Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 13:9

Ứng dụng kinh tế số ở Lạng Sơn: Không gian mới cho đầu ra nông sản

Trước tác động của dịch Covid-19, Lạng Sơn đã chủ động triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo không gian phát triển mới, tìm đầu ra cho nông sản.

Với mục tiêu “kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn”, Lạng Sơn chọn na là sản phẩm đầu tiên thí điểm kinh tế số trong nông nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

nhân-viên-vnpost-hướng-dẫn-nông-dân-thị-trấn-chi-lăng-đóng-gói-sản-phẩm.jpgNhân viên VNPost hướng dẫn nông dân đóng gói sản phẩm na.

 

 Tiện lợi, hữu ích...

Là người có thâm niên trồng na, trước đây, anh Nông Văn Hưng, người Tày, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) thường đưa sản phẩm của gia đình đi tiêu thụ tại các chợ truyền thống, bán buôn và bán lẻ cho người tiêu dùng. Thậm chí, anh còn bày bán na bên cạnh đường quốc lộ.

Nhưng từ khi đưa na trong vườn nhà lên sàn thương mại điện tử, anh Hưng vẫn ngồi ở nhà, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19,  mà vẫn  bán được na. Anh đăng ký tài khoản trên voso.vn, chụp ảnh, giới thiệu về sản phẩm và chỉ với một số thao tác trên smartphone, anh đã đưa sản phẩm na của gia đình lên sàn giao dịch thương mại.

Anh Hưng cho biết, những năm trước với phương thức truyền thống, nông dân phải vất vả mang na ra chợ bán, có thể đối mặt với nguy cơ bị thương lái ép giá, không có người thu mua, nay chỉ cần ngồi tại vườn, bà con cũng có thể livestream, đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và thu về lợi nhuận cao.

“Bán hàng online, tôi cảm thấy rất tiện lợi, có  nhiều khách hàng đặt mua do biết tiếng na Lạng Sơn nổi tiếng ngon, họ có thể mua chọn na tại vườn. Tôi chỉ cần ở nhà nhận đơn hàng, đóng gói, còn lại đội ngũ nhân viên bưu điện sẽ xuống lấy hàng gửi đi cho mình luôn”, anh Hưng cho biết.

Còn anh Hứa Quốc Công ở xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) cho biết: “Trước đây, người dân trồng na rất vất vả khâu tiêu thụ khi đến mùa thu hoạch, có khi phải đi rất xa, xuống tận Hà Nội và các tỉnh lân cận để bán. Nhưng bây giờ, thật đơn giản, cứ đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, hàng không đủ để bán, giá lại cao. Tôi bán trên posmart, giá có thể lên đến 70.000 đồng/kg, bán ngoài chợ chỉ tầm 30.000 - 40.000 đồng/kg”.

Chị Vi Lăng Như Quỳnh (khu Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng) cho biết: Trước đây, tôi thường bán hàng trên facebook, nhưng gần đây, mạng xã hội này hạn chế tương tác nên số người xem được sản phẩm và đặt mua giảm đáng kể. Nhờ sàn thương mại postmart.vn, việc kinh doanh của tôi thuận lợi hơn. Ngoài quả na, tôi còn bán được nhiều sản phẩm khác của gia đình như: hành, tỏi, nụ vối…

Chi Lăng có hơn 1.000 hộ gia đình mở cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử để tự bán các sản phẩm nông sản, một số hộ gia đình có na chín sớm bán được giá khoảng 70.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các năm trước. Đây là kết quả mà ngay cả những người trồng na cũng thấy ngỡ ngàng.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), chia sẻ, khi tham gia sàn thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, thậm chí ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý sẽ tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch, được quản lý chặt chẽ về mọi mặt. Sản phẩm trực tiếp đi từ người sản xuất đến người tiêu dùng mà không cần qua kênh trung gian nên cả người bán và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Ứng dụng thương mại điện tử trong giao dịch nông sản được coi là bước đột phá khi đã tạo ra không gian thị trường không giới hạn. Không chỉ có quả na mà những loại nông sản, đặc sản có thế mạnh khác của  Lạng Sơn như hồi, quế, thạch đen,  hồng, quýt, cam, bưởi, lê, nem nướng, vịt quay, lợn quay, măng ớt…, qua các sàn thương mại điện tử cũng sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phấn đấu 50% người dân có cửa hàng số

Đánh giá về hiệu quả ban đầu về ứng dụng kinh tế số, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết: Nhiều nhà vườn, hộ gia đình đã giao dịch thành công với sản phẩm na và sản phẩm nông nghiệp khác. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai rộng khắp mô hình này.  Với cách tổ chức triển khai thực hiện như hiện nay thì sản phẩm nông nghiệp của Chi Lăng nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn nói chung sẽ tiếp tục được nâng tầm thương hiệu và bay xa hơn.

Với mục tiêu “kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn”, Lạng Sơn lựa chọn na là sản phẩm đầu tiên thí điểm kinh tế số trong nông nghiệp. Trước mắt, người dân có nông sản như na Chi Lăng tham gia chỉ cần mở cửa hàng, chụp ảnh quả na, giá bán, địa chỉ hộ gia đình, tài khoản ngân hàng giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các bước đăng bán hàng, nhận tiền hàng đều được thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Đến nay, kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra, trên 1.000 cửa hàng số bán nông sản trên các sàn giao dịch điện tử của các gia đình đã được thiết lập.

Kế hoạch phát triển kinh tế số giai đoạn 1 (từ 20/7 - 20/9/2021) được triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan; giai đoạn 2 (từ 20/9 - 20/12/2021), triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại. Đảm bảo đạt chỉ tiêu 50% hộ gia đình trên địa bàn Lạng Sơn có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

người-dân-chi-lăng-thu-hoạch-na-2.jpgNông dân Chi Lăng  (Lạng Sơn) thu hái na.

 

 Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế số đặt ra chỉ tiêu phấn đấu kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh Lạng Sơn; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%. Tỉnh đã lựa chọn nền tảng công nghệ số (voso.vn, postmart.vn) trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử cho hộ gia đình.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo, giúp tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số. Kịp thời ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để phát triển kinh tế số ở các địa phương miền núi, biên giới, nhất là các tỉnh có cửa khẩu.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định được điểm nghẽn hiện nay, đó là việc sản phẩm nông sản khó tiêu thụ do bị ảnh hưởng dich Covid-19, vì thế, việc mở ra thị trường cho việc tiêu thụ nông sản là việc làm rất cần thiết và quan trọng. Phát triển kinh tế số cho nông nghiệp, nông thôn kết hợp với khơi thông dòng chảy thương mại bằng cửa khẩu số, đây sẽ là cơ hội để nông nghiệp nói riêng và kinh tế Lạng Sơn nói chung phát triển thêm một bước mới.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top