Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 10:35

Sản xuất sản phẩm chất lượng, áp dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ: Hướng đi bền vững của nông nghiệp Tuyên Quang

Xác định chất lượng quyết định sự thành bại trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, tỉnh có 79 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý.

1111.JPG
Cam sành Hàm Yên đạt sản phẩm OCOP 4 sao, được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã tạo nên chất lượng tốt, được khách hàng tin dùng.

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Những năm qua, người sản xuất và chính quyền địa phương các cấp ở Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp như: sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đặc biệt là xây dựng các sản phẩm OCOP có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, từ đó tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình như sản phẩm cam sành Hàm Yên của Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên. Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, hơn 760ha cam công ty hợp tác với người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chất lượng nhưng ít có cơ hội quảng bá nên chỉ chỉ tiêu thụ ở thị trường nhỏ lẻ, tự do. Sau khi được công nhận OCOP, giá trị thương hiệu được nâng cao, nhà vườn đã nâng cao ý thức trong chăm sóc, sản xuất đảm bảo an toàn, đạt chất lượng, mẫu mã đẹp.

Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, cho biết,  công ty phối hợp với  chính quyền địa phương tập huấn, giám sát bà con chăm sóc cây cam đúng tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu; sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Giờ đây, sản phẩm được chuỗi các cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn khu vực Hà Nội và nhiều thị trường khác như: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Trị, TP.Hồ Chí Minh… ký hợp đồng tiêu thụ.

Bà Thuý cho biết thêm, thời gian tới, công ty tiếp tục cùng bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu giãn vụ, mở rộng các hình thức chế biến, bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian cung ứng cho thị trường. Đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra thị trường theo nhiều kênh phân phối, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, cho biết, đến nay, huyện có 6 sản phẩm OCOP. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Hàm Yên đã hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đưa phương ra án tiêu thụ khi dịch ổn định.

Về vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Sơn, cho biêt, huyện có 15 sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm có đặc trung riêng. Các chủ thể có sản phẩm tham gia vào OCOP rất tích cực. Ví dụ, tham gia vào vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi sản xuất đảm bảo an toàn theo quy định. Do vậy, các sản phẩm có chất lượng tốt, có vị trí trên thị trường.

Còn theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cả huyện có 16 sản phẩm OCOP, đây là những sản phẩm có chất lượng, tiến tới tiếp tục nâng hạng cho các sản phẩm. Các sản phẩm sau khi công nhận đã nâng cao được giá trị, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang, cho biết, với 79 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn để tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn mác, bao bì để phù hợp với nhu cầu thị yếu người tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ sản phẩm.

 

3.jpg
Đầu tháng 8/2021, chè xanh Ngọc Thúy, sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang chính thức lên sàn thương mại điện tử.

 

Đưa nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân. Để tháo gỡ khó khăn, Tuyên Quang đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp tiêu thụ, trong đó đưa sản phẩm lên sàn thường mại điện tử (TMĐT) được cho là hướng đi bền vững, lâu dài.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang, cho biết, tỉnh hiện có 75 sản phẩm đưa lên sàn TMĐT, trong đó có 72 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đưa lên được quảng bá rộng rãi không chỉ trong cả nước mà vươn ra cả thế giới, nhiều sản phẩm được khách hàng biết đến, đặt hàng với số lượng tương đối lớn. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì các sản phẩm trên các sàn TMĐT, cùng với đó mở rộng ra một số sàn khác.

Theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang,  các sản phẩm đưa lên sàn TMĐT giải quyết được vấn đề tiêu thụ cho bà con, được nhiều khách hàng biết đến, đặc biệt trong thời gian dịch đang diễn biến phức tạp. Thời gian tới, huyện sẽ đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP lên tiêu thụ trên các sàn TMĐT.

 

Mới đây, Tập đoàn Masan làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công Thương  Tuyên Quang nhằm kết nối tiêu thụ nông sản sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Về lâu dài, Tập đoàn sẽ xây dựng bản ghi nhớ về cung cầu hàng hóa đối với các sản phẩm đặc sản chủ lực của Tuyên Quang, trong đó có cam sành Hàm Yên, bưởi Yên Sơn, cá Na Hang… Dự kiến cuối tháng 11/2021, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tỉnh mặt bằng dựng gian hàng thực hiện tuần lễ bán và giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của Tuyên Quang tại Hà Nội.

 

Với sản lượng hơn 80.000 tấn cam, năm nay, ngoài tiêu thụ tại các tỉnh lân cận, các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, Hàm Yên xác định tiêu thụ qua sàn TMĐT như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee..., sản lượng dự kiến khoảng 9.000 tấn. “Để tạo thuận lợi trong thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 400 hội viên cam sành”, ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, cho biết.

Còn theo ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn), vừa rồi sản phẩm na của xã đưa lên sàn TMĐT. Tuy nhiên, sản phẩm thu hoạch đến đâu, bà con tiêu thụ hết đến đó nên na chỉ đưa lên để giới thiệu, chưa bán trên sàn. Tới đây, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan đưa sản phẩm bưởi lên sàn TMĐT tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ cho bà con.

Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Sơn, cho biết, những sản phẩm đạt chất lượng khi đưa lên sàn TMĐT là một cơ hội rất lớn. Ví dụ, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy lên sàn đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng của mình. Khi đã đưa lên sàn TMĐT, chất lượng sản phẩm phải chuẩn, phải quản lý được chất lượng, nếu chất lượng không chuẩn sẽ tác động ngược lại thì rất nguy hiểm, vĩnh viễn không có mặt trên thị trường nữa, khi đó người sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, huyện xác định làm từng bước, làm một cách thận trọng.

 

 (Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top