cơn bão” dịch bệnh trên cây cam ập đến, từng luống cây ngả màu úa vàng chết khô.
Đến năm 2020, cả 2 ha cam chỉ còn thưa thớt vài cây lay lắt, ông Việt phải chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Nhìn đồi cam đã bị chặt bỏ, ông Việt buồn rầu: "Tiếc lắm nhưng chả biết làm sao vì bệnh không thể cứu chữa được, dù tôi đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện và các chuyên gia nhưng tình trạng cũng không khả quan. Từ vườn này lan sang vườn kia, có những cây hôm nay vẫn xanh tốt nhưng chỉ ngày hôm sau đã héo úa buộc lòng tôi phải chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác. Cây cam đã gắn bó với gia đình tôi cả chục năm trời. Nhờ cây cam mà cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn rất nhiều. Tâm huyết, tiền của tôi đổ dồn vào vườn cam bây giờ đành ngậm ngùi phá bỏ để cải tạo lại đất trồng cây khác vì cây cam không thể tiếp tục trồng lại được”.
Thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La - nơi được cho là có nhiều diện tích cam nhiều nhất của xã và cũng là thôn có nhiều tỷ phú nhất nhờ trồng cam. Gia đình ông Nguyễn Văn Bích là hộ tiêu biểu trong việc trồng cam cũng từng là điển hình phát triển kinh tế của địa phương với tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng mỗi năm từ cam. Thời điểm năm 2014, gia đình ông Bích có tới hơn 7 ha cam, quýt các loại. Để tạo thương hiệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm, ông Bích đã tập hợp các hộ gia đình có diện tích cam nhiều trong thôn thành lập tổ hợp tác tập trung trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng tầm và giữ vững thương hiệu "Cam Văn Chấn”.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm 5 ha cam của gia đình ông chết sạch không thể cứu vãn nổi. Bao nhiêu công sức, tâm huyết, vốn liếng đầu tư vào đồi cam mà ông Bích đành ngậm ngùi phá bỏ: "Không hiểu sao cây đang phát triển rất tốt, nhưng dịch bệnh lây lan rất nhanh, lúc đầu chỉ lác đác vài chỗ, mấy ngày sau hiện tượng đã lây lan ra cả vườn rồi toàn bộ diện tích. Mặc dù, tôi đã theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng tích cực cứu chữa nhưng những cây cam còn lại quả còi cọc, chậm phát triển. Không riêng gì gia đình tôi, cả khu vực này các vườn cam cứ đổ bệnh như nhau rồi chết”.
Huyện Văn Chấn được biết đến là "thủ phủ” của cây cam. Năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Văn Chấn đã chọn cây cam để phát triển. Diện tích cam trồng mới không ngừng tăng và thời điểm cam chưa bị bệnh, toàn huyện Văn Chấn có hơn 2.000 ha cam, sản lượng đạt 10.000 tấn/năm, mỗi năm xuất ra thị trường hàng ngàn tấn cam, đem lại thu nhập gần 200 tỷ đồng.
Tháng 12 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Văn Chấn”. Ngày 4/11/2022, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 5345 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00121 "Văn Chấn” cho sản phẩm quả cam khu vực địa lý các xã: Cát Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An; thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú.
Tuy nhiên, những địa phương nổi tiếng có diện tích trồng cam nhiều như thị trấn Nông trường Trần Phú và xã Thượng Bằng La đã dần vắng bóng cây cam. Đến nay, toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha cam. Diện tích cây cam giảm, dẫn tới sản lượng giảm, thu nhập của người trồng cam cũng giảm. Đó là thực tế của người trồng cam như ông Nguyễn Văn Bích, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La; ông Phan Văn Việt, thị trấn Nông trường Trần Phú và hàng ngàn hộ trồng cam khác.
Để giữ thương hiệu "Cam Văn Chấn”, ngày 16/4/2024, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Hà Nội và 9 xã vùng ngoài của huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo diện tích cam của huyện năm 2024. Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại diện tích cam có chất lượng với quy mô phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tạo ra sản phẩm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Diện tích trồng mới, trồng cải tạo lại năm 2024 tối đa là 100 ha, triển khai trên địa bàn các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú. Đồng thời, UBND huyện Văn Chấn giao Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội tại các xã vùng ngoài tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực tham gia cải tạo, phát triển diện tích mới và chăm sóc diện tích cam hiện có.
