Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024 | 20:17

Các đại biểu đề xuất tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế

Hôm nay (4/11), thảo luận về tình hình KT-XH, các đại biểu tiếp tục đề nghị nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai,...

Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế

​Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định) đánh giá: Trong thời gian vừa qua chúng ta đạt bước tiến quan trọng trong quá trình hồi phục kinh tế. GDP 9 tháng tăng 6,82% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quan trọng nhất là xuất khẩu tăng 15,68%, nhập khẩu tăng 15,84%. Bên cạnh đó, chúng ta tương đối thành công trong việc kiểm soát lạm phát, CPI tổng quát tháng 9 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái, tính chung 9 tháng CPI tăng 3,88%.

Tuy nhiên, để kinh tế ngày càng phát triển tôi kiến nghị tiếp tục nới lỏng, có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu.

Các đại biểu đề xuất tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này. Cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giữ ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại. 

Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng: Với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, kinh tế - xã hội 9 tháng đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng qua đã vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện.

Về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8%, nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 Quốc gia giao về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Sớm nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt

Trước tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị 5 vấn đề:

Thứ nhất: Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt.

Thứ hai:  Đại biểu bày tỏ ủng hộ việc Chính phủ bổ sung đầu tư ngân sách cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên, quan tâm cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thông qua hợp tác quốc tế.

Thứ ba: Phân công Bộ, ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, lập báo cáo về bản đồ, xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để tiến đến phương án quy hoạch, cảnh báo nghiêm ngặt. Nghiên cứu đưa ra những quy chuẩn riêng trong thiết kế xây dựng phù hợp với địa chất, địa hình, địa chất. 

Thứ tư: Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã triển khai việc thu hoạch nước mưa. Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, ngành liên quan sớm phân tích, đánh giá và ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy mô và điều kiện thích hợp ở từng vùng trong việc tích trữ và sử dụng nước mưa làm cơ sở để người dân an tâm thực hiện.

Thứ năm, Đồng bằng sông Cửu Long rất cần Chính phủ, Quốc hội tạo cơ chế, chính sách tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho vùng khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra bước đột phá trong đầu tư và phát triển trong thời gian tới.

Đào tạo, tập huấn về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ và người dân

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm lớn đến công tác phòng, chống thiên tai và nhiều đại biểu đã phát biểu tại hội trường về công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu rõ, các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cho đất nước. Phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội, được thể hiện qua Nghị quyết 76 của Chính phủ, Chỉ thị 42 của Trung ương về phòng, chống thiên tai…

Đối với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai; được giảng dạy tại các trường học, chương trình giáo dục cộng đồng… Đối với Việt Nam, nước ta đã có nhiều giải pháp ứng phó với phòng, chống thiên tai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận thấy, thực trạng nguồn nhân lực thực hiện phòng, chống thiên tai còn thiếu, hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy. Hiện nay hầu như chưa có cơ sở đào tạo đại học nào cấp bằng về ngành phòng, chống thiên tai…

Đề xuất một số giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần tăng cường thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân. Đồng thời rà soát, cải tiến và xây dựng mới chương trình đào tạo bài bản, phù hợp về phòng, chống thiên tai ở các cấp học, bậc học, đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, đảm bảo sự liên thông giữa các lớp học và bậc học, giữa trong và ngoài nước; tổ chức các loại hình đào tạo, từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn, cần có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học, sau đại học về lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này cho đất nước. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt, tham mưu và triển khai các chủ trương về phòng, chống thiên tai của đất nước.

Cần bố trí nguồn lực, gói hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất

Cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, Tuyên Quang là 1 trong 26 tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3, bị thiệt hại nặng nề về nhà ở và hạ tầng sản xuất nông lâm nghiệp, ước thiệt hại gần 2000 tỷ đồng. Trước khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và nhân dân cả nước.

Đại biểu Ma Thị Thúy nêu rõ, những thiệt hại từ cơn bão số 3 đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho nhân dân, bước đầu ổn định cuộc sống. Cùng với đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143 ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng mất mùa, thiếu đói, thiếu sinh kế là hiện hữu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn lực gói hỗ trợ, lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống; cũng như sớm triển khai các giải pháp dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương miền núi có người dân bị mất nhà ở hoặc đang sinh sống quanh khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất không thể quay lại nơi ở cũ, cần phải di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn.

Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Ma Thị Thúy nhận thấy, tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao (chiếm 31,72%). Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giải ngân còn thấp, dự kiến sẽ không đạt theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tác động bất lợi của thiên tai, nhất là cơn bão số 3 vừa qua thì việc thực hiện Chương trình càng gặp nhiều khó khăn thách thức.

Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần đánh giá chính xác nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo và làm rõ trách nhiệm của từng  Bộ, ngành, địa phương về việc đạt kết quả giải ngân thấp của Chương trình. Đồng thời, cần chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả sát với thực tế các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Cùng với đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, bước sang giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện Chương trình giai đoạn tới với phương châm đổi mới mạnh mẽ giúp các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cũng như khơi dậy sự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Cần có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế- xã hội năm 2024 và dự kiến các nhóm giải pháp đưa ra cho năm 2025…

Trong đó, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển xanh. 

Bên cạnh đó, dành nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026- 2030 xây dựng Đề án chống xâm nhập mặn và Đề án chống sạt lở gắn với di dân, tái định cư, ưu tiên đặc biệt cho những vùng bờ sông, bờ biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm và an toàn tính mạng của người dân. “Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa. Không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người như thời gian vừa qua”, đại biểu nhấn mạnh. 

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương đã xây mới hoặc di dời đi nơi khác, tránh tình trạng hoang hóa, mất mỹ quan đô thị và lãng phí tài sản. Đồng thời, có các giải pháp để khắc phục tình trạng nhân lực chất lượng cao ở khu vực công chuyển sang khu vực tư nhân trong thời gian tới.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, đã làm thiệt hại người và tài sản của chính quyền địa phương và người dân. Qua cơn bão này cho thấy, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, qua đó cần có cách phòng tránh, xử lý các trường hợp do thiên tai gây ra ở mức độ cao hơn; cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến vấn đề này.

 
P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Top