Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024 | 14:53

Quảng Ngãi tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản

Đề án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2022 - 2030 của tỉnh Quảng Ngãi đề ra mục tiêu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (SX) nông, lâm và thủy sản đã được các cấp ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Tăng cường quản lý chất lượng, ATTP

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra một số ổ dịch trên các đàn gia súc, gia cầm. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 11 huyện, thị xã, thành phố với 3.515 con mắc bệnh, tổng khối lượng tiêu hủy 167,8 tấn; dịch bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2023. Dịch bệnh hiện còn xảy ra tại 4 xã của 4 huyện trên địa bàn tỉnh… Điều đáng nói là, số gia súc, gia cầm bị dịch bệnh có thời gian nuôi dài nhưng chưa được chủ hộ tiêm vắc xin phòng bệnh.  Không chỉ trong chăn nuôi mà khâu tiêu thụ, giết mổ cũng còn nhiều bất cập. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nên không kiểm soát được nguồn gốc gia cầm cũng như vệ sinh ATVSTP thịt và các sản phẩm từ thịt.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Nấm dược liệu Ninh Trương (huyện Sơn Tịnh)

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Nấm dược liệu Ninh Trương (huyện Sơn Tịnh).

Năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi) đã thống kê, lập danh sách, thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã thống kê, lập danh sách cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản 23 cơ sở. Thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản thực phẩm 157 cơ sở; cụ thể: Thẩm định để xếp loại 47 cơ sở. Kết quả 01 cơ sở xếp loại A; 46 cơ sở xếp loại B; Thẩm định đánh giá định kỳ 110 cơ sở. Kết quả 02 cơ sở xếp loại A; 107 cơ sở xếp loại B và 01 cơ sở xếp loại C.

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 47 cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Lũy kế số cơ sở SX, KD thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã được thống kê, thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tính đến thời điểm báo cáo 230 cơ sở. Từ những kết quả trên cho thấy vẫn còn một số các cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định hiện hành về điều kiện đảm bảo an toàn nông sản.

Theo đánh giá của ngành quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, các cơ sở SX chưa áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo quy định, phần do việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chính quyền các địa phương vẫn chưa tích cực trong công tác quản lý chất lượng ATVSTP nông sản. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động kiểm tra, phân loại A, B, C và đánh giá mức lỗi theo quy định còn lúng túng, chế tài xử lý chưa rõ ràng. Theo quy định, cơ sở nào 2 năm liên tiếp xếp loại C thì buộc thu hồi giấy phép KD, đóng cửa doanh nghiệp để khắc phục, nhưng thực tế, việc xử lý vẫn chỉ “giơ cao đánh khẽ”.

Về công tác lấy mẫu giám sát ATTP, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh đã thực hiện lấy 66 mẫu thực phẩm nông, thủy sản; kết quả phân tích có 55/66 mẫu đáp ứng yêu cầu về quy định ATTP; 11 mẫu đang chờ kết quả kiểm nghiệm phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Thực hiện tiếp nhận 68 bộ hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở SX, KD thực phẩm nông, lâm, thủy sản và đăng tải trên Cổng thông tin thành phần của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chi cục đã cấp 05 Giấy xác nhận chuỗi ATTP cho 05 sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Từ thực trạng trên đặt ra, đã đến lúc các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP nông, lâm, thủy sản. Các cơ sở vi phạm phải được xử lý cương quyết, nghiêm minh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình SX, chăn nuôi an toàn và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP. Xây dựng các mô hình kiểm soát ATVSTP và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nơi SX đến nơi tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Trong năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 04 lớp về phát triển thị trường, năng lực xúc tiến thương mại với 81 học viên tham gia. Tổ chức 01 lớp tập huấn về Xúc tiến thương mại, quản lý ATTP cho 35 cán bộ quản lý ATTP, thương mại nông, lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tập huấn về SX thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn ở các xã: Hành Dũng và Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành), Tịnh An và Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi).

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi tập huấn phát triển thị trường, năng lực xúc tiến thương mại cho các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi tập huấn phát triển thị trường, năng lực xúc tiến thương mại cho các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Quảng Ngãi, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện (Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Hà, Ba Tơ),... tập huấn về ATTP trong SX, KD thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Phổ biến quy định ATTP cho các đối tượng tham gia SX, KD thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

Đề án đảm bảo ATVSTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh đề ra mục tiêu 100% cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP, hữu cơ...) tăng 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm vào giai đoạn 2026 - 2030.

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top