Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, Zoom..., vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Hội đã đảm nhiệm tốt vai trò kết nối chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đến với nông dân, hội viên thông qua các buổi sinh hoạt của Hội quán bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, giúp nông dân, hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chủ động thích ứng
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp cũng như các Hội quán duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt định kỳ tạo sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ thông tin lẫn nhau trong sản xuất và liên kết - tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các sản phẩm có đầu ra ổn định thông qua kết nối Zalo giữa các thành viên; nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường để nâng cao trình độ, kiến thức cho hội viên; tuyên truyền hội viên chung tay đẩy lùi Covid-19, thực hiện tốt khuyến cáo 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). Nắm tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của hội viên; phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả hơn nhằm giúp hội viên thay đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và tự tạo ra mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, Hội Làm vườn các cấp ở Đồng Tháp phối hợp cùng UBND các cấp xem xét từng trường hợp cụ thể để đại diện tổ chức/cá nhân không thuộc diện quản lý y tế đi thăm, chăm sóc ruộng, vườn cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi và tái sản xuất. Tần suất cho phép đi thăm, chăm sóc đối với lúa tối đa 1 lần/tuần; thủy sản, chăn nuôi, vườn cây ăn trái, rau màu tối đa 2 lần/tuần
Đối với các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, khuyến khích thành lập mới hoặc duy trì các tổ nông vụ, đội dịch vụ bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ để hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch thay cho các hộ nông dân xa nhà và hộ nông dân xâm canh nhưng không có người trực tiếp làm thay nhằm hạn chế đi lại để kiểm soát dịch Covid-19. Đồng thời công khai số điện thoại của Tổ dịch vụ để người dân trực tiếp liên hệ, thống nhất phương án hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch.
Trường hợp không có người quản lý hoặc không có người quen tại nơi có đất canh tác thì liên hệ hội viên liên hệ với UBND cấp xã hoặc Hội Làm vườn xã để được hỗ trợ. Trong quá trình đi thăm đồng, chăm sóc vườn cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Phát huy vai trò của Hội
Đồng Tháp hiện có hơn 100 Hội quán, thành viên chủ yếu là nông dân sản xuất lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi... Đáng chú ý, đa số thành viên Hội quán cũng chính là hội viên của Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Hội quán ở các huyện có nhiều diện tích trồng cây ăn trái như: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, thành phố Cao Lãnh,...
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện có 35 cán bộ Hội Làm vườn cấp cơ sở (Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội) giữ vai trò là Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Hội quán.
Chính vì vậy, các hoạt động hỗ trợ thành viên Hội quán tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển kinh tế vườn, thực hiện hiệu quả các mô hình VAC... cũng chính là thực hiện chức năng hỗ trợ hội viên của Hội Làm vườn các cấp.
Ông Trương Ngọc Bé (phường 6, thành phố Cao Lãnh) trước đây là Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, khi Tân Tâm Hội quán được thành lập (tháng 3/2018), ông được bầu làm Chủ nhiệm.
Theo ông Bé, kinh nghiệm của người làm vườn và kinh nghiệm của cán bộ Hội Làm vườn đã giúp ông rất nhiều trong điều hành sinh hoạt của Hội quán, trong đó có việc kết nối các chương trình hỗ trợ nông dân của Hội Làm vườn với Hội quán.
Thành viên Tân Tâm Hội quán chủ yếu là nhà vườn chuyên trồng xoài, vì vậy, hằng tháng vào mỗi kỳ sinh hoạt, ông Bé đều chọn những chuyên đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất xoài sao cho hiệu quả, nhất là sản xuất đảm bảo an toàn, liên kết tiêu thụ đầu ra với doanh nghiệp.
Các buổi tọa đàm (trực tiếp và trực tuyến) đã giúp cho bà con nông dân ở các Hội quán nắm được quy trình sản xuất trái cây theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP; biết cách tham gia xây dựng mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Quan trọng hơn là kết nối được với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: cung ứng vật tư nông nghiệp, bao trái, thu mua trái cây...
"Khi nông dân sản xuất theo quy trình an toàn thì sản phẩm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có liên kết tiêu thụ trái cây với nông dân như: Công ty Kim Nhung, Công ty Nông sản huyện Cao Lãnh, Công ty Song Nhi, Công ty Long Uyên, Công ty Chánh Thu, Công ty Cát Tường...", ông Tâm nói.
Hiện nay, mặt hàng trái cây của Đồng Tháp (xoài, nhãn) đạt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Mỹ; nhiều loại trái cây khác được đưa vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn trên cả nước.
Linh hoạt, thích ích trong tình hình mới, chủ động phòng, chống dịch Covid-19, sáng tạo trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Hội Làm vườn và hội quán ở Đồng Tháp sẽ giúp hội viên có những mùa bội thu, góp phần thực hiện mục tiêu kép tại địa phương.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)