Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 5 năm 2021 | 21:36

Tìm cách tiêu thụ ớt cho nông dân Tượng Sơn

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm tấn ớt chín đỏ đồng, nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) vẫn không mặn mà thu hoạch vì thương lái không thu mua, mức giá chạm đáy, dao động chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg .

Nhằm gỡ khó cho bà con, chính quyền đã kết nối với các đối tác ở TP.Vinh tiêu thụ ớt giúp dân.

Được mùa, mất giá

Tượng Sơn là xã thuần nông với nhiều vùng chuyên canh rau, củ, quả, mùa nào thức nấy vô cùng phong phú và đẹp mắt. Những năm trước, người dân nơi đây lấy hoa màu làm một trong những sinh kế mang lại thu nhập cao, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới lượng rau, củ, quả làm ra rất nhiều nhưng khó tiêu thụ, giá giảm liên tục.

189542402_936657060491793_3950194179648364359_n.jpg
Bà Phạm Thị Tuyết (thôn Thượng Phú) lo lắng khi ớt chín từng ngày nhưng giá giảm quá mạnh chỉ bán được với mức giá 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Những ngày này về Tượng Sơn, đi đâu cũng la liệt những ruộng ớt chín đỏ đầy đồng nhưng gặp cảnh được mùa mất giá, người dân vô cùng lo lắng và thất vọng vì đã bỏ ra nhiều công sức, vốn liếng nhưng giá bán lại quá thấp chỉ thu được từ 3.000 - 5.000 đồng/kg giảm 10 lần so với mức giá năm 2020.

190250853_195065382476665_4486381622431527823_n1.jpg
Những ruộng ớt chín đỏ đầy đồng của người dân xã Tượng Sơn vẫn chưa được thu hái.

Trong tâm trạng chán nản, ông Hoàng Trọng Cử (thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn) buồn bã nói: “Gia đình tôi làm gần 1 sào ớt, năng suất năm nay hơn năm ngoái nhiều, ớt quả to, đều, đẹp. Những năm trước còn bán được 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ bán được 4.000 đồng/kg. Do không có ai thu mua nên chúng tôi đành đưa ra chợ ngồi bán, thị trường họ ép giá mua được bao nhiêu mua chứ giờ ăn thì không hết, phơi không phơi được, đổ thì tiếc, để lâu ngoài đồng lại hư thối, chín nứt hết cả”.

191990337_1574243819633907_8837165407537732832_n-1.jpg
Ông Hoàng Trọng Cử cố gắng hái nốt những lứa ớt chín để còn kịp về gieo hái vì sợ để lâu ớt chín quá sẽ nứt hết.

Cùng nỗi niềm, bà Phạm Thị Tuyết (thôn Thượng Phú) chia sẻ: "Trời nắng họ còn mua cho 5.000 đồng/kg nhưng sau trận mưa giông đưa lên chợ bán 5.000 đồng/kg họ không mua, xuống 4.000 đồng/kg họ cũng không mua, họ chỉ trả 3.000 đồng/kg. Chúng tôi nhà thì đổ đi, nhà ngán ngẩm chở về, không thiết bán nữa”.

Cũng theo bà Tuyết, tính ra tiền ớt bán chỉ đủ tiền mua chút thức ăn cho gia đình; tiền giống, tiền phân, tiền nylon trải ruộng không đủ bù, tiền công chưa tính.

Bà Nguyễn Thị Vinh, cùng trú tại thôn Thượng Phú, lắc đầu ngao ngán cho hay: Gia đình làm 1,5 sào ớt cả trong vườn và ngoài đồng. Hai mẹ con hái 1 ngày được 60kg ớt chín. Giờ do ảnh hưởng của dịch, giá ớt rẻ như bèo, bán không ai mua, dân tội lắm. Không hái thì tiếc của mà hái thì tiếc công về cũng không biết có bán được hay lại đổ bỏ.

187248068_159416916163496_932122233861327368_n.jpg
Một ngày bà Nguyễn Thị Vinh cùng con gái hái được 60 kg ớt trên diện tích 1,5 sào ớt của mình.

Tìm cách tiêu thụ ớt cho nông dân

Được biết, vụ ớt đông xuân bắt đầu gieo trồng từ tháng 11 /2020, đến tháng 5 /2021 thì cho thu hoạch. Khác với các loại cây khác, ớt chín rải rác, được người dân thu hái dần trong vòng 3 tháng. Những năm trước thương lái về thu mua ngay tại vườn nhà, các chân ruộng với mức giá cao, có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg, đến năm 2020 vẫn bán được với mức giá ổn định 15-20.000 đồng/ kg  .

Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thương lái từ các tỉnh không thể về tận nơi thu mua, quán hàng lại hiếm khách nên người dân phải đội đèn hái từ 4h đến 8h sáng và từ 16h đến 18h chiều. Đến 11 giờ đêm mang ra chợ TP. Vinh, ngày nào nhập được hết thì 2-3h sáng về, không nhập được lại phải bê đi bán rong, vất vả, mệt mỏi vô cùng.

Ông Nguyễn Văn Đường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tượng Sơn, cho hay: “Tượng Sơn có hơn 15 ha ớt, tập trung vào các thôn như Hà Thanh, Bắc Bình, Sâm Lộc, đặc biệt là thôn Thượng Phú.

Năm nay cây rất sai quả nhưng giá cả quá thấp. Vì  dịch bệnh nên thương lái không thể vào để thu mua sản phẩm cho nông dân. Cho nên bà con buộc phải thu hoạch đưa lên chợ thành phố bán với giá 3.000- 5.000 đồng/kg”.

189495022_745387629474765_740313289202052364_n.jpg
Ông Nguyễn Văn Đường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tượng Sơn chia sẻ với bà con nông dân về những khó khăn trong vụ ớt năm nay.

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là sẽ có giải pháp nào để giải quyết khó khăn trên cho bà con, tạo hướng đi mới, tìm đầu ra cho sản phẩm ớt trong mùa dịch năm nay? Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: Hiện tại ớt cùng nhiều mặt hàng nông sản của địa phương đang giảm giá do tình hình chung của cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở địa phương, những nơi được giãn cách xã hội đã dần đi vào ổn định. Nhằm từng bước tháo gỡ bài toán được mùa mất giá , nhất là trong mùa dịch, đồng thời giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn trên chính quyền đã kết nối với các đối tác ở TP.Vinh, vốn là những thương lái quen biết từ trước để họ về thu mua ớt giúp dân. Dự kiến sang tháng họ sẽ về,  giá ớt sẽ ổn định hơn với mức bình quân từ 9.000- 10.000 đồng/kg. Như vậy sẽ đỡ vất vả cho bà con hơn là tự mang ra chợ bán sẽ rất vất vả, lại bị ép giá.

Ngoài bán ớt tươi, bà con có thể ép để tạo thành nước ớt hoặc phơi khô để làm ớt bột, để cung cấp cho thị trường.

Về lâu dài, người trồng ớt cần có sự liên kết để có đầu ra tiêu thụ ổn định.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

 

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
Top