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Những diện tích bị nhiễm bệnh, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương chặt bỏ, cải tạo lại đất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có nguồn gốc hóa học, tuyệt đối không trồng lại cam trên diện tích đã bị chặt bỏ do nhiễm bệnh; những diện tích chưa nhiễm bệnh chỉ đạo các địa phương vận động bà con nông dân tập trung chăm sóc; những diện tích có thể phục hồi được hướng dẫn chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, vi sinh, tưới nước đầy đủ, thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không để lây lan ra cây khác, vườn khác.
Huyện đang xem xét xây dựng Đề án hỗ trợ nhân dân khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi. Cùng với việc khảo sát, quy hoạch đất đai, hướng dẫn nhân dân trồng mới, huyện sẽ hỗ trợ một phần giá cây giống để động viên nhân dân. Hiện nay, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá lại vùng trồng, nhu cầu của nhân dân, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai, để sớm khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Giải pháo thúc đẩy tăng trưởng đồng bộ ngành Nông nghiệp
Những tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt, trọng tâm là các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững. Nhờ đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng duy trì tăng trưởng ở mức khá cao.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh hướng dẫn phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, sử dụng vắc xin phòng bệnh cho đàn gà.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ và tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 40% kế hoạch. Huyện Yên Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 4 được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và thủy sản, gây ra áp lực lớn cho việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng chung. Theo thống kê, ngành nông nghiệp ước thiệt hại khoảng trên 510 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về trồng trọt trên 90,8 tỷ đồng, lâm nghiệp trên 19 tỷ đồng, chăn nuôi 77,8 tỷ đồng, thủy sản 41,5 tỷ đồng, thủy lợi 281,2 tỷ đồng.
Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Phương án số 01/PA-SNN nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5,5% trong năm nay.
Theo đó, bên cạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh do ảnh hưởng của bão số 3, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng lĩnh vực để phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân khôi phục các diện tích cây trồng, vật nuôi, mặt nước bị thiệt hại; đồng thời, thực hiện rà soát các quỹ đất trống, chuồng trại trống để hướng dẫn người dân nuôi, trồng tăng thêm diện tích các loại cây trồng, vật nuôi trong vụ đông, góp phần tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi và khai thác gỗ rừng trồng.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Ngay sau lũ, Chi cục đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi khử trùng tiêu độc, không để các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát. Đồng thời, có các biện pháp khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi để bù đắp thiệt hại. Sau hơn một tháng thực hiện phương án khôi phục sản xuất sau bão lũ, ngành chăn nuôi Yên Bái đã phục hồi gần 400.000 con gia súc gia cầm, đặc biệt đàn gia cầm phát triển mạnh mẽ với trên 380.000 con”.
Cùng với phát triển chăn nuôi, để khôi phục lại sản xuất, đồng thời bù đắp một phần thiệt hại trong lĩnh vực lâm nghiệp, cũng như giá trị sản xuất của lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương trong tỉnh phấn đấu thực hiện trồng bổ sung khoảng 400 ha rừng sản xuất đồng thời đẩy mạnh khai thác rừng bổ sung với sản lượng gỗ khai thác tăng thêm khoảng 20.000m3, giá trị khoảng 35,331 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng thêm khoảng 16,080 tỷ đồng. Bên cạnh chăn nuôi và trồng rừng, hiện các địa phương cũng tập trung phát triển sản xuất cây vụ đông để bù đắp lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Bên cạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục và khôi phục sản xuất, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia và hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra... đảm bảo sát với tình hình thực tế của các địa phương.
Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, gắn mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất.
9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 5,34%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, thứ 2/14 tỉnh trong vùng. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 309.000 tấn bằng 97,1% kế hoạch, bằng 95% so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi ước đạt 63.203 tấn, đạt 94,3% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính ước đạt 853.289 con, đạt 97,9% kế hoạch, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 61.393 tấn, đạt 81,9% kế hoạch; trồng mới rừng ước đạt 15.400 ha, đạt 102,7% kế hoạch. |
Theo baoyenbai.com.vn
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thực hiện phong trào thi đua 75 ngày đêm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3, thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa ra quân xây mới, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 470 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